Điểm sáng thị trường bán lẻ 2021 - Bài 2: Cạnh tranh thị phần điểm bán

Một trong những xu hướng thị trường bán lẻ hiện nay là không tiếp xúc, nên đòi hỏi nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp buộc phải trực tiếp tham gia vào kênh phân phối, bán lẻ để có thể giao hàng hóa đến tận nơi cho người tiêu dùng, cũng như giữ vững thị phần.

Chính vì vậy, mà trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều nhà sản xuất trở thành "ông chủ" bán lẻ đa kênh, hoặc lần lượt những thương hiệu bán lẻ mới được tung ra thị trường với kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng trong thời gian tới thông qua giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A).

M&A làm mới thương hiệu

Điểm sáng thị trường bán lẻ 2021 - Bài 2: Cạnh tranh thị phần điểm bán - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị Co.op Mart Rạch Giá lựa chọn đồ cho khách đặt hàng trực tuyến. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 với quy mô lớn, tác động trên diện rộng với thời gian dài và trình Quốc hội xem xét. 

Đây là những cơ sở để kỳ vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra cho cộng đồng đầu tư - kinh doanh trong năm 2022, bên cạnh yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và tốc độ tiêm phủ vaccine đang tăng nhanh.

Năm 2022 trông đợi sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là những nền kinh tế đối tác của Việt Nam với sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á và Việt Nam luôn là một quốc gia được nhấn mạnh. 

Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Trên cơ sở này, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn tham gia vào ngành bán lẻ, đặc biệt là thông qua những giao dịch M&A. 

Trong đó có thể kể đến thương vụ của CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư vào CTCP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco), chính thức đặt chân vào “lãnh địa” thảo dược, nhất là thảo dược quý hiếm. Thương vụ triệu đô này hứa hẹn sự phát triển đột phá mới cho “quốc bảo” Việt Nam.

Chia sẻ về việc đầu tư vào Quasapharco, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, đồng thời là Chủ tịch HĐQT mới của Quasapharco nhận định, với hơn 20 năm nghiên cứu trong ngành dinh dưỡng cùng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước, Nutifood khao khát đưa những giá trị dinh dưỡng của thảo dược Việt Nam vào phục vụ cho sức khỏe con người và xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu nhóm sản phẩm thảo dược Việt Nam trên trường quốc tế.

Kế hoạch đưa sâm Ngọc Linh “vượt biên giới” cũng được Nutifood hoạch định từ sớm với nhiều hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, gồm: quy hoạch và mở rộng vùng trồng sâm, thực hiện chứng minh lâm sàng có giá trị quốc tế bởi Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng hệ sinh thái quảng bá sâm Ngọc Linh tại Việt Nam và nhiều nước khác… 

Đặc biệt, Nutifood vừa “chào sân” thương hiệu nước giải khát bổ dưỡng NutiZen - dòng sản phẩm thuận tự nhiên đầu tiên của Nutifood sau khi chính thức “bước chân” vào lĩnh vực thảo dược, thảo mộc và đầu tư vào Quasapharco.

Trong năm 2021, Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đưa ra thông báo tiến hành nhượng quyền đại siêu thị E-mart (Hàn Quốc) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Emart Việt Nam. Đồng thời, Thaco có kế hoạch phát triển 11 đại siêu thị E-mart trên cả nước vào năm 2025.

Cụ thể, ngoài đạt thỏa thuận mua lại 100% vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Emart Việt Nam, gồm hoạt động kinh doanh hiện hữu là của đại siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) và các dự án đang phát triển tại Việt Nam, Thaco cũng đạt thỏa thuận nhượng quyền thương mại, độc quyền sử dụng thương hiệu Emart trong vòng 9 năm. 

Hai bên cũng thỏa thuận mua bán hàng hóa theo hướng tiếp tục phân phối các sản phẩm nhãn hiệu riêng của Emart, NoBrand tại thị trường Việt Nam.

Liên quan đến thương vụ nhượng quyền đại siêu thị E-mart, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) cũng cho biết, một trong những chiến lược sắp tới của tập đoàn là phát triển mạnh mảng thương mại - dịch vụ. 

Đồng thời mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua hợp tác nhượng quyền, liên doanh – liên kết với các đối tác có thương hiệu hoặc tự đầu tư phát triển.

Còn theo đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Emart Việt Nam, việc hợp tác chiến lược giữa hai bên để tối ưu sử dụng thương hiệu E-mart và năng lực của Thaco, hướng đến mục tiêu mở rộng mô hình kinh doanh đại siêu thị này tại Việt Nam. 

Thống kê trong khoảng 6 năm tham gia thị trường Việt Nam, E-mart chỉ mở một đại siêu thị tại quận Gò Vấp, TP HCM và chưa phát triển thêm điểm bán nào.

Cuộc đua mở điểm bán

Điểm sáng thị trường bán lẻ 2021 - Bài 2: Cạnh tranh thị phần điểm bán - Ảnh 2.

Nhân viên thu ngân siêu thị Co.op Mart Rạch Giá tính tiền cho đơn đặt hàng trực tuyến. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bên cạnh các cơ hội phát triển là sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt trong ngành bán lẻ, trong những năm qua thị trường bán lẻ cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về thị phần, thương hiệu thông qua các thương vụ chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập. 

Nếu thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước.

Sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ trong thời đại mới, hay những thay đổi trong hành vi của người tiêu trong thời gian vừa qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam. 

Tuy nhiên, với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng vẫn là một thị trường giàu tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước.

Đây cũng chính là nguyên nhân, không chỉ những nhà đầu tư, nhà sản xuất... tích cực gia nhập thị trường bán lẻ, mà để giữ vững thị phần, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn tiếp tục đa kênh bán hàng để khẳng định vị thế của mình. 

Trong đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã đặt ra chiến lược phát huy vai dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với kế hoạch đến năm 2025, Saigon Co.op sẽ mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán, đảm bảo phát triển mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc. 

Theo đó, trong năm 2021 Saigon Co.op đã tăng tốc phát triển đa kênh bán hàng, phủ sóng thương hiệu khắp địa bàn TP HCM nói riêng và cả nước nói riêng.

Cụ thể, Saigon Co.op đã đưa vào kinh doanh siêu thị Co.opmart và trung tâm thương mại Thắng Lợi, quận Tân Phú, TP HCM. Đây là trung tâm thương mại thuần Việt thứ 5 bên cạnh 4 trung tâm thương mại Sense City đang hoạt động của Saigon Co.op.

Trung tâm thương mại Thắng Lợi nằm trên Đại lộ Trường Chinh – con đường sầm uất huyết mạch nối cửa ngõ Tây Bắc của Thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, được thiết kế hiện đại với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 với kết cấu gồm tầng hầm và 3 tầng nổi. 

Trung tâm thương mại này, có thiết kế không gian hiện đại sẽ đem lại những trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho khách hàng, không chỉ là nơi mua sắm đơn thuần mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu đa dạng về vui chơi, giải trí...

Cũng là một thương hiệu bán lẻ mạnh trên thị trường, CTCP Thế giới Di động chính thức ra mắt TopZone - chuỗi bán lẻ ủy quyền cao cấp mới nhất của Apple tại Việt Nam. 

Tại TopZone, khách hàng yêu mến hệ sinh thái Apple sẽ tìm thấy đầy đủ và đa dạng nhất các sản phẩm như iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và các phụ kiện Apple... với không gian mua sắm đẳng cấp, hiện đại.

Là thành viên của Thế giới Di động, TopZone còn có những lợi thế mà không chuỗi nào khác có được như chính sách bảo hành, đổi trả tại hơn 2.700 điểm bán của Thế giới Di động và Điện máy Xanh. Theo đó, TopZone đặt tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple với kế hoạch mở từ 50 - 60 cửa hàng từ nay đến hết tháng 3/2022.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc CTCP Thế giới Di động cho biết, TopZone sẽ mang đến cho thị trường một luồng sinh khí mới mẻ, phục vụ các tín đồ yêu công nghệ đỉnh cao của Apple. Đồng thời, sẽ có những sản phẩm của Apple chỉ có tại đây và cũng nơi đây có hệ sinh thái các sản phẩm đa dạng thỏa mãn mọi nhu cầu khách hàng.

Kết quả khảo sát vừa công bố của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chỉ ra rằng, sự phân hóa về tác động của đại dịch giữa hai nhóm hàng lâu bền và tiêu dùng là có 71,43% doanh nghiệp nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải. 

Đồng thời, những thay đổi mạnh mẽ của môi trường bên ngoài do Covid-19 đã gây ra những tác động khác nhau đến hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ, trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Theo khảo sát này, kênh bán lẻ vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. 

Đặc biệt, hệ thống bán lẻ hiện đại trước đây chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhưng khi nhiều chợ truyền thống vẫn còn đóng cửa thì các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị đã và đang nỗ lực thích ứng kịp thời.

Bài cuối: Hướng đến chuỗi bán lẻ an toàn

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.