Dồn lực đầu tư hai dự án giao thông gần 55.000 tỷ đồng tại miền Tây

Bộ Giao thông vận tải cho biết hai dự án trọng điểm qua địa bàn tỉnh An Giang sẽ được ưu tiên triển khai, gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 52.363 tỷ đồng và tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên hơn 2.100 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải vừa trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang về đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trên địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, quốc lộ 91 đoạn đi qua tỉnh An Giang dài 89 km, quy mô quy hoạch cấp III, hai - 6 làn xe. Hiện trạng cơ bản đạt cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.

Bộ thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về việc đầu tư quốc lộ 91 đoạn Long Xuyên - Châu Đốc theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, do dọc theo quốc lộ 91 mật độ dân cư hai bên tuyến lớn dẫn đến việc đầu tư mở rộng sẽ rất khó khăn, không hiệu quả. 

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài khoảng 188 km đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 52.363 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP.

Vì vậy, để tạo động lực phát triển cho tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và giải quyết nhu cầu vận tải trên đoạn tuyến này, Bộ Giao thông vận tải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) chạy song hành với quốc lộ 91 và cách quốc lộ 91 về phía tây khoảng 10 - 15 km vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Hiện nay, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đang tiến hành thẩm định làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022. Sau khi dự án đưa vào khai thác, quốc lộ 91 sẽ chỉ còn phục vụ xe nội vùng.  

Đối với tuyến quốc lộ 91 hiện hữu, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra và thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình theo quy định.  

Điểm đầu của dự án kết nối với đường nối ra quốc lộ 80 của nút giao Lộ Tẻ thuộc gói thầu đường dẫn cầu Vàm Cống, thuộc địa phận xã Vinh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ và điểm kết thúc tại Km65+000, quốc lộ 91, thuộc địa phận phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Dự án được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cấp vốn vay khoảng 90 triệu USD để thực hiện đầu tư.

Về triển khi thi công tuyến tránh Long Xuyên, dự án đầu tư xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 11/2018. Công trình có chiều dài 15,3 km, quy mô đường cấp III, hai làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.107 tỷ đồng, nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). 

Thời gian thực hiện chính thức được xác định trên cơ sở thời gian xác nhận của Hiệp định vay ADB trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023.

Lý giải thời gian vừa qua, dự án chậm trễ trong công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công xây dựng, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ do một số nguyên nhân chủ yếu.

Cụ thể, dự án đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của ADB nên việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế và có nhiều nhà thầu tư vấn thầu nước ngoài quan tâm, tham dự thầu.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay nên thủ tục xuất nhập cảnh mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ngoài ra, việc tuyển chọn tư vấn theo quy định ADB và quy định Luật Đấu thầu Việt Nam phải trải qua nhiều bước nên mất nhiều thời gian.

Trong đó có 6 bước chính cần có sự chấp thuận của nhà tài trợ ADB gồm kế hoạch lựa chọn nhà thầu; danh sách ngắn, đề cương nhiệm vụ và dự toán; hồ sơ mời thầu; kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; kết quả đánh giá tài chính, xếp hạng; hợp đồng.

Cùng với đóhồ sơ dự thầu của 28 nhà thầu tư vấn quốc tế, có nhiều nội dung cần làm rõ gây mất nhiều thời gian. Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát và Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán vào tháng 10/2021. Dự kiến sẽ khởi công trong tháng 1/2022 và hoàn thành dự án trước năm 2024.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về việc sớm đầu tư quốc lộ 91C và tuyến tránh quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn hẹp, không thể cân đối nguồn vốn để đầu tư tuyến đường này trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung nguồn lực để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề).

Trong giai đoạn trước mắt, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.