Bộ Giao thông Vận tải cho hay trong số 67 dự án này có 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; vành đai 4 Hà Nội; vành đai 3 TP HCM; dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo nguồn vốn ODA.
Bên cạnh đó, 10 dự án nhóm A cũng được Bộ dự kiến khởi công trong 5 năm tới, bao gồm 4 dự án PPP là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây -Tân Phú, Chơn Thành - Đức Hòa, An Hữu - Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2; 5 dự án vốn ODA là cầu Đại Ngãi, mở rộng các cầu trên quốc lộ 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường nối cao tốc Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai, logistics khu vực phía Nam. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn đầu tư 51 dự án khác thuộc nhóm B và C.
Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 trong 10 dự án nhóm A gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Như vậy, còn lại 4 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 9 dự án nhóm B và C chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải hiện đang chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C còn lại trình Bộ thẩm định, phê duyệt trong năn 2021.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, trình cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ yêu cầu đối với từng dự án.
Ngoài các dự án cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Theo dự kiến, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 (gồm 12 dự án thành phần, tổng chiều dài 729 km) và cơ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp vào cuối năm 2021.
Về triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Trong đó, Bộ được phân bổ 304.104 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã triển khai các dự án chuyển tiếp, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước và khởi công mới các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Điển hình là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến đường bộ cao tốc động lực, kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, các tuyến luồng hàng hải quan trọng; cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam; nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo; phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam, nâng tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; các hành lang đường bộ Đông - Tây kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài).
Bộ đã phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến đến hết tháng 1/2022, cơ quan này phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương kết quả năm 2020.