Doanh nghiệp sản xuất tính chuyện đặt hàng lao động, kỳ vọng thoát cảnh 'kỹ sư nhiều hơn công nhân'

Các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề, trình độ cao. Trong bối cảnh đó, phương thức đặt hàng nguồn cung lao động từ các cơ sở đào tạo được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán nhân sự tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất đang rơi vào cảnh thiếu hụt công nhân. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư từ các dự án FDI vào Việt Nam đạt gần 3,1 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 27,7 tỷ USD; mức vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022).

Dòng vốn FDI ngày càng chảy mạnh về Việt Nam. Đây là điều đã được dự báo từ thời điểm trước Covid-19, khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) lần lượt ra đời, đi kèm làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Nhằm "dọn tổ đón đại bàng", nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được bổ sung vào quy hoạch; các ưu đãi về chính sách để thu hút doanh nghiệp FDI được xây dựng; các địa phương được đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật;...

Trong bối cảnh đó, việc đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực cũng là yếu tố được chú trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng của người lao động Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

Các nhà máy "khát" nhân công

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên cho biết, nhu cầu bổ sung mới nhân sự hàng năm của doanh nghiệp dao động 30 - 50 nhân sự.

"Chúng tôi cần những người lao động có tay nghề về ngành gia công cắt gọt và một số ngành liên quan như quản trị nhân sự, marketing, điện/điện tử, bảo trì bảo dưỡng máy CNC...

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng của chúng tôi tương đối khó khăn, mới đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu. Số lượng lao động tìm được đã ít, doanh nghiệp còn phải dành thời gian đào tạo lại từ đầu về chuyên môn, các khái niệm đặc thù trong hoạt động sản xuất, vì người lao động ứng tuyển hầu hết thiếu tất cả những kỹ năng cần thiết".

Một lao động tại Công ty MBT. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại CTCP Thiết bị điện MBT - doanh nghiệp chuyên sản xuất máy biến thế dù có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm song vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán nguồn nhân lực.

Theo ông Đoàn Hữu Lý, Phó Tổng Giám đốc MBT, hiện chất lượng lao động tại nhà máy của MBT chỉ đang đáp ứng nhu cầu tạm thời. Doanh nghiệp vẫn mong muốn có được những nguồn lao động chất lượng cao hơn để phục vụ ngành nghề vốn cần độ chính xác rất cao như thiết bị điện. Thời gian sắp tới, MBT sẽ có dự án mở rộng nhà máy sản xuất và đang nhu cầu tuyển dụng thêm.

"Là doanh nghiệp sản xuất, cơ cấu lao động tại MBT chủ yếu là lao động trình độ phổ thông (đã tốt nghiệp THPT). Trước mắt phía chúng tôi đang muốn tuyển dụng khoảng 20 nhân sự liên quan đến điện công nghiệp, tự động hoá, cơ khí để sản xuất các chi tiết như vỏ hay lưới điện...

Việc tuyển dụng hàng năm của MBT vẫn gặp những khó khăn nhất định. Với mỗi nhân sự tuyển mới, chúng tôi thường phải đào tạo khá lâu, mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để đào tạo được một người lao động lành nghề. 

Đào tạo người lao động có trình độ đã khó, giữ họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng là việc không dễ. Trong ngành kỹ thuật, không thiếu trường hợp các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đối thủ có thể "hút máu" nhân lực của nhau thông qua việc sử dụng mức lương và phúc lợi hấp dẫn hơn. Đây cũng là một bài toán nan giải khác với các nhà máy của chúng tôi", Trưởng bộ phận tuyển dụng của MBT chia sẻ với người viết.

Cơ cấu lao động của Việt Nam chưa cân đối

Lý giải về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp sản xuất, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, hàng năm các trường đại học đều tăng quy mô 30.000 sinh viên/năm, ngược lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô ngày càng nhỏ dần.

Điều này dẫn đến tình trạng không cân đối về cơ cấu trình độ năng lực lao động, không cân đối được cơ cấu ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kỹ sư nhiều hơn công nhân, đây là thực trạng cơ cấu lao động của Việt Nam.

"Đối với các doanh nghiệp sản xuất, có một thực tế là nhu cầu của họ rất cần số đông lao động trực tiếp hệ cao đẳng/trung cấp, còn hệ đại học thì chỉ cần vài kỹ sư hay cử nhân. Đơn cử như trường HHT của chúng tôi, có những doanh nghiệp 70 - 80% nhân sự đều là sinh viên của trường.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng muốn sở hữu nguồn lao động chất lượng cao.

Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp 14.000 lao động cho Tập đoàn Inventec (Đài Loan) và Tập đoàn Onaga (Nhật Bản) làm dự án tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội", theo TS. Phạm Xuân Khánh.

Doanh nghiệp lên kế hoạch đặt hàng lao động 

Trở lại với Công ty An Mi, doanh nghiệp đã có chương trình gửi người lao động đến các cơ sở giáo dục để đào tạo, nhưng chưa thể gọi là chính thống, và không phải lúc nào cũng tổ chức được bởi các chương trình này phụ thuộc vào sự sắp xếp của nhà trường.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi. (Ảnh: Hoàng Huy).

"Chúng tôi cũng để ý đến việc triển khai đặt hàng nguồn lao động với các trường trên địa bàn gần trụ sở công ty, chẳng hạn như Trường Đại học Sư phạm Hưng Yên.

Tuy nhiên, về bản chất đây vẫn là những chương trình hợp tác đơn lẻ và chưa chính thống. Thực tế mô hình đặt hàng nguồn lao động ở Việt Nam theo tôi được biết vẫn chưa phổ biến", Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Phong chia sẻ. 

Tại buổi làm việc với trường HHT mới đây, ông Phong đã bày tỏ mong muốn xúc tiến đặt hàng nhân sự một cách liên tục với cơ sở này. Với đặc thù gia công cắt gọt, phần lớn các ngành học của trường đều đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Về phía Công ty MBT, Phó Tổng Giám đốc Đoàn Hữu Lý cho biết, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với một số trường để đưa các tân sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, đi kèm với đó là những chính sách hỗ trợ để sau khi sinh viên và học sinh ra trường sẽ đến lao động tại nhà máy.

Cần thông suốt hơn về cơ chế, chính sách

Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), vừa qua Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết 29 về đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế chính sách cho công tác đào tạo nguồn lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong các nghị định, thông tư của các cơ quan Nhà nước liên quan đến hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề (đại học, cao đẳng, trường nghề). Có nhiều doanh nghiệp FDI cũng như trong nước muốn tài trợ cho các nhà trường có thêm nguồn lực xã hội hoá nhưng lại vướng thể chế chính sách.

Do đó, thời gian tới Hiệp hội sẽ đề xuất những giải pháp để tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo phối hợp và nâng cao chất lượng người lao động.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn