Báo cáo tại phiên họp, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay, ước tính khối lượng công việc của dự án đã hoàn thành khoảng 80%. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế hiện nay, tỉnh Thái Bình đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn.
Theo đó, đề xuất điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia là 77,51%; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2025 để đảm bảo phương án tài chính; điều chỉnh phương án tàu chính, theo đó điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm 8 tháng, tăng 1 năm 5 tháng so với Quyết định số 348/QĐ-TTg để phù hợp với điều kiện thực tế thi công.
Theo tỉnh Thái Bình, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do quá trình thực hiện dự án phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng; đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thi công; điều chỉnh bổ sung một số hạng mục, phù hợp với quy định, bổ sung trạm thu giá dịch vụ; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng tăng. Việc điều chỉnh cơ cấu vốn theo Nghị định số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.
Đóng góp ý kiến, đại diện các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án điều chỉnh đã cơ bản có thành phần theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật PPP.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2021), tổng mức đầu tư phù hợp với lĩnh vực, quy mô đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 điều 4 Luật PPP. Do đó, đủ điều kiện áp dụng chuyển tiếp theo quy định.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào các nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư; về sự phù hợp của nội dung điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật PPP; sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; tổng mức đầu tư dự án; về điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư; nguồn vốn nhà nước tham gia dự án; nguồn vốn đầu tư BOT; về điều chỉnh thời gian thực hiện và phương án tài chính…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng khẳng định, tỉnh Thái Bình sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện báo cáo để báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định; đồng thời, nhấn mạnh đến một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá vật liệu phục vụ cho giao thông tăng cao, liên quan đến đất ở, đất tái định cư của giải phóng mặt bằng…
“Đến nay, dự án đã hoàn thành khối lượng công việc khoảng 80%; công trình cầu sông Hồng, thuộc dự án đã được hợp long vào ngày 14/9/2024. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi Luật PPP ban hành và dự án đầu tiên được thực hiện theo hình thức PPP của tỉnh Thái Bình, là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để phát triển kinh tế – xã hội mà còn củng cố quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Thái Bình trên cơ sở các ý kiến góp ý khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện báo cáo; trong đó, cần cập nhật, bổ sung đầy đủ thông tin số liệu về tình hình thực hiện dự án cũng như các khó khăn, vướng mắc và sự cần thiết điều chỉnh; làm rõ việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo đó, tỉnh cần thuyết minh, đánh giá, làm rõ sự phù hợp với các trường hợp được phép điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 18 Luật PPP. Ngoài ra, về lý do điều chỉnh còn phải bám sát luật, phải đúng và phải tích hợp. Cùng với đó, bên cạnh bám sát quy định của pháp luật để thuyết minh lý do điều chỉnh cần phải thực hiện đúng và phải tích hợp với kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; rà soát, xác định lại thời gian thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp của Luật PPP…
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm định liên ngành và gửi đến các thành viên Hội đồng để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
“Đây là dự án quan trọng, có tính kết nối giữa các địa phương, khi được hoàn thành sẽ góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ với tỉnh Thái Bình mà còn cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Phạm vi đầu tư: Đầu tư xây dựng tuyến đường với tổng chiều dài tuyến L=35,5 km; trong đó điểm đầu tại Km9+00, giao với Quốc lộ 37 mới tại Km2+384,15 (kết nối với điểm cuối dự án tuyến đường bộ ven biển thành phố Hải Phòng và 9 km thuộc địa phận tỉnh Thái Bình); điểm cuối tại Km44+500, đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải; xây dựng cầu vượt sông Hồng dài Khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.