DN phát hành mới 26.000 tỷ đồng trái phiếu, đàm phán thành công gần 8.000 tỷ đến hạn sau Nghị định 08

Địa ốc Bulova, Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Thịnh Land… là một số trong 16 doanh nghiệp đàm phán thành công gần 8.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn kể từ khi Nghị định 08 được ban hành.

Giai đoạn khó khăn của thị trường trái phiếu

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 28/5, GS.TS Hoàng Văn Cường -  Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một thị trường vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và quý đầu đầu năm 2022, chúng ta chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, khi có sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro.

Rủi ro đó, một phần chúng ta nhìn thấy rất rõ là bản thân doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được kiểm soát chặt, dẫn đến tình trạng phát hành nguồn tiền không có cơ sở, những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu.

Nhưng cũng có yếu tố là bản thân nhà đầu tư. Trái phiếu đó phần lớn là trái phiếu phát hành riêng lẻ, theo quy định của luật pháp thì chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng.

"Khi xảy ra sự cố như thế, thị trường TPDN rơi vào khó khăn. Khó khăn thứ nhất, là huy động của phát hành trái phiếu mới giảm đi. Thậm chí nhiều doanh nghiệp năng lực khá tốt nhưng vì tâm lý của nhà đầu tư mà phát hành giảm sút.

Khó khăn thứ hai là nhiều khoản trái phiếu chưa đến hạn đáo hạn mà nhà dầu tư đã muốn rút. Rồi có nhiều doanh nghiệp năng lực yếu cho nên đến thời kỳ là phải đáo hạn trái phiếu, bây giờ không phát hành được các lô mới lại không có nguồn để đáo hạn. Đó là yếu tố tạo ra rủi ro và tạo ra sức ép lớn cho nhiều doanh nghiệp…

Có lẽ tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn này là giai đoạn khá khó khăn cho thị trường trái phiếu,"  GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ nhận định về tình hình "sức khỏe" thị trường TPDN Việt Nam.

16 doanh nghiệp đàm phán thành công gần 8.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đồng tình với những đánh giá và nhận định của GS. Hoàng Văn Cường về tình hình thị trường TPDN hiện nay. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thêm, thị trường TPDN bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (theo số dư đến 31/12/2022).

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).

Từ nửa cuối năm 2022,  thị trường TPDN gặp khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, thị trường đã đạt kết quả rất tích cực sau khi Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới, đặc biệt là Nghị định 08 (về việc "Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế"). 

Cụ thể, từ khi Nghị định 08 được ban hành (ngày 5/3), đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26.400 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường.

"Ở một khía cạnh khác, sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn.

Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8.000 tỷ đồng (7.900 nghìn tỷ đồng).

Tôi có thể kể ra một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Hưng Thịnh Land…

Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản,… thành công,"  Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Trái phiếu với lãi suất 13% là quá cao so với thế giới

Nói về các giải pháp và phản ứng chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam trong xử lý khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, TS. Vũ Minh Khương -  Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn hiện đang vướng phải.

"Tôi muốn chú ý hơn nữa về vấn đề tạo nền móng cho tương lai bởi rõ ràng chúng ta nhận thức rõ vai trò của trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ.

Nhìn những quốc gia đã tạo ra những phát triển thần kỳ thì trái phiếu có vai trò rất quan trọng, đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của doanh nghiệp và 50% của Chính phủ. Chẳng hạn như Hàn Quốc, có đến 18 địa phương phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt, tàu điện ngầm, các công trình được xây dựng, phát triển mạnh.

Việc đầu tư vào những cái tạo ra giá trị thì chúng ta không tiếc đầu tư, không tiếc sức để vay tiền nếu thực sự có thể tạo ra giá trị. Khi một đồng được đầu tư vào những thứ chuẩn xác, đúng hướng sẽ tạo ra nhiều lời lãi, giúp tăng trưởng rất nhanh, rất thần kỳ.

Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Chúng ta phải biến những thách thức thành cơ hội để những ý chí, quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống trái phiếu trở thành đẳng cấp thế giới trong thời gian tới.

Tôi thấy kinh nghiệm thế giới, trái phiếu phát hành ba loại. Một là phải mua bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm thì dân rất yên tâm mua, vì bảo hiểm đã kiểm tra rất kỹ trình độ trái phiếu ra sao.

Dạng thứ hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. Tôi mua miếng đất này, xây dựng công trình tàu điện ngầm kia ra sao, hoàn toàn có bảo lãnh, bảo đảm bằng chính tài sản của mình. Đây cũng là công thức tốt, nghĩa là ta phải tạo ra nền móng rất khoa học.

Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.

Nhìn những báo cáo quốc tế của Việt Nam vừa rồi phát hành thấy lãi suất quá cao trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam ổn định so với USD thì tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó. Ví dụ vừa rồi lãi suất 13% so với thế giới là rất cao, như vậy là rất khó. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì lại càng khó nữa vì lãi suất cao sẽ dễ làm lỗ. Do đó cần có khảo sát, giúp đỡ họ thật kỹ.

Tôi muốn nói tới ba tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục," TS. Vũ Minh Khương chia sẻ ý kiến.

 GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ). 

Cùng quan điểm trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, thị trường trái phiếu không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường. Trái phiếu là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia vào đấy phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh.

Việc đầu tiên là chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát.

Thứ hai là bản thân những người tham gia thị trường, kể cả những người phát hành trái phiếu như là doanh nghiệp, cũng phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp phải những rủi ro như thế nào? Khách hàng tham gia và mua trên thị trường này cũng phải có được năng lực đó.

Ông Cường cho rằng, nhiều doanh nghiệp thời gian vừa qua phát hành trái phiếu cũng chưa thực sự hiểu. 

"Cảnh báo của chúng ta, kiểm soát của chúng ta đúng là chưa kịp thời. Nếu kịp thời chúng ta sẽ ngăn chặn sớm, không để xảy ra tình trạng tràn lan, gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế.

Tôi rất đồng tình là khách hàng, nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào thị trường này cũng thực sự chưa am hiểu. Không thể có chuyện lợi nhuận, lãi suất phát hành ra 13, 14, 15%, ngân hàng đang huy động có 6, 7, 8% mà thị trường trái phiếu mười mấy phần trăm như thế.

Một quy luật rất rõ là lợi nhuận càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn, nên đương nhiên sẽ gặp những vấn đề rủi ro. Khả năng đánh giá rủi ro ra sao, có những thông tin đánh giá hay chưa. Tôi cho rằng tất cả những yếu tố trên đây hoàn toàn đúng," ông Cường nói.

GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng nhận định, vừa qua, Chính phủ đã có hành động khá kịp thời. Chúng ta ngăn chặn sớm những rủi ro, không để cho tình khủng hoảng trái phiếu lún sâu nữa.

"Cho đến nay, chúng ta cũng chưa thấy những trái chủ bị mất trắng trái phiếu. Tôi nghĩ đã có những hành động khá kịp thời và bài bản. Chúng ta ra Nghị định 65 để tăng cường chuẩn hóa phát hành trái phiếu, nhưng sau đó chúng ta nhìn thấy chuẩn hóa ngay lúc này cứng quá, chúng ta lại ra Nghị định 08 để thích nghi dần dần. Đấy là xử lý rất nhanh nhạy để chúng ta thấy rằng không để tình trạng phát hành không có căn cứ, nhưng cũng không thắt quá chặt.

Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cần có các biện pháp phản ứng phù hợp hơn, quan trọng nhất là những trái chủ cảm thấy có niềm tin và sẽ không có người nào mất trắng tay. Chẳng hạn chúng ta gia hạn thời gian thanh toán, chuyển đổi từ trái phiếu sang tài sản. Tôi nghĩ cái đấy không phải là mất tiền mà có khi chúng ta lại có thêm cơ hội.

Đặc biệt, chúng ta thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Mong muốn của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam có một đặc điểm rất khác so với nhiều nhà đầu tư cá nhân thế giới. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thế giới trên thị trường chứng khoán không hiểu họ đầu tư là đầu tư vào quỹ, đầu tư gián tiếp, nhưng Việt Nam lại rất thích đầu tư trực tiếp, tự mình mua, tự mình cảm nhận được sinh lợi ra sao.

Nếu chúng ta chuyển sang các lĩnh vực trái phiếu có khả năng chuyển đổi này, tôi nghĩ đó là một kênh khá tốt để huy động nguồn vốn của từng cá nhân trở thành nguồn vốn của nhà đầu tư,"  GS.TS. Hoàng Văn Cường chia sẻ quan điểm.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.