“Qua cũng nói đã ra tới tòa rồi thì mọi tranh chấp phải kết thúc, để Trung Nguyên vận hành như vốn có. Mọi người xung quanh cũng không ai có thể đi kiện mãi được, kiện suốt thì còn làm ăn gì được”. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định tại phiên tòa xử tranh chấp li hôn giữa ông và bà Lê Hoàng Diệp Thảo chiều 25/2.
Phiên tòa chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng về tranh chấp, phân chia tài sản là cổ phần sở hữu tại các công ty thuộc Trung Nguyên, vì Hội đồng xét xử cho biết cần thời gian nghị án dài.
- Bỏ qua câu chuyện tranh chấp gia đình, ở góc độ quản lí doanh nghiệp, tôi muốn hỏi tại sao trong thời gian qua ông không xuất hiện với tư cách là người đứng đầu Trung Nguyên như trước đó, ít nhất để dư luận hiểu ông vẫn đang điều hành bình thường, sức khỏe đảm bảo, không như những đồn đại có vấn đề về tâm thần? Và Trung Nguyên đã gặp một số khó khăn?
- Xuất hiện làm gì. Qua không muốn nói đi nói lại một câu chuyện không hay. Trung Nguyên vẫn bình thường, vẫn phát triển. Qua nghĩ đi thanh minh làm chi. Người ta sai và Qua cũng đã nói mãi không sửa. Qua chịu đựng tất cả mọi thứ thị phi, Qua gánh hết. Bây giờ buộc phải xuất hiện trước báo chí, cơ quan công quyền, nói thêm lời nào đau lòng thêm lời đó.
"Ngồi ở đây lòng Qua đầy nỗi niềm. Nhưng Qua cũng khẳng định: Cái gì cô ấy không giành thì Qua nhường hết. Còn cô ấy đã bất chấp để chia, để giành thì không ai cho phép". |
Qua muốn nói với các người anh em, Qua có nguyên tắc và Qua cũng sẽ giữ nguyên tắc của mình. Qua nói hết từ trong lòng, với một người bình thường thì tất cả những gì đang xảy ra ngắn thôi, đã là kinh khủng lắm rồi. Mà Qua đã chịu đựng suốt 5-6 năm qua thì thế nào. Nhưng nếu mình đã chịu được những điều ghê gớm đó rồi, vượt qua rồi, thì những điều khác không có ảnh hưởng gì hết. Trung Nguyên vẫn bình thường như vậy.
Sở dĩ bây giờ Qua phải có mặt, vì Qua bị buộc ra đây, buộc phải nói thì nói. Tòa triệu tập mà mình không có mặt thì không được. Nhưng nói một số việc cần phải nói vậy thôi, chứ thực ra không ai muốn nói, không có lời nào nói được hết.
- Tôi chia sẻ với ông câu chuyện tranh chấp và chuyện gia đình đang không vui như thế, nhưng tôi cũng xin ông chia sẻ, giả dụ tòa đồng ý với yêu cầu của phía nguyên đơn, là bà Thảo, tỉ lệ phân chia tài sản cổ phần phải chia đôi, thì thế nào?
- Tỉ lệ 70/30 không phải Qua muốn mà đề xuất, mà nó phải thế. Qua nhấn mạnh là cái gì không phải của mình thì đừng cố giành. Mình có cố giành được cũng không giữ được đâu, đạo trời nó đã thế rồi.
- Ông muốn Trung Nguyên ổn định và phát triển, nhưng với tình hình tranh chấp suốt nhiều năm qua, và câu chuyện vẫn chưa thống nhất tại phiên tòa này, bởi hai bên không có tiếng nói chung trong việc phân chia cổ phần, điều này chắc chắn tập đoàn tiếp tục khó khăn. Ông có hướng gì khác không?
- Chính vì vậy mà Qua mới tới đây, ngồi ở đây, nói những điều phải nói. Và đã đến đây rồi thì mọi chuyện sẽ phải dứt điểm, chứ không để kéo dài nữa, nếu không thì sẽ cứ lo đi kiện suốt thôi, không ai làm nổi việc gì khác.
- Tôi có nghe một số người anh em của ông, rất quý ông, họ nói rằng nếu khó quá thì anh Vũ cứ “chơi đẹp”, chia cho bà Thảo 50% cổ phần bằng tiền. Nếu không đủ tiền thì IPO Trung Nguyên, để tập đoàn ổn định và phát triển. Ông có nghĩ vậy?
- Với Qua bao nhiêu không quan trọng, 30 hay 50 chỉ là con số. Ở đây Qua nói nó không phải là tiền mà là đạo nghĩa. Nếu đã nói đạo nghĩa thì hãy nghĩ đến người cha người mẹ, những người sáng lập doanh nghiệp.
Có cha mẹ mới có Qua và Trung Nguyên hôm nay. Cha mẹ bán nhà cửa, chắc mót từng đồng lập nên Trung Nguyên rồi mình về tiếp tục tiếp quản, đóng góp, thì người phải đạo lẽ ra nên nói 50% đó để cho cha mẹ đã cực khổ tạo ra. 50% còn lại mới là của vợ chồng, đó là điều hợp nghĩa, chứ tại sao cô ấy lại đi đòi hết cho mình.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong phiên tòa chiều 25/2, bà Diệp Thảo nói rằng, nguyên nhân đổ vỡ hôn nhân do ông Vũ thay đổi từ cách ăn mặc cho đến lời nói. Ngay cả trời nóng ông cũng quấn khăn rằn. |
Sao lại thấy cha mẹ mình thương, giao cho mình quản lí rồi mình dắt nhau ra pháp luật chia chát từng đồng, lấy luật ra nói chuyện trách nhiệm sao không nghĩ tới đạo lí. Sao không nhìn xem cha mẹ đâu, cha mẹ có đòi hỏi gì không, tranh phần gì không.
- Tại phiên tòa ngày 21/2, ông đã có những tranh luận gay gắt về việc ông khuyên bà Thảo lui về nhà, lo cho gia đình, không tham gia điều hành Trung Nguyên. Điều này khiến dư luận hiểu rằng ông áp đặt, cổ hủ với vợ mình, không tạo cơ hội cho bà Thảo phát triển bản thân?
- Người ta phải hiểu khi nói với người vợ mình, Qua nói cái gì, khuyên cái gì, như thế nào. Qua nói là Trung Nguyên có tầm nhìn toàn cầu, nó phải phát triển đúng chiến lược của nó đã có lâu rồi. Nhưng nó bị nghẽn cho đến nay, là vì đâu. Có lí do cả.
Qua nói là cô lui về là chăm lo cho con cái. Mình nuôi dậy con cái không phải chỉ cho nó ăn mặc đầy đủ, cho nó học trường xịn nhất, mà phải giúp nó phát triển thể chất, trí lực và tinh thần.
Lí do thứ hai Qua muốn cổ lui về, là nhà cửa mình phải coi lại, sắp đặt lại.
Lí do thứ ba là Qua muốn cô ấy quan tâm đến sức khỏe. Qua khuyên cô ấy có thời gian tập yoga và thiền, để lấy lại vóc dáng ngày xưa sau thời gian làm việc, sinh con. Cô ấy cũng có một số khả năng họa, nhạc tốt, Qua muốn cô ấy phát triển, để tinh thần thoải mái, vui vẻ. Như vậy có sai không.
Còn tiền thì 20-30 năm nay, Qua đâu có thiếu, gia đình đâu có thiếu. Qua muốn nói là nhiều lắm. Muốn kinh doanh thì mình có thể mở một mô hình kinh doanh vừa sức, để không phải tốn nhiều thời gian, để cô ấy có thời gian lo cho mình và cho gia đình. Còn Trung Nguyên thì để Qua gánh vác, phát triển.
Với một người chồng như vậy thì còn nói gì nữa, không chịu gì nữa, mà vẫn tìm mọi cách phá hết như thế.
Buộc qua phải dùng từ sám hối để nói với cô ấy, thì nó không phải là đơn giản đâu. Bởi vì không ai nếu còn chút lương tri mà với những lời khuyên như vậy lại dám đưa chồng mình vào nhà thương tâm thần, đủ cách hết.
"Qua đã nói rất nhiều lần một mong ước duy nhất: Để Trung Nguyên phát triển". |
- Ai cũng thắc mắc một điều là tại sao ông lại đồng ý cho bà Thảo đưa đi giám định tâm thần, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác như vậy?
- À, điều này Qua cũng muốn nói cho rõ, là Qua bị thử thách là có thật. Qua muốn chứng minh với cô ấy. Thực tế bây giờ hỏi Qua về toán lượng tử, vật lí, bản chất vũ trụ, Qua lí giải được hết đó. Mà cái này thì không có gì phản khoa học. Sau này các người anh em, chị em sẽ lí giải sau. Nhưng cô ấy không tin, cứ đòi qua phải chứng minh.
Với trách nhiệm người chồng, vợ mình đã không tin tưởng vào mình như thế thì qua phải chứng minh chứ. Qua chấp nhận cùng cô ấy đi 5-7 bệnh viện, bao nhiêu hội đồng để khẳng định Qua bình thường, cô ấy cũng đâu có chịu.
Đó thực tế cũng chỉ là cái cớ cô ấy đẩy đưa mà thôi.
Thôi, âu cũng là thử thách của Qua. Nói ra nó thật đau lòng.
- Trong phiên tòa ngày 21/2, bà Thảo có ý định rút đơn, hòa giải, để hàn gắn gia đình. Tại sao ông lại từ chối mà không cho bà Thảo một cơ hội.
- Đầu tiên Qua là người mong muốn như vậy chứ. Qua từng có đơn gửi tòa không đồng ý li hôn, để hàn gắn gia đình. Vợ chồng 20 năm sống với nhau, còn con cái nữa. Nhưng cô ấy làm đủ mọi cách ép mình hết. Đặt trường hợp các anh chị em, một người chồng, người vợ mình gây ra bao nhiêu chuyện khủng khiếp như vậy, thì còn gì mà nói nữa không. Cô dồn Qua như vậy thì còn sức đâu mà chịu đựng, còn lòng tin ở đâu.
Qua không muốn nói nữa. Qua dùng đến từ sám hối thì phải ghê gớm lắm.
- Nếu có thể nhún nhường bà ấy một chút, để có cơ hội cho gia đình hàn gắn, ông có làm được không?
- Không, qua đã nhún nhường rồi. 5-6 năm nay Qua chịu đựng hết. Hỏi chị Hòa (luật sư Trương Thị Hòa), hỏi mọi người xung quanh gia đình, hỏi nhân viên công ty và cả những người xung quanh công ty, cả người thân của cô ấy, Qua đã nhường nhịn, khoan thứ như thế nào. Đâu phải qua không nhún nhường, nhưng hết rồi.
Đã dắt nhau ra tòa như thế này thì là tuyến cuối cùng rồi. Cô ấy đã không hiểu, nếu một người phụ nữ còn chút lương tính thì phải hiểu chuyện và phải ứng xử như thế nào khi chồng mình nói đến hết cách như vậy.
Mọi giới hạn cô ấy đều bỏ qua hết, chỉ vì cái gì?. Tiền với quyền Qua đâu có giành. 20-30 năm nay, cô ấy dư biết chưa bao giờ Qua quan tâm đến tiền bạc. Qua đã nói một điều, cũng là mong ước duy nhất: Để Trung Nguyên phát triển. Trung Nguyên phải phát triển toàn cầu, đó là tầm nhìn, chiến lược ban đầu Qua xây dựng doanh nghiệp.
Trung Nguyên phải có trách nhiệm giúp cho cộng đồng. Qua không nói suôn. Dưới mỗi lời nói là có kế hoạch hết. Sao cô ấy không chịu hiểu.
Phiên tòa tranh chấp li hôn của vợ chồng người sáng lập đế chế cà phê Trung Nguyên tiếp tục kéo dài sang đầu tháng 3. |
- Ông có thể chia sẻ mâu thuẫn giữa hai vợ chồng phát sinh từ đâu? Nhiều người nói đó là khi ông phát triển Trung Nguyên cà phê đạo?
- Không có khởi đầu gì cả, cũng đừng đem tôn giáo vào đây. Bất kể ai, khi nền tảng thiện lương của mình yếu, tiền và quyền nó sẽ thao túng mình đi về một hướng khác. Cái ma lực đó nó đẻ ra rất nhiều thứ. Trong con người là phần con và phần người. Nhiệm vụ làm người của chúng ta là diệt phần con phát triển phần người. Nhưng hầu như chúng ta quên mất việc đó, một xã hội mà coi vật chất làm trọng thôi thì không tồn tại tốt được.
Mà cái đó nó vô tới nhà của Qua luôn. Đó là thử thách của Qua, một thử thách đau lòng.
- Bà Thảo nói rằng, ông bắt bà ấy đứng hầu cả cha mẹ ông và ông ăn cơm. Ông nói sao?
- Qua không muốn nói đi nói lại. Các người anh em nghĩ xem Qua có thể làm như thế với người thân của mình được không, vợ chồng thì càng không. Thế mà cô ấy đi nói lấy được với bên ngoài. Nói 5-6 năm nay rồi chứ không phải mới.
Cô ấy có thể nói sao cũng được, nói bên ngoài, nói với truyền thông cách nào đó theo mục đích của cô ấy, hoặc để có lợi khi ra tòa, để có thể được phần hơn thì là do cách cô ấy. Nhưng đối diện với lương tri mình thì phải nói cho thật.
Ngồi ở đây lòng Qua đầy nỗi niềm. Nhưng Qua cũng khẳng định: Cái gì cô ấy không giành thì Qua nhường hết. Nhưng cô ấy đã bất chấp để chia, để giành thì không ai cho phép.
- Kết quả sau vụ tranh chấp này như thế nào chưa bàn, tôi muốn hỏi Trung Nguyên trong chiến lược phát triển sắp tới của ông sẽ như thế nào?
- Phải là tập đoàn có ảnh hưởng toàn cầu, phải phát triển mạnh trong thế đất nước đang phát triển như hiện nay, với những tập đoàn kinh tế đang trỗi dậy như hiện nay.
"Trung Nguyên kiếm thêm mỗi năm vài trăm tỉ không là cái gì hết nếu quên trách nhiệm xã hội. Nguyên tắc kinh tế là có cho đi mới nhận lại". |
Trung Nguyên cũng không chỉ có quan tâm doanh thu, lợi nhuận mà phải làm trách nhiệm xã hội của mình, trách nhiệm cộng đồng của mình, phải khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, lập chí làm ăn. Trung Nguyên kiếm thêm mỗi năm một vài trăm tỉ nữa mà không làm trách nhiệm với cộng đồng thì không có ý nghĩa gì cả.
Làm kinh tế thì phải phụng sự, có cho mới nhận. Nếu không thì giàu có rồi cũng không tồn tại được, vì nó không đúng quy luật phát triển.
- Ông nói ông yêu thương các con, ông cũng có quyền “giành” hai trong số bốn người con của mình để nuôi dậy, tại sao ông giao hết cho bà Thảo nuôi.
- Không phải giành, làm như thế là tổn thương các con. Qua muốn cuộc sống của chúng không xáo trộn, mọi thứ vẫn vậy.
Đối với Qua, con cái không phải để mình mang ra ngã giá, gây áp lực. Cực chẳng đã xuất hiện ở đây, nói những chuyện như vậy của gia đình, chứ không bao giờ ai muốn nói. Các con của Qua, nó không đáng phải chịu những điều đó. Con mình sinh nó ra, sao lại tính toán.
Qua muốn nhấn mạnh một điều, cuộc đời của người làm cha mẹ là sinh con ra rồi tạo cho chúng bệ phóng, chứ không phải như mình ngày xưa, không có bệ phóng nào để bắt đầu. Cái gì mình cũng tự xoay. Đó là điều quan trọng nhất. Mà bệ phóng càng lớn thì trách nhiệm cũng càng lớn.
Tới ngày hôm nay, bệ phóng mà Qua nói thì mấy đứa nhỏ coi như đã có. Ít nhất thì chúng cũng đang học ở những trường rất tốt ở trong và ngoài nước. Nhưng đó mới gọi là hình thức vậy, nuôi dậy chúng thế nào mới là điều quan trọng cần thiết.
Việc thứ hai là làm sao lập cho nó chi lớn, vượt thường, để nó có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm rộng hơn với cộng đồng, xa hơn là quốc gia dân tộc. Hãy lập những thứ đó cho nó, đó mới là thành tựu. Còn lại, nếu chỉ biết giành cho gia đình, cho tập đoàn mình thôi, thì không tồn tại đâu.
Điểm thứ 3 là làm sao con cái khi lớn lên nghĩ tới cha mẹ thì chúng tự hào. Nếu giả sử trong cuộc đời của người làm cha làm mẹ mà làm được 3 chuyện đó thôi, là đủ thành tựu cả đời mình.
Cửa hàng cà phê Trung Nguyên đầu tiên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Sài Gòn giờ ra sao? Khác những cửa hàng Trung Nguyên sang trọng, mang hơi hướm hiện đại khác tại TP HCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn giữ nét ... |
Vụ xét xử ly hôn của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên: Viện KS nói gì về tỷ lệ phân chia tài sản? Tại phiên xét xử chiều 25/2, đại diện VKSND đã đưa ra quan điểm giải quyết vụ ly hôn cũng như phân chia tài sản ... |
Vụ ly hôn của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên: Kéo dài thời gian nghị án và tuyên án vào chiều 1/3 Chiều nay, 25/2, tại phiên xét xử vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên, đại diện Viện KSND nêu quan điểm: ... |
Vì sao Trung Nguyên chia tài sản khó khăn hơn Amazon? Doanh nghiệp chưa niêm yết, định giá gây tranh cãi... khiến việc phân chia quyền và tài sản ly hôn của vợ chồng chủ cà ... |
Kinh doanh 17:04 | 28/04/2020
Kinh doanh 12:33 | 04/04/2020
Kinh doanh 06:15 | 04/04/2020
Kinh doanh 17:57 | 03/04/2020
Kinh doanh 06:59 | 29/02/2020
Kinh doanh 12:42 | 19/02/2020
Kinh doanh 14:14 | 18/02/2020
Kinh doanh 16:55 | 10/02/2020