Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, Thách thức và Quyết tâm.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp nhất kể từ 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp, số lượng doanh nghiệp mới giảm về số lượng và quy mô, trong khi số công ty giải thể tăng lên.
Ông Tú cho biết Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, tín dụng mới bắt đầu tăng trở lại vào tháng 6. Và tới tháng 7, tín dụng mới chỉ tăng trưởng 4,56% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 9,54%.
“Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là thách thức lớn của ngành ngân hàng”, Phó Thống đốc nói.
Theo ông Tú, tình hình kinh tế thế giới, cùng với những hệ lụy từ đại dịch COVID vẫn đang tiếp tục tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, ông cho biết một số một số ngành cứ khoảng 10 năm lại gặp khó khăn, như một phần trong quy luật phát triển.
“Trên thế giới, lúc nước này hết khó khăn thì lại đến nước khác, cũng như chẳng có dấu hiệu, hy vọng nào cả”, Phó Thống đốc nói về bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn từ “thiếu vốn, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế, thiếu sự hỗ trợ của nhà nước, thiếu sự vươn lên, thiếu nhưng động lực, đòn bẩy …”, ông Tú cho hay.
Phó Thống đốc cho rằng cũng rất cần phải chia sẻ với doanh nghiệp vào thời điểm này, bởi khó khăn của kinh tế thế giới, trong nước, đại dịch COVID cũng đã “bào mòn tất cả nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
“Kể cả những doanh nghiệp không phải quy mô nhỏ thì đi vay cũng có nơi chiếm đến 80-90%, nếu không muốn nói đến một số ít doanh nghiệp là 100% vốn đi vay”, ông nói. “Với tỷ lệ đi vay như thế, trong điều kiện hiện nay thì doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết chưa bao giờ NHNN phải điều hành chính sách trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Trong khi thế giới tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam lại phải giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
NHNN đã phải tiếp tục điều hành giãn hoãn các khoản nợ trong đại dịch COVID thông qua Thông tư 02, liên tục hạ lãi suất, bơm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM), tạo điều kiện cắt giảm phí.
Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ NHNN hiện như đang đứng giữa "hai dòng nước" trong việc điều hành. Một mặt, nếu cứ tháo điều kiện tín dụng thì chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng lên, “cục máu đông” (ám chỉ nợ xấu) mới tạm thời xử lý hết có thể lại quay trở lại và lại rơi vào vòng luẩn quẩn xử lý nợ xấu. Nhưng nếu không tạo điều kiện, thì tín dụng không tăng được và sẽ không có tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết tình trạng này, Phó Thống đốc cho rằng cần phải tìm ra một điểm cân bằng để vừa tháo gỡ điều kiện tín dụng, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống. Đạt được mục tiêu này sẽ cần sự tích cực, trách nhiệm chính trị cao từ phía điều hành cả Nhà nước và các NHTM.
Theo ông, nhiều NHTM đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN và cũng bởi “nhận tiền vào thì phải cho vay đi”. Tuy vậy, nhà băng vẫn đang trong tình trạng “tồn kho”, không bán được “tiền” và tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản.
“Các doanh nghiệp [thông thường] có thể hạ giá bán, còn ngân hàng có thể hạ lãi suất. Doanh nghiệp thì có thể thua lỗ, kinh doanh có lúc lời, lúc lỗ, nhưng ngân hàng thì không thể lỗ”, ông nhấn mạnh.
“Ngân hàng mà lỗ thì dẫn đến đổ vỡ. Một doanh nghiệp đổ vỡ thì cùng lắm chỉ ảnh hưởng tới vài trăm công nhân, cán bộ mất việc làm, nhưng một ngân hàng đổ vỡ kéo theo cả một hệ thống yếu kém, khó khăn”, ông Tú nói thêm. Do đó, ngân hàng “có thể lãi nhiều, lãi ít nhưng không thể lỗ”, ông khẳng định.