Mật độ xây dựng KCN tại Đồng Nai thấp hơn quy chuẩn Bộ Xây dựng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 10.222 ha. Tuy nhiên, diện tích cho doanh nghiệp thuê thứ cấp chỉ đạt khoảng 7.120 ha, còn lại là diện tích xây dựng đường giao thông, trồng cây xanh, các nhà máy xử lý nước thải,...
Theo quy định cũ, diện tích thuê đất trong KCN được giới hạn trong khoảng 40 - 60% tổng diện tích. Mới đây, Bộ Xây dựng đã cho phép các KCN có thể nâng tỷ lệ xây dựng lên tối đa 70%.
Với quy định mới này, nhiều doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi có kế hoạch mở rộng sản xuất mà không phải tốn chi phí thuê thêm đất. Quỹ đất tại các KCN cũng sẽ được mở rộng, dễ dàng thu hút đầu tư.
Điều này cũng có lợi đối với doanh nghiệp thuê đất trong những KCN đã lấp đầy như Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Tam Phước, Long Thành, Gò Dầu, Sông Mây, Long Đức...
Tính đến tháng 1/2021, tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Đồng Nai đạt 82%, diện tích đất trống còn lại cho thuê khoảng 1.300 ha nhưng phần lớn chưa giải phóng mặt bằng xong nên còn rất ít đất cho thuê. Giai đoạn 2019 - 2020, nhiều doanh nghiệp muốn đến Đồng Nai thuê 5 - 10 ha đất công nghiệp rất khó.
Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng KCN Nhơn Trạch 6A (huyện Nhơn Trạch) cho biết, KCN Nhơn Trạch 6 có tổng diện tích hơn 314 ha, hiện đã cho thuê hết đất.
Trước đây, các doanh nghiệp thuê đất của KCN chỉ xây dựng với tỷ lệ 50 - 55%. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh sớm chấp thuận nâng tỷ lệ xây dựng để có thể mở thêm nhà máy.
Về phía CTCP Sonadezi Giang Điền, doanh nghiệp này đang hoàn tất hồ sơ thủ tục để nâng tỷ lệ xây dựng trong KCN Giang Điền. Các doanh nghiệp giảm được tiền thuê đất, có thể mở rộng sản xuất tại chỗ giúp những dịch vụ khác phát triển, tăng hiệu quả cho cả DN thuê đất lẫn công ty đầu tư hạ tầng KCN.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, quá trình triển khai nâng tỷ lệ xây dựng trong các KCN đang gặp một số vướng mắc trong việc điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng chi tiết, quy hoạch phân khu xây dựng.
Bên cạnh đó, các công ty hạ tầng phải rà soát lại tỷ lệ xây dựng trong KCN để từ đó có tính toán phù hợp. Điều này đòi hỏi phải thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch KCN để trình Sở Xây dựng thẩm định.
Về phía lãnh đạo tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện nhanh việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ các KCN để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhu cầu bất động sản công nghiệp ngày càng tăng, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tích cực phát triển các KCN, mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Đồng Nai vẫn giữ vững được vị trí hàng đầu trong phân khúc BĐS công nghiệp, theo quan điểm của ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Dịch vụ BĐS Công nghiệp, Colliers International Việt Nam.
Theo ông Chí, ngoài các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện tự nhiên, BĐS công nghiệp Đồng Nai có thể sẽ tiếp tục bứt phá hết sức mạnh mẽ trong thời gian tới chính là các tuyến đường nội tỉnh và liên vùng, kết hợp với nhiều khu dân cư cao cấp, đáp ứng nhu cầu sinh sống của chuyên gia quốc tế.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, Đồng Nai đang thi công đường 319 chạy xuyên qua các KCN của huyện Nhơn Trạch và tuyến Hương lộ 2 kéo dài kết nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cả hai dự án này khi hoàn thành dự kiến rút ngắn thời gian di chuyển Đồng Nai - TP HCM, giảm lưu lượng xe cho Quốc lộ 51.
Cùng với đó, nhiều công trình giao thông quan trọng kết nối Đồng Nai với khu vực cũng đang được triển khai, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4,...
Ngoài ra, Đồng Nai cũng đang được nhiều chủ đầu tư lớn lựa chọn để phát triển các dự án bất động sản với quy chuẩn quốc tế. Điều này sẽ thu hút nhiều nhân lực quốc tế chất lượng cao đổ về địa phương.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đưa KCN Biên Hòa 1 (335 ha), TP Biên Hòa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020, đồng thời bổ sung vào quy hoạch hai KCN Phước An (330 ha) tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch và KCN Phước Bình 2 (299 ha) tại xã Phước Bình và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 27 CCN với diện tích 1.600 ha.
Giai đoạn 2021 - 2030 để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, các huyện, thành phố tại Đồng Nai vừa đề xuất tăng thêm 12 CCN trong quy hoạch sử dụng đất.