Đội luật sư 'hùng hậu' tham gia phiên phúc thẩm vụ li hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Thay đổi tất cả luật sư tại phiên tòa sơ thẩm, bà Thảo có 5 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mới, còn ông Vũ giữ nguyên ba luật sư gồm Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân và Nguyễn Minh Tâm.

Dự kiến sáng nay, 18/9, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ li hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngoài người đại diện là ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và ông Hoàng Anh Tuấn, bà Thảo còn có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, gồm: Lê Thành Kính, Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Thị Hồng Trang, Phạm Công Hùng, Lê Thị Kim Liên.

Còn ông Vũ có người đại diện là bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và ông Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là các luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Minh Tâm.

trung-nguyen-156326113645529765557

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh tư liệu).

Trong phiên tòa lần này, người có nghĩa vụ liên quan gồm bà Lê Thị Ước, ông Đặng Mơ (cha ông Vũ, đã mất) được bà Ước, bà Thùy, ông Vũ kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng; 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên do ông Nguyễn Duy Phước làm đại diện theo ủy quyền cùng luật sư Bùi Quang Nghiêm làm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Để phục vụ công tác xét xử, tòa cũng triệu tập 3 ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty CP nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn.

Phiên xử do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 20/9.

le-hoang-diep-thao-1559796261986797710742

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. (Ảnh: VnExpress).

Trước đó, chiều 27/3, TAND TP HCM quyết định công nhận thuận tình li hôn giữa ông Vũ và bà Thảo. Theo phán quyết của tòa sơ thẩm, 4 người con chung được giao cho bà Thảo chăm sóc; ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ mỗi năm cho đến khi các con trưởng thành, có thể tự lập.

Ngoài ra, ông Vũ được quản lí 6 bất động sản trị giá 350 tỉ đồng, còn bà Thảo được giao quyền sử dụng 7 bất động sản trị giá 375 tỉ đồng.

Về quyền lợi tại Trung Nguyên, tòa phân xử cho ông Vũ hưởng 60% tài sản, bà Thảo hưởng 40%, nhưng bà Thảo phải giao cổ phần tại doanh nghiệp cho ông Vũ và nhận lại số tiền tương đương.

Không đồng tình với phán quyết này, ngày 10/4, bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ bản án của tòa sơ thẩm. Trong đó, về quan hệ hôn nhân, bà xin được đoàn tụ với ông Vũ. Về tài sản, bà Thảo không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia theo tỉ lệ 6/4, và giao quyền điều hành Trung Nguyên cho "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cũng kháng cáo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo như ông đề xuất, với tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%. Về phía cơ quan công tố, VKSND TP HCM cũng có kháng nghị chỉ ra 11 điểm bất hợp lí trong bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án của tòa cấp dưới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.