Do làm tăng tiền điện, phương án điện một giá không nhận được sự ủng hộ

Do làm tăng tiền điện cho nhiều khách hàng và tăng chi ngân sách, phương án đề xuất điện một giá bằng giá điện bình quân không nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành, theo Cục Điều tiết điện lực.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ qui định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 để chính thức đưa ra lấy ý kiến.

Theo đó, đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo được Bộ Công thương xây dựng đề xuất 2 phương án lựa chọn gồm 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.

Xung quanh vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết biểu giá đề xuất đã được Bộ Công Thương xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và áp dụng từ ngày 20/3/2019.

Đảm bảo nguyên tắc chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…

Đồng thời đảm bảo Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục duy trì như mức hiện nay...

Phân tích cụ thể, theo Cục Điện tiết điện lực phương án 1 là cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang biểu giá điện có 5 bậc thang đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên giá điện bình quân hiện hành cho mục đích sinh hoạt . 

Trong đó ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá các khách hàng sử dụng điện từ 101-200 kWh.

Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: bậc tư 401 đến 700 kWh và bậc trên 701 kWh.

Phương án 2 là cải tiến từ phương án biểu giá cho mục đích sinh hoạt gồm 6 bậc thang sang Biểu giá bán lẻ sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ sinh hoạt một giá, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc một giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.

Đáng chú ý, theo Cục Điều tiết điện lực: "Phương án một giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ ngành đã lấy ý kiến".

Nguyên nhân là với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng. 

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỉ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỉ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỉ đồng/năm) do mức giá điện một giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.

Phương án điện một giá không nhận được sự ủng hộ do làm tăng tiền điện - Ảnh 1.

Biểu giá điện mới dự kiến áp dụng từ năm 2021.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến. Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và Phương án 2B giống như Phương án 1. 

Biểu giá điện ở Phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.

Khách hàng tùy theo lượng điện tiêu thụ thực tế có quyền lựa chọn áp dụng biểu giá theo 5 bậc thang hoặc 1 giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa 2 phương thức tối thiểu là 12 tháng.

Các khách hàng sử dụng điện trung bình hàng tháng dưới 700 kWh (chiếm trên tỉ lệ trên 98% tổng số khách hàng) trong các Phương án 1, Phương án 2A và 2B có chi phí trả tiền điện bằng nhau do giá 4 bậc thang đầu của phương án 1 và phương án 2A và 2B là giống nhau.

Dự thảo này đang được các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố, các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực có liên quan ý kiến lựa chọn các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dự kiến áp dụng từ năm 2021.

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.