Dôi dư gần 27.000, thiếu hơn 45.000 giáo viên

Tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Số giáo viên ở hệ thống trường công lập trong cả nước dôi dư gần 27.000 người; trong khi đó vẫn thiếu hơn 45.000 người.

Đây là thông tin được đưa ra từ hội nghị sơ kết học kỳ 1 của các Sở GD-ĐT diễn ra sáng nay, 14/1 tại Hà Nội.

Giáo viên: Vừa thiếu, vừa thừa

Báo cáo sơ kết của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ghi nhận những kết quả tích cực trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng nhìn nhận thẳng thắng những bất cập.

doi du gan 27000 thieu hon 45000 giao vien
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các địa phương quan tâm tới công tác dự báo và tham mưu hiệu quả về chính sách giáo dục. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đầu tiên, việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục không bảo đảm đúng quy định, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực; vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên; giáo viên đã được tuyển dụng nhưng đi làm một năm không được hưởng lương; vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; vấn đề đánh giá giáo viên... đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau.

Đáng lưu ý, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.

Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.

Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)..

Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).

Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).

Ông Trần Kim Tự, Cục trưởng Cục nhà giáo cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu, thừa cục bộ như: một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ,v.v...

Mạng lưới trường lớp: Hơn 93% là trường công lập

doi du gan 27000 thieu hon 45000 giao vien
Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016 - 2017. Ảnh: Nguyễn Thảo

Quy hoạch mạng lưới trường lớp được đánh giá là một chỉ đạo "có đường nét" của Bộ GD-ĐT trong năm 2016.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính, mạng lưới cơ sở giáo dục trong năm 2016 tăng nhẹ (0,8%) về số lượng so với năm 2015, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng. Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục tăng tập trung vào giáo dục mầm non với mức tăng là 1,8% do nhiều địa phương tăng cường cơ sở trường lớp học đáp ứng việc phổ cập 5 tuổi. Giáo dục phổ thông tiếp tục giữ vững về số lượng và đi vào ổn định.

Đối với các bậc học khác, năm 2016 không có sự khác biệt về số lượng cơ sở đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đây là năm đầu tiên số lượng cơ sở đào tạo được giữ ổn định phù hợp với định hướng hạn chế thành lập mới cơ sở đào tạo của Bộ.

Mạng lưới cơ sở phổ thông dân tộc nội trú có sự tăng nhẹ nhằm nâng cao trình độ đào tạo và phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số thông qua thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường dự bị đại học; mạng lưới cơ sở đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên vẫn còn những bất cập như: Mạng lưới cơ sở giáo dục công lập là chủ yếu (chiếm 93,6%); tỷ lệ các trường ngoài công lập có xu hướng giảm dần trong 10 năm trở lại đây, làm tăng nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Tình trạng thiếu đất cho xây dựng, mở rộng trường học tại các đô thị; trong khi đó một số chính sách khuyến khích về đất đai không được thực hiện trong thực tế, do quy hoạch giáo dục không được gắn với các quy hoạch khác.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những vấn đề khúc mắc từ cơ sở và đề xuất giải pháp giải quyết. VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...