Đặng Lê Nguyên Vũ khùng điên hay khát vọng phi thường?

Thời điểm này, có lẽ không nhân vật nổi tiếng nào gây hoang mang, chia rẽ dư luận đủ mọi tầng lớp bằng Đặng Lê Nguyên Vũ. Những cống hiến cho đất nước của ông không ai phủ nhận được, nhưng sương mù của những điều kì lạ bủa vây con người khác thường này đã khiến số đông hoài nghi “Vua cà phê Việt” bị khùng điên, vĩ cuồng, ma ám ...

Ông Vũ có bị điên không?

Sự tò mò chẳng phải đến bây giờ mới có. Nhưng nghi vấn càng nóng bỏng sôi sục kể từ khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo vợ ông Vũ quyết “bước ra khỏi cái bóng quá lớn của chồng”, tung lên mạng xã hội những hình ảnh, clip chứng minh 49 ngày tu tập trên núi của ông Vũ đã cướp đi của bà người chồng tuyệt vời. Bà đã nhiều lần thúc giục nhà chức trách buộc ông phải đi giám định tâm thần, và công khai chia sẻ trên mạng xã hội mong muốn đưa chồng đi chữa bệnh, trừng trị nhóm âm mưu thao túng chiếm đoạt Trung Nguyên.

Trên fanpage cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - người vợ tài sắc của Đặng Lê Nguyên Vũ, giãi bày: Từ khi ông Vũ đi thiền rồi sống trong ảo giác, “bị bệnh”, “lúc tỉnh lúc mê”, bà mới mất quyền điều hành tại Trung Nguyên. Bà phải đệ đơn li hôn, coi đó là giải pháp tình thế để tránh cho tập đoàn bị sụp đổ. Bà nghi ngờ có những kẻ bất lương vì “muốn chiếm đoạt Trung Nguyên”, nên đã “lợi dụng bệnh tình của ông Vũ để khống chế, thao túng, rút ruột Tập đoàn”.

Đặng Lê Nguyên Vũ khùng điên hay khát vọng phi thường? - Ảnh 1.

Tranh luận hào hứng giữa Đặng Lê Nguyên Vũ với những người nổi tiếng tại M'đrắk

Trong số văn nghệ sĩ, trí thức, nhà thơ, nhà báo từng được ông coi là bạn bè thân cận, không ít người nghĩ ông bất thường, hoang tưởng. Sau 5 năm bặt tin, hoàn toàn im lặng giữa vô số đồn đoán Đặng Lê Nguyên Vũ “lên núi thiền định, tịnh khẩu”, chỉ 2 lần hiếm hoi ông mời 2 nhóm nhỏ nhà báo đến để tâm tình. Nhưng ngay tại đó, cũng có người lắng nghe ông chia sẻ chuyện “bước qua cõi ngũ hành”, đã than ông nói về chuyện đạo, về tâm linh sao mà khó hiểu, càng nghe càng thấy hoang mang ...

Nỗi buồn của... tên lửa!

Hơn 20 năm trước, khi tôi còn là ủy viên Thư ký Ủy ban Hội LHTN tỉnh Đắk Lắk chứ chưa về báo Tiền Phong, Vũ đã nổi bật như một hiện tượng tài năng, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ trực thuộc Ủy ban Hội LHTN tỉnh. Năm 1999 lần đầu tiên Trung ương tôn vinh doanh nhân trẻ xuất sắc có nhiều đóng góp cho đất nước, giải thưởng Sao Đỏ đã ghi danh Đặng Lê Nguyên Vũ. 

Từ Tây Nguyên heo hút, Vũ được “bốc thẳng” lên làm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Vì thế, tôi biết Vũ... khác thường từ xưa, chứ không phải đợi đến bây giờ. Không lạ lùng sao được, giữa thời khốn khó gieo neo, cậu học trò còi cọc lớn lên giữa những lò gạch mịt mù khói bụi ở huyện vùng sâu M’Đrắk đã dám tuyên ngôn đời mình phải thực hiện cho được 3 khát vọng lớn: 1. Đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu. 2. Định vị Việt Nam là trung tâm trong kỉ nguyên mới của cà phê. 3. Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê của thế giới.

Xác định việc tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt quá chậm trễ so với đòi hỏi của thị trường, Vũ yêu cầu cực kì khắc nghiệt với nhóm bạn còm nhom, là hiệu quả làm việc 6 tháng phải bằng ... 20 năm. Trong bối cảnh tiền vay, quán mướn, hạt cà phê nguyên liệu phải xin ứng trước trả tiền sau, chẳng có ai như Vũ 25 tuổi dám chọn logo hình mũi tên lửa phóng thẳng lên trời, và đặt tên xưởng rang xay cà phê bé tẹo của mình là Trung Nguyên, với tuyên bố: Mình muốn thành bá chủ thế giới, muốn toàn cầu hóa Trung Nguyên!

Hành trình của quả tên lửa nào cũng đơn độc. Nhóm góp vốn tan rã còn Vũ không ít phen nếm mùi thất bại, bầm giập tả tơi. Nhưng chỉ 5 năm sau, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành người Việt đầu tiên triển khai được cả một hệ thống quán cà phê nhượng quyền trong-ngoài nước. 

Mặt hàng cà phê hòa tan vừa chào đời đã mang tên G7, là chữ viết tắt của cụm từ “Group of Industrial Countries” gồm 7 cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Canada, Đức, Ý- khối thị trường cao cấp mà Trung Nguyên quyết chinh phục.

Bất chấp dư luận ồn ào khen chê, G7 từng bước gieo ấn tượng “tự hào người Việt chọn dùng hàng Việt”. Cùng hàng loạt “tuyệt phẩm hoàn hảo” ngày càng tinh tế từ hình thức đóng gói đến hương vị đậm đà của Trung Nguyên Legend, cà phê G7 đã theo người Việt bay đi muôn phương, định vị hàng chất lượng cao “made in Việt Nam” với người tiêu dùng khắp thế giới.

Lan tỏa, và hội tụ

Dẫu yêu hay ghét, không ai phủ nhận được thành công và đóng góp lớn lao của Trung Nguyên, của Đặng Lê Nguyên Vũ. Với ý tưởng mới mẻ và nguồn lực dồi dào, ông đã phát động được hàng loạt trào lưu ý nghĩa vang dội như “Sáng tạo vì thương hiệu Việt”; “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt nam”; Lập Quỹ “Khơi nguồn sáng tạo”, Mở diễn đàn “Nước Việt ta nhỏ hay không nhỏ”, “Ngày hành động vì nước Việt vĩ đại”.

 Chuỗi “Hành trình từ trái tim-Hành trình lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt” của Trung Nguyên Legend đánh động giới trẻ mọi miền, từ đồng bằng đến hải đảo, miền núi, vùng sâu vùng xa ...

Trang trại M’đrắk đầy hoa cỏ hoang dại của Tập đoàn Trung Nguyên đã nhiều lần là nơi quy tụ các bậc tài danh thoải mái tranh luận về việc phải làm gì, làm như thế nào để thúc đẩy nhanh quá trình tiến bộ, văn minh, tích cực hội nhập của Việt Nam với các quốc gia phát triển. Thật là dịp hiếm để những phóng viên thường trú như tôi tiếp cận được các VIP tài năng và nhân cách ngay trên những dãy nhà sàn đơn sơ lộng gió giữa thảo nguyên.

Tại đó, bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) tuổi quá ngưỡng “cổ lai hi” đã nhẹ nhõm ngồi xe Jeep mui trần giòng xóc lượn quanh núi đồi. Ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) đã xin đọc diễn cảm thuộc lòng cả bài trường ca “Đánh thức tiềm lực” dài gần 260 câu của nhà thơ Nguyễn Duy. Các nhà văn lão thành như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải... đã sôi nổi chuyện nghề bên những cây bút trẻ ít nói như Nguyên Hương, bên những nhạc sĩ sống động như Nguyễn Cường, Giáng Son... 

Tại đó anh em đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Lưu Trọng Văn thoải mái đàm đạo trong lúc lão họa sĩ Bùi Quang Ngọc mải mê kí họa chân dung để tặng tận tay bà Tôn Nữ Thị Ninh, nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ v.v...

Năm 2012, Thư kí tòa soạn các báo đài nghi ngờ hỏi Ban tổ chức “Hành trình vì trái tim” về con số 100 triệu cuốn sách khởi nghiệp mà Đặng Lê Nguyên Vũ cam kết tặng thanh niên Việt.

Mới đây, trao đổi với tôi, CEO Alphabooks Nguyễn Cảnh Bình kể lại chuyện Đặng Lê Nguyên Vũ mời ông về M’đrắk “đàm đạo suốt 3 ngày 2 đêm về việc cần lan tỏa tri thức để nâng tầm xã hội”. Đồng cảm với ý tưởng này, Cảnh Bình vẫn không khỏi sốc với con số 100 triệu. Tuy nhiên, tới nay, ông tin “Vũ nói được, làm được! Chính cách triển khai lạ đời nhưng lại rất thông minh của ông Vũ đã giúp giá thành sách giảm cả chục lần, và dần cuốn cả xã hội nhập cuộc”.

Đế chế không ngai           

Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, nếu không dũng cảm tiến ra biển lớn, đón đầu các con sóng dữ, thì doanh nghiệp Việt mãi mãi chỉ loay hoay tự sướng trong “ao nhà”. Tư tưởng lớn với cách hành động mạnh mẽ của ông khiến nhiều đối tác tầm cỡ dè chừng. Không phải bỗng dưng, mà Thời báo Tài chính Financial Times đánh giá Trung Nguyên là một trong những doanh nghiệp thành công nhất; Tạp chí National Geographic Traveller gọi Đặng Lê Nguyên Vũ là “Vua Cà phê Việt Nam”; Báo Forbes ca ngợi ông chủ Trung Nguyên là nhân vật “zero to hero”, từ vô danh thành anh hùng.

Trong nước, nhiều khái niệm mà Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên đưa ra hàng chục năm trước ngày càng trở nên quen thuộc, được cả chính quyền lẫn người dân chấp nhận. Ví dụ slogan “Đắk Lắk- Điểm đến của cà phê thế giới” vừa trở thành tên cuốn sách ảnh mà lãnh đạo tỉnh in tặng khách quý trong Festival cà phê mới đây.

Ít người biết, trước và cả trong 5 năm bặt tin gần đây, ông đã cùng một người bạn tâm đắc là giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm lặn lội khắp 5 châu, gặp gỡ tranh luận với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, những bác học tầm cỡ, rồi về lại M’đrắk ngày đêm đọc, viết, biên soạn, chọn lọc 100 đầu sách quý, 100 bộ phim hay để lập “Thư viện Ánh sáng”, kiên định mục tiêu thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần quật cường đúng chất “Đại Việt” trong mỗi công dân. 

Hỏi vì sao ông dứt khoát không gặp ai, từ bạn bè thời thơ ấu ngay tại M’đrắk cho tới những người đã cắt máu kết nghĩa anh em, Đặng Lê Nguyên Vũ trả lời ông cần “tĩnh lặng để xử lí cả khối lượng thông tin quá lớn”.

Hơn nữa, gặp để làm gì?  Đặng Lê Nguyên Vũ buồn bã hỏi, rồi chia sẻ: “Qua không trách mọi phê phán sai lầm của số đông. Nhưng qua buồn, vì ngay cả những người anh em rất gần gũi cũng không hiểu, cũng nghĩ rằng qua điên! Qua đâu có mong cầu gì ngoài những điều thiện lành cho dân tộc, cho thế giới?!”.

Nhận định về Đặng Lê Nguyên Vũ, PGS-TS Trần Đình Thiên nói thẳng: Với tôi, đó là một người khác thường, thậm chí phi thường, và không hề vĩ cuồng một chút nào! Gần đây, tôi còn nảy sinh sự kính trọng với ông ấy, khi thấy rõ lòng yêu nước đau đáu đêm ngày của ông ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng những hiến dâng rất đáng kể cho đất nước. Tôn giáo, tâm linh là những điều ai chưa hiểu đều không nên bàn. Những nghi ngờ, xúc phạm người ta đã và đang nhắm vào ông ấy chỉ là do hiểu nhầm, thật đáng tiếc.




chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.