Có thâm niên 4 năm làm dịch vụ cho thuê người đỡ tráp cưới hỏi trọn gói, Nguyễn Trung Đức (SN 1994, ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Vào mùa cưới, tôi phải làm việc liên tục.
Tháng cao điểm nhất, tôi nhận làm tới 30 đám hỏi và cần đến khoảng 200 cộng tác viên”.
Nguyễn Trung Đức - SN 1994. |
Trung Đức cho biết, anh vẫn đang là sinh viên, việc làm dịch vụ bê tráp ăn hỏi chỉ là "nghề tay trái" bởi vậy thời gian đầu khi mới vào nghề, anh gặp khá nhiều khó khăn.
Anh bộc bạch: "Thời gian đầu, tôi chưa có nhiều thời gian, kinh nghiệm để quản lý nhân sự. Có lúc nhận 5,6 đám hỏi một ngày, tôi gần như bị quá tải. Lúc tôi quên giờ ở đám hỏi này, có khi tôi gửi nhầm địa điểm thế là công việc cứ rối tung cả lên”.
Sau này, khi quen dần với công việc, Trung Đức mới bắt đầu quản lý bằng phần mềm, lên danh sách và chuẩn bị cho mình những phương án dự phòng. Bởi vậy ở thời điểm hiện tại, dù nhận hàng chục đám hỏi trong một ngày, anh vẫn điều hành công việc trôi chảy.
Chàng trai sinh năm 1994 cho biết, trong 4 năm làm nghề, nhiều lần anh cũng gặp phải những tình huống trớ trêu.
Anh kể, mùa cưới hai năm trước, anh nhận lời tìm 9 cô gái bê tráp cho một đám hỏi ở Gia Lâm (Hà Nội).
“Gia đình này giàu có, họ yêu cầu những nhân sự bê lễ cho con gái của mình phải xinh xắn, trắng trẻo và có chiều cao 1,60m trở lên.
Họ khẳng định sẵn sàng chi số tiền lớn để trả cho những nhân sự này. Tuy nhiên nếu tôi làm sai hoặc để xảy ra sự cố gì trong đám hỏi, họ sẵn sàng phạt tiền gấp 3 lần.
Đã làm được một thời gian nên việc tìm nhân sự là không khó, vì thế tôi quyết định nhận lời ngay, không hề do dự.
Gần đến này ăn hỏi của gia đình đó, tôi gặp sự cố ngoài ý muốn. 9 cô gái bất ngờ nhắn tin xin hủy lịch làm việc. Do các nhân sự này đều là sinh viên, ngày ăn hỏi lại trùng vào đúng ngày thi học kỳ nên họ không thể bỏ thi được. Lúc đó tôi khá lo lắng, không biết phải xử lý thế nào”, Trung Đức nhớ lại.
Vẫn theo lời anh Trung Đức, trong lúc anh đang rối bời thì bố mẹ cô dâu gọi điện yêu cầu anh đưa 9 cô gái đến để họ xem mặt trước. Nếu người nào không đạt tiêu chuẩn thì anh phải tìm người khác thay thế.
Ngày hôm đó vừa đi học, anh chạy đôn chạy đáo gọi nhân sự thay thế. May mắn những cô gái anh dẫn sang để gặp mặt đều được bố mẹ cô dâu chấp nhận.
Tuy nhiên, ngày ăn hỏi, một sự cố khác xảy ra ở nhà cô dâu khiến anh và họ hàng nhà chú rể bất ngờ. Theo đó, khi chú rể cùng đoàn nhà trai bắt đầu tiến vào cũng là lúc một bạn nữ trong đội đỡ tráp bỗng nhiên ôm mặt khóc và vụt chạy đi.
Sự việc quá bất ngờ khiến cho Trung Đức rất bối rối, anh phải nhờ một người bạn thân của cô dâu có mặt lúc đó đỡ lễ hộ.
“Tìm hiểu sau đó, tôi mới biết chú rể vốn là người yêu cũ của bạn nữ kia. Cô và chú rể cũng từng tính chuyện cưới xin nhưng bất ngờ 4 tháng trước chú rể nằng nặc đòi chia tay.
Hôm đó, cô ấy chứng kiến ngày lễ ăn hỏi của bạn trai cũ mình nên rất sốc. Không kìm nén được cảm xúc, cô ấy mới vụt chạy đi. Chú rể cũng tỏ ra bối rối không kém.
Vụ việc dù đã diễn ra êm xuôi nhưng đó là trường hợp hi hữu mà có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến”, Trung Đức nói tiếp.
Trung Đức chia sẻ, đặc điểm của nghề dịch vụ cưới hỏi là làm việc theo mùa. Vào mùa cưới mỗi ngày anh nhận hàng chục đám hỏi. Do vậy lượng nhân sự để cung cấp cho các đám hỏi này thường không đủ.
Ngày cao điểm, có nhân sự bên anh phải chạy sô liên tục 5 đám từ lúc 5 giờ sáng cho đến 8 giờ tối, tùy theo khung giờ đẹp mà gia chủ đi xem.
Bởi thế có nhiều nhân sự đã không đảm bảo được sức khỏe của mình để làm việc. Vừa tâm sự, Trung Đức vừa kể về lần anh nhận được lời đề nghị thuê người đỡ tráp ăn hỏi cho một cô dâu ở phố cổ.
Đến giờ nhà trai sắp đến, gia chủ dành nhiều lời trách mắng anh vì có bạn nữ bị ngất xỉu.
Nguyễn Trung Đức chia sẻ về những sự cố trong nghề. |
Trung Đức kể: "Nhà trai đến trao lễ vào lúc 4 giờ chiều, khoảng 3 giờ 30 phút mọi công việc của chúng tôi đã phải gấp rút hoàn thành".
Anh cho biết, nhà cô dâu khá chật, phòng ngủ của cô dâu lại trên gác xép khá bí bách, tất cả 7 cô gái bê tráp lễ phải lên đó để thay đồ, trang điểm. Trong khi đó các cô gái đã từng "chạy sô" nhiều đám trước nên khá mệt mỏi.
“Khi công việc trang điểm xong xuôi, chỉ khoảng 30 phút nữa là nhà trai đến nhà gái thì bất ngờ một bạn nữ trong đoàn bê lễ bỗng nhiên choáng váng, ngất xỉu. Nghe thông tin cô gái đỡ lễ cho mình bị ngất, cô dâu vô cùng lo lắng.
Lúc này, tôi lập tức phải phóng xe đến một điểm dừng xe buýt, cách nhà cô dâu vài km để nhờ một bạn nữ khác vào đỡ lễ hộ.
Đúng 4 giờ, nhà trai đến cửa cũng là lúc cô gái thay thế vừa trang điểm xong. Nhiều người tham dự lễ ăn hỏi thở phào nhẹ nhõm”, anh Trung Đức nhớ lại.
Theo anh Trung Đức, nghề cho thuê người đỡ tráp cưới là nghề "làm dâu trăm họ", đòi hỏi người như anh phải biết cách ứng xử, giải quyết sự cố tình hình một cách hài hòa , hợp lý nhất.