Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (thứ hai từ trái sang) nghe ý kiến của các doanh nghiệp vận tải. |
Chiều 1/3, các doanh nghiệp vận tải thuộc diện điều chuyển tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm đã có buổi đối thoại với Bộ GTVT, TP Hà Nội và Sở GTVT về điều chuyển luồng tuyến xe khách. Buổi đối thoại có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La, chuyên tuyến Thái Bình – Hà Nội cho biết đơn vị đã thực hiện việc điều chuyển từ Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm theo chỉ đạo. Tuy nhiên, vị này cho biết sau khi về Nước Ngầm thì xe không có khách dẫn đến việc doanh nghiệp lỗ vốn trong khi vẫn phải trả lương cho nhân viên.
Nhiều cơ quan báo chí quan tâm đến cuộc đối thoại về điều chuyển luồng tuyến. |
Ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Nam Định cho biết hiệp hội này thống nhất chủ trương điều chuyển ùn tắc nhưng sau gần hai tháng điều chuyển thấy việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân xung quan bến Mỹ Đình.
Cũng theo ông Thạc, các doanh nghiệp đang lâm vào cảnh phá sản sau điều chuyển luồng tuyến. Trong khi đó, có nhiều loại xe trá hình tuyến Nam Định - Hà Nội "bùng phát" điều chuyển. "Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp đình công trong ngày 28/2. Chúng tôi cũng đề nghị giữ đúng tuyến như trước đó đến năm 2020", ông Thạc nói.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết sau gần hai tháng điều chuyển, họ có nguy cơ phá sản. |
Ông Trần Hữu Quảng, đại diện Công ty vận tải hành khách Hà Sơn Hải ở Thanh Hóa, đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình (Hà Nội) thì cho rằng Sở mới chỉ ra văn bản chỉ đạo chứ chưa kiểm tra thực tế hậu điều chuyển luồng tuyến. "Chúng tôi đề nghị chỉ đạo các ngành kiểm tra, triệt phá xe dù bến cóc. Sau 2 tháng, điều chuyển thì ở Thanh Hóa có đến hơn 100 xe khách trá hình tuyến Thanh hóa – Hà Nội. Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đưa ra là chủ trương điều chuyển luồng tuyến là đúng nhưng phương pháp thế nào để doanh nghiệp tránh thiệt hại. Ngoài ra, chưa có cơ sở khẳng định việc ùn tắc là do xe khách chạy xuyên tâm thành phố gây ra mà do quy hoạch đô thị, nhiều nhà cao tầng...
Các doanh nghiệp thuộc diện điều chuyển về Nước Ngầm đề nghị được quay lại bến xe Mỹ Đình. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc điều chuyển khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tốn kém. "Tại sao không cho chúng tôi đi lên đó để nhà nước không phải bù lỗ cho xe buýt", ông Nguyễn Bình, Giám đốc doanh nghiệp vận tải ô tô Đức Bình, chuyên tuyến Nghệ An - Hà Nội nói.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị tiếp tục được quay lại bến xe Mỹ Đình hoạt động nhằm tránh thua lỗ. PV sẽ tiếp tục thông tin về cuộc đối thoại và trả lời từ phía Bộ GTVT, TP Hà Nôi và Sở GTVT Hà Nội.
Như tin đã đưa, sáng 28/2, hơn 50 xe khách chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình và Hà Nội – Nam Định đi thành đoàn dài trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ để lên Hà Nội. Các xe này đều nằm trong diện điều chuyển từ các bến xe khác của Hà Nội về bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) theo chủ trương của TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi đến trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội), lực lượng chức năng gồm CSGT, TTGT đã yêu cầu dừng xe để đảm bảo ATGT, chống ùn tắc giao thông. Sau khi có mặt ở bến xe Nước Ngầm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trực tiếp xuống trạm thu phí Liêm Tuyền - nơi các doanh nghiệp bị CSGT dừng xe để đối thoại và yêu cầu doanh nghiệp đưa xe về. Khoảng 22h30 ngày 28/2, lực lượng chức năng đã điều các xe cứu hộ tới đưa những chiếc ôtô khách phản đối điều chuyển luồng tuyến, đang đỗ thành hàng dài ở Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ra khỏi khu vực này. Khoảng 2h30 ngày 1/3, các nhà xe đồng ý di chuyển về điểm dừng nghỉ 239 thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. |