Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổng hợp việc điều chỉnh cục bộ tuyến đường Vành đai 5 đoạn từ km 68 - km 75 vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ.
TTXVN đưa tin, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, vùng Thủ đô Hà Nội gồm 9 tỉnh. Theo quy hoạch, vùng Thủ đô Hà Nội có hai tuyến đường vành đai vùng (vành đai 4 và vành đai 5).
Cụ thể, đường vành đai 4 đi qua TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, với chiều dài 98 km.
Tiến độ đến thời điểm hiện tại, đường vành đai 4 mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT và BOT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (53,52 km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), tỉnh Bắc Ninh (21 km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.
Đường vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết ngày 18/4/2014), chiều dài 331 km với mục tiêu hình thành vành đai giao thông liên kết các đô thị đối trọng của các địa phương liền kề Thủ đô Hà Nội.
Đường vành đai 5, phần do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư là các đoạn đi trùng đường quốc lộ, đường cao tốc (127,9 km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25 km các đoạn đi trùng đường cao tốc (Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai); còn lại 102,9 km đi trùng đường quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc) nhưng chưa được đầu tư vào cấp theo quy mô quy hoạch 4 làn xe.