Độc đáo chợ 'mua của người chán, bán cho người cần' ở Sài Gòn

Không hợp đồng mua bán, cũng chẳng cần hóa đơn chứng từ hay quảng cáo rầm rộ, nhiều cửa hàng bán đồ cũ trên đường Phạm Văn Bạch được nhiều người biết đến như phiên chợ “mua của người chán, bán cho người cần”.
 

Mua của người chán…

san hang moi o cho do cu
Không chỉ khách ta mà khách Tây cũng đến mua hàng ở khu chợ này.

Một chiều cuối tháng 10/2016, chúng tôi tấp xe vào một cửa hàng đồ cũ trên đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình), ông chủ cửa hàng đang rít thuốc lào vội gác điếu cày bước ra: “Chú mở văn phòng, quán ăn hay cà phê bọn tôi “sét – úp” cho, ở đây không thiếu thứ gì”.

Như được lập trình sẵn, vừa nghe chúng tôi có ý định mở quán cà phê sân vườn, người đàn ông bán hàng vội cắt lời, nói ngay : “Chuyện nhỏ, ở đây anh có bàn ghế từ đồ nhựa đến đồ mây-tre-lá, chú em thích đồ gỗ công nghiệp nhà anh có nốt, mỗi loại đều có ly tách tông-xuyệt-tông. Muốn loại nào cứ nói anh lấy chú coi, mà anh nghĩ chú lấy lại toàn bộ đồ của quán cà phê sân vườn bên quận 2, anh vừa thanh lý, mới tinh tươm, sang trọng, anh bao rẻ và vận chuyển tận nơi cho”…

Lấy cớ cần đi khảo sát giá, chúng tôi ghé vào một tiệm khác cách đó không xa để hỏi về vật dụng mở văn phòng cho công ty sắp thành lập. Nghe qua nhu cầu khách, chị chủ đon đả: “Chị vừa thanh lý giúp mấy công ty giải thể, đồ còn mới cứng, mấy em vào nhà xem, được bộ nào lấy bộ đó, nếu thiếu chị đi gom thêm cho. Cần máy in hay máy photo chị cũng có nguồn hàng rẻ…”.

san hang moi o cho do cu
Hàng hóa ở chợ vô cùng phong phú.

Đúng như lời quảng cáo của những người kinh doanh mặt hàng này, ở đây gần như sở hữu tất cả các vật dụng, thiết bị cũ đủ để mở văn phòng hay quán ăn, quán cà phê, karaoke… từ sang trọng đến vỉa hè với giả cả rẻ hơn hàng mới từ 50%-70%.

Chạy theo đường Phạm Văn Bạch, chúng tôi đếm có khoảng 20 cửa hàng kinh doanh đồ cũ, và trên 5 cửa hàng khác nằm trên đường Tân Sơn (đường cắt ngang đường Phạm Văn Bạch hướng ra đường Quang Trung).

Theo những chủ cửa hàng ở đây, khoảng gần 15 năm trước, khi kinh tế khá lên, nhiều hộ gia đình thải đồ cũ còn dùng được để tìm những mốt mới tương xứng với đẳng cấp của mình. Bên cạnh đó, làng sóng nhập cư từ các tỉnh lẻ đổ dồn về thành phố, họ cần có những vật dụng gia đình để làm căn phòng trọ thêm tươm tất.

san hang moi o cho do cu
Nhờ có nghề mộc nên họ dễ dàng mông má đồ cũ thành đồ mới.

Nắm bắt được nhu cầu đó, một số người, đa số là người dân gốc Nam Định có nghề mộc, rủ nhau đi săn đồ cũ của nhà giàu rồi “mông má” thành đồ mới bán rẻ cho dân lao động. Bà Đinh Thị Thanh, chủ cửa hàng Thanh Hà, cho biết: “Đa số dân ở đây đều có nghề mộc nên mạnh dạng mua những chiếc tủ hư cánh, gãy chân, bàn ghế bong tróc để về sửa lại bán cho dân lao động. Đặc biệt, dân ở trọ rất thích hàng ở đây vì được cái hàng xịn, nhỏ gọn lại rất thời trang do lấy từ đồ cũ của nhà giàu nên chất lượng rất đỉnh”.

Thấy nghề sống được, trong gia đình người đi trước chỉ người đi sau cùng nhau làm ăn, nên nhiều cửa hàng mới mọc lên và chợ đồ cũ Phạm Văn Bạch cũng từ đó mà thành. Những năm gần đây, khi nắm bắt đường đi nước bước trong lãnh vực kinh doanh độc này, dân săn đồ cũ chuyển sang khai thác nguồn hàng mới. Họ tìm đến các công ty, quán xá cần giải thể để thanh lý hàng rồi bán lại cho những người cần mở tiệm, mở văn phòng.

… bán cho người cần

san hang moi o cho do cu
Các chủ cửa hàng đồ cũ sẵn sàng thanh lý cả công ty, quán ăn, nhà hàng karaoke...

Để có được nguồn hàng tốt, dân kinh doanh đồ cũ có một hệ thống chân rết, chủ yếu là những người bán ve chai, họ đi khắp nơi của thành phố để tìm những nơi cần thanh lý đồ cũ, sau đó báo lại cho chủ cửa hàng để ăn hoa hồng trên từng mối hàng kiếm được.

“Nghề này có cái lạ, hàng hóa đôi khi tự dưng rớt xuống, nhiều khi đi ngoài đường thấy người ta quăng cái tủ, hay bộ ghế salon, vậy là lượm về sửa lại bán cho khách. Lắm lúc người ta gọi mình đến bán một món đồ và nhờ dọn nhà dùm rồi cho những món đồ cũ khác tưởng chằng ai thèm xài, nhưng nếu biết cách tái chế thì tất cả đều là tiền”, bà Thanh thổ lộ.

Không như những khu chợ khác thường đông khách vào cuối năm, riêng chợ đồ cũ thì ngược lại, chỉ tấp nập sau Tết. Lý do là đầu năm dân nhập cư trở vào Sài Gòn và sắm sửa đồ mới cho nhà cửa. Đó cũng là thời điểm nhiều công ty, quán xá khai trương.

san hang moi o cho do cu
... cho đến các mặt hàng thờ cúng.

Chị Thu Thủy, một công nhân đi mua đồ cũ cho hay: “Tôi và bạn bè hay ghé khu chợ này, lúc mua cái tủ, cái ghế, cái bàn, khi thì mua cái kệ đựng bát đĩa hay cây phơi đồ bằng inox. Hàng ở đây chất lượng rất tốt, giá lại rẻ, phù hợp với dân thu nhập thấp”.

Theo dân trong nghề, nếu như trước đây để tìm được một mối thanh lý là vô cùng khó khăn, mỗi khi gặp được xem như “trúng”. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây thì hàng dạng này vô số, đôi lúc không đủ tiền để đi mua, hàng đưa về chất kín mọi lối đi trong nhà.

“Chúng tôi không phải dân nghiên cứu kinh tế nhưng từ hiện tượng này cũng mơ hồ nhận ra việc làm ăn thời buổi này khá khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ, quán xá phá sản gọi mình. Dù chỉ là người trung gian đi mua của người chán bán cho người cần nhưng gặp cảnh này vẫn thấy buồn hiu, nhất là lúc nhìn ánh mắt của chủ cũ khi mình giúp họ dọn nhà trả mặt bằng. Chắc chắn việc “thanh lý” này không nằm trong mong muốn và dự tính của họ”, Anh Minh Hùng, một người chuyên thu mua mặt hàng này nhận xét.

san hang moi o cho do cu
Nghề thu mua đồ cũ ngày càng phát triển.

Chạy dọc con đường Phạm Văn Bạch, nhiều cửa hàng chất đồ cũ ra tận mép đường, tất cả đều mới tinh, người mua kẻ bán tấp nập, không khỏi mừng thầm cho những con người nhạy bén với thị trường.

Tuy nhiên, cũng thoáng ưu tư khi nhớ lại cách ví von của anh Thân, chủ một cửa hàng đồ cũ trên phố này : “Phố là “hàn thử biểu” của nền kinh tế theo tỷ lệ nghịch, thấy nơi đây càng nhiều hàng, càng nóng thì phải hiểu kinh doanh của nhiều nơi khác đang lạnh lẽo, ảm đạm…”.

chọn
Cận cảnh khu đô thị hơn 3.113 tỷ đang mời đầu tư ở Đông Hội và Mai Lâm, Đông Anh
Hà Nội đang mời đầu tư dự án Xây dựng Khu đô thị mới G13 tại các xã Đông Hội và Mai Lâm, huyện Đông Anh với tổng chi phí thực hiện 3.113 tỷ đồng.