Doanh nghiệp lạc quan hơn trong nửa cuối năm

Theo Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng Cục Thống Kê (GSO), bức tranh chung của công đồng doanh nghiệp chưa thể khởi sắc. Điều này thể hiện rất rõ trong mức giảm sút của số doanh nghiệp thành lập mới và sự gia tăng nhanh chóng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động.

6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 697,1 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng kí và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kì năm trước.

Vốn đăng bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm đạt 11,2 tỉ đồng, giảm 12,5% so với cùng năm trước.

Nếu tính cả 984,4 nghìn tỉ đồng vốn đăng tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỉ đồng, giảm 22,5% so với cùng năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kì năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kì.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm có 1.095 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 14,1% so với cùng kì năm trước; có 17,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 1,8%; có 43,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 9,9%.

Thống kê chỉ rõ, trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1.500 doanh nghiệp, tăng 134,7% so với cùng năm trước và ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 5.555 doanh nghiệp, tương đương cùng kì.

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Trong đó, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 20,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 4,4% so với cùng năm 2019; xây dựng 8.164 doanh nghiệp, giảm 6,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7.908 doanh nghiệp, giảm 7,4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 3.241 doanh nghiệp, giảm 17,3%.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, lĩnh vực nghệ thuật vui chơi giải trí chứng kiến mức giảm mạnh nhất (37,3%) với 421 doanh nghiệp thành lập mới, theo sau đó là  kinh doanh bất động 2.929 doanh nghiệp (giảm 27%); giáo dục và đào tạo 1.556 doanh nghiệp (giảm 20,9%)...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 6 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kì năm trước; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%.

Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 5%, còn 7,4 nghìn doanh nghiệp. Trong đó có 6,6 nghìn doanh nghiệp có qui mô vốn dưới 10 tỉ đồng, giảm 6,4%; 108 doanh nghiệp có qui mô vốn trên 100 tỉ đồng, tăng 0,9%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế...

Trong 6 tháng, trên cả nước còn có 22,4 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí, tăng 33,9% so với cùng kì năm trước.

Doanh nghiệp lạc quan hơn vào nửa cuối năm

Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí II/2020 cho thấy: Có 27,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quí II/2020 tốt hơn quí I/2020; 40,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Bên cạnh đó, dự kiến quí III/2020 so với quí II/2020, có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Về khối lượng sản xuất, có 29,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quí II/2020 tăng so với quí I/2020; 39,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 30,7% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. 

Xu hướng quí III/2020 so với quí II/2020, có 48,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 18,1% số doanh nghiệp dự báo giảm và 33,1% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 24,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quí II/2020 cao hơn quí I/2020; 39% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 36,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. 

Xu hướng quí III/2020 so với quí II/2020, có 45,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 18,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quí II/2020 so với quí I/2020, có 18,6% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 41,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 40,1% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. 

Xu hướng quí III/2020 so với quí II/2020, có 34,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 21,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.