Bàn về câu chuyện tăng trưởng tín dụng năm nay tăng rất chậm, thậm chí còn âm trong tháng 7 tại Toạ đàm: Khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế do VTV tổ chức tối 23/8, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM chỉ ra rằng, hiện có ba nhóm doanh nghiệp, nhóm không cần vốn, nhóm cần vốn và nhóm rất cần nhưng không đủ điều kiện vay.
Theo ông Việt Anh, "cần vốn" là tiếng nói chung của doanh nghiệp không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không có thị trường và cũng không dám chắc vào triển vọng kinh doanh trong tương lai nên không dám vay vốn để đầu tư hay mở rộng hoạt động sản xuất.
Hiện cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều sụt giảm sâu nên không phải doanh nghiệp đang hoạt động tốt thì không có nhu cầu vay vốn. Điều doanh nghiệp kỳ vọng nhất trong lúc khó khăn này là việc ổn định dòng tiền và cắt giảm chi phí bởi đầu ra đang bị giảm, dòng tiền về giảm.
Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp không dám chắc chắn về triển vọng lạc quan của thị trường 2024 nên nhu cầu về vốn là chưa có, ông Việt Nam cho biết.
Nhóm thứ hai là nhóm những doanh nghiệp có thị trường. Trong giai đoạn hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp vẫn còn thị trường nhóm ngành xuất nhập khẩu nông sản, xuất khẩu rau củ hay gạo mà thế giới lại có nhu cầu đột biến.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này lại chưa có một lịch sử tín dụng đủ mạnh hoặc chưa từng vay các khoản lớn trước đó nên không đủ điều kiện để vay.
Nhóm thứ ba là, các doanh nghiệp rất cần vốn để trả nợ nhưng nhóm doanh nghiệp này lại không tạo ra sản phẩm và cũng không tham gia thị trường. Với nhóm này, để đáp ứng điều kiện vay vốn tín dụng là gần như không thể.
Một điểm nữa khiến tăng trưởng tín dụng rất thấp là việc các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, trải qua năm 2022 và 2021, rất nhiều sự việc không lành mạnh xảy ra ở các khách hàng của họ nên các ngân hàng đều đã siết chặt điều kiện cho vay, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn.
"Có những doanh nghiệp trước đây trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt có thể đáp ứng được điều kiện cho vay nhưng trong môi trường rủi ro như hiện nay, cùng với việc siết tiêu chuẩn họ lại thiếu một vài yếu tố trong nên cũng không thể vay vốn", ông Việt Anh nói.
Còn theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ các yếu tố khách quan do cầu đầu tư và cầu sản xuất đều sụt giảm dẫn đến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Theo bà, nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng không đủ để đáp ứng điều kiện vay vốn cũng khá điển hình là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm có quy mô vốn nhỏ, năng lực điều hành, quản trị có phần hạn chế, tình hình tài chính thiếu sự minh bạch và kỹ năng hay khả năng xây dựng phương án làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng xem xét cho vay cũng có phần hạn chế.
Đặc biệt, thị trường bất động sản khó khăn cũng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng bởi tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung. Hiện thị trường đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm
Bà Giang cho biết, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, NHNN đã 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành và mức lãi suất trần tối đa bằng VND, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, một trong những chính sách nổi bật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 là việc cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tạo điều kiện cho khách hàng giãn thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng.