Năm 2022, Đồng Tháp tập trung triển khai ba đại dự án giao thông gần 14.000 tỷ đồng

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề nghị tập trung triển khai các công trình giao thông trọng điểm ngay từ đầu năm, nhất là đối với ba đại dự án: Tuyến Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An và tuyến tránh TP Cao Lãnh.

Theo báo Đồng Tháp, trong năm 2021, Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư 12 dự án, trong đó có 7 dự án đang ở giai đoạn thi công và 5 dự án đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện đầu tư.

Ngành GTVT cũng chuẩn bị các dự án cho năm kế hoạch 2022 như: Dự án xây dựng tuyến ĐT857 (đoạn QL30 - ĐT845); bến phà An Phong - Tân Bình huyện Thanh Bình; hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền; nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 3 - tuyến tránh TP Cao Lãnh)...

Đơn cử như tại TP Sa Đéc đang triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung được duyệt và sẽ hoàn thành phê duyệt trong năm 2022. 

Trên cơ sở các đồ án được phê duyệt, trong đó đã định hướng các tuyến đường giao thông trọng điểm mang tính chất kết nối liên vùng, mở rộng không gian đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị của thành phố định hướng đến năm 2030. 

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn phát triển đô thị với ba dự án: Cầu và đường Nguyễn Tất Thành, đường N7 (đoạn từ đường hoa Sa Đéc đến ĐT 848), đường D2 (đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc - Đào Duy Từ).

UBND TP Sa Đéc cho biết thời gian tới kiến nghị tỉnh ưu tiên đưa vào quy hoạch tỉnh đối với dự án đường Vành đai 2 theo định hướng quy hoạch chung thành phố và các dự án trọng điểm khác nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị Sa Đéc xứng tầm với đô thị loại I đến năm 2030.

Trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang đề nghị các địa phương phải triển khai quyết liệt các công trình giao thông trọng điểm ngay từ đầu năm, nhất là đối với ba đại công trình giao thông trên địa bàn gồm: Tuyến Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An và tuyến tránh TP Cao Lãnh. 

Năm 2022, Đồng Tháp tập trung triển khai ba đại dự án giao thông gần 14.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Năm 2022, Đồng Tháp tập trung triển khai ba đại dự án giao thông nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Người Lao động).

Về tiến độ, với đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài khoảng 27,43 km; đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km; tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến gần 6.500 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn góp của nhà nước là 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện tại, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức PPP, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án đã bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 475 tỷ đồng.

Về cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Bộ GTVT cho biết dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án.

Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với chiều dài 26 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 4.701 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan và Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ KH&ĐT.

Còn dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư với chiều dài 58,77 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư 2.570,47 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được phân kỳ theo hai giai đoạn.

Dự án khởi công năm 2010 và trong quá trình triển khai dự án thuộc đối tượng dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vì vậy, giai đoạn 1 của dự án mới cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến tránh thị trấn Hồng Ngự, tuyến tránh TP Cao Lãnh mới thi công đến điểm dừng kỹ thuật (hoàn thành thi công một phần nền đường, đắp cát K95).

Bộ GTVT đã bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư hoàn thành tuyến tránh Cao Lãnh đang đầu tư dở dang. Tuy nhiên, dự án được triển khai từ năm 2010 dẫn đến thời hạn bố trí vốn chưa phù hợp theo quy định (thời hạn bố trí vốn không quá 4 năm đối với các dự án nhóm B).

Vì vậy, để đảm bảo thủ tục theo Luật Đầu tư công, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kéo dài thời hạn bố trí vốn đầu tư tuyến tránh Cao Lãnh thuộc giai đoạn 1 của dự án đến năm 2024. Hiện, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công.

chọn