Báo cáo thị trường BĐS quý I/2021 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết, Tây Nguyên hiện là một trong những khu vực có tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng mạnh, thu hút sự chú ý của hàng loạt doanh nghiệp lớn như T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh,...
Trước đó, đơn vị này cũng nhận định, tình trạng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm và giá đất ngày một tăng cao cũng là nguyên do khiến nhiều chủ đầu tư chuyển hướng về Tây Nguyên.
Nếu như thị trường BĐS tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Nông hay Đắk Lắk đã sôi động từ trước đó thì phải đến thời điểm đầu năm 2021, khu vực Kon Tum mới bắt đầu sôi động hơn. Chỉ trong vài tháng đầu năm, Kon Tum đã đón loạt ông lớn BĐS đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư khu đô thị (KĐT), khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,...
Tháng 1/2021, Kon Tum đã cho phép CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh khảo sát đầu tư KĐT phía Bắc sông Đăk Bla tại TP Kon Tum. Dự án có diện tích 160 ha, thuộc địa phận các thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất; thôn Kon Tum Kơ Pơng và thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum.
Một tháng sau đó, CTCP Him Lam đến khảo sát đầu tư Khu biệt thự sinh thái tại xã Chư Hreng, TP Kon Tum. Dự án này có diện tích khảo sát khoảng 47 ha, nằm tại khu vực phía Đông Nam đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24.
Tiếp đó, tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum hồi đầu tháng 4/2021, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư 7 dự án trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông.
Trong đó, 4 dự án tại TP Kon Tum gồm Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa; Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất; KĐT sinh thái - Du lịch gắn với công viên phía Bắc Kon Tum, xã Đăk Cấm và các dự án mở rộng KĐT Đak Bla, KĐT và vui chơi giải trí ven sông Đak Bla, KĐT và du lịch nghỉ dưỡng ven sông Đăk Bla tại xã Đak Rơ Wa (330 ha).
Tại huyện Kon Plông, doanh nghiệp triển khai hai dự án gồm Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen và dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Kon Tum.
Tại huyện Tu Mơ Rông, FLC triển khai dự án Khu trồng, chế biến tập trung các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác kết hợp quản lý bảo vệ rừng.
Vào tháng 6, CTCP Đầu tư VVINA đã đến Kon Tum để khảo sát đầu tư KĐT sinh thái - du lịch kết hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến tháng 8, CTCP Kosy (mã chứng khoán: KOS) cũng tìm về khảo sát đầu tư dự án KĐT dịch vụ Sao Mai tại TP Kon Tum.
Sau vài tháng trầm lắng do giãn cách xã hội kéo dài, sóng doanh nghiệp lại tiếp tục đổ về Kon Tum.
Tháng 11, Đắk Nông đón Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án KĐT tại phường Quang Trung, TP Kon Tum (khoảng 50 ha) và CTCP Địa ốc First Real (mã chứng khoán: FIR) khảo sát đầu tư KĐT Tây Chư Hreng tại xã Chư Hreng, TP Kon Tum.
Từ đầu tháng 12 đến nay, địa phương này tiếp tục cho phép 5 doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất làm dự án BĐS.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Vương Phát sẽ khảo sát, nghiên cứu, lập thủ tục đề xuất đầu tư Khu dân cư phía nam đường Võ Nguyên Giáp tại phường Duy Tân và Khu phức hợp đô thị sông Đăk Bla tại Phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum.
Tỉnh cũng cho phép CTCP Đầu tư Alphanam khảo sát, nghiên cứu đầu tư Khu dân cư phía đông Trung tâm hành chính TP Kon Tum và CTCP Tập đoàn Đầu tư Bất động sản LEVA khảo sát các dự án thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Sau đó không lâu, tỉnh thống nhất để CTCP CMVIETNAM tham gia tài trợ quy hoạch Khu chợ truyền thống, trung tâm thương mại, khu nhà phố thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng tại ô đất Chợ trung tâm TP Kon Tum.
Mới đây nhất, ngày 16/12, tỉnh đã đồng ý cho CTCP Xây dựng Công trình Sông Hồng khảo sát, nghiên cứu đầu tư KĐT sinh thái kết hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà.
Như đã đề cập, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, cũng như định hướng quy hoạch là một trong những nguyên nhân chính giúp Kon Tum cũng như Tây Nguyên thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng 2025, Kon Tum định hướng phát triển tại ba khu vực chính.
Đầu tiên là vùng trung tâm, lấy TP Kon Tum là hạt nhân, làm động lực thúc đẩy phát triển cho các đô thị thuộc các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tân và Kon Rẫy.
Thứ hai là vùng Tây Bắc, lấy thị xã Ngọc Hồi là hạt nhân, làm động lực thúc đẩy cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và đô thị các huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Mô Rai.
Cuối cùng là vùng phía Đông, lấy khu du lịch sinh thái Măng Đen là hạt nhân, làm động lực phát triển cho các đô thị huyện Kon Plông, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen được Thủ tướng Chính phủ duyệt quy hoạch năm 2013 trên diện tích hơn 138.000 ha.
Tính đến năm 2019, khu vực này đã thu hút được 93 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 19.603 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án du lịch sinh thái, tổng vốn đăng ký 6.519 tỷ đồng.
Về hạ tầng giao thông, Kon Tum định hướng quy hoạch phát triển theo 5 trục chính, gồm đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 40, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C và trục Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, tất cả các đô thị tại Kon Tum cũng được định hướng phát triển theo ba chức năng chính là du lịch, thương mại dịch vụ và công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các đô thị mới theo tuyến biên giới và các trục giao thông chính để tạo chuỗi đô thị liên kết trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều đồ án quy hoạch trọng điểm khác như sân bay Kon Tum; Khu trung tâm Thương mại, cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Khu công nghiệp Hòa Bình...