---
Nhắc đến Tết, nhiều người thường nghĩ tới Hà Nội, với không khí nhộn nhịp nhưng vẫn còn đó nét truyền thống của những ngày xưa cũ. Đó là các phiên chợ chỉ họp một năm một lần vào dịp Tết như chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ ở ngã 5 phố cổ... mở từ 23 đến 30 tháng Chạp. Đó còn là những phong tục, tập quán được gìn giữ lâu đời, những ngôi chùa cổ đông đúc du khách khói hương mỗi dịp đầu năm...
Và chợ hoa bao giờ cũng là nơi Tết đến sớm nhất. Người ta tìm đến chợ hoa để sắm cành đào, cây quất trang hoàng cho ngày Tết. Trong đó chợ hoa xuân Hàng Lược luôn được người ưa hoài cổ tìm về, bởi không khí cổ truyền vẫn cứ bảng lảng trong khu chợ mặc cho thời thế đổi thay.
Chợ hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, đây được coi là chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội. Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu. Đến năm 1912, Hàng Lược trở thành chợ hoa xuân nức tiếng Thăng Long với vô vàn chủng loại, từ đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà đến các loại hoa mới ở vườn Bách Thảo.
Chợ hoa hàng Lược |
Phố Hàng Lược ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, dài 264 m, nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá. Hơn 100 năm kể từ phiên họp đầu tiên, chỉ trừ Tết Đinh Hợi 1947 Hà Nội đang là chiến trường, còn lại không năm nào Hàng Lược không có chợ hoa. Đi chợ Hàng Lược không chỉ để chơi Tết mà còn như một thú vui tao nhã của người Hà Nội, bởi chỉ họp duy nhất một lần mỗi năm.
Chợ bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược hoa dường như được chọn lựa kỹ càng hơn rồi mới đem ra bày bán trên kệ thành từng khu riêng biệt. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường… Trong đó đào được nhiều người từ nơi xa lặn lội đến tìm mua. Nhiều người đi lượn nhiều vòng ở các chợ hoa quanh Hà Nội đều phải tìm về Hàng Lược để mua được cành đào như ý.
Họp một năm một lần, chợ nằm ở ngã 5 Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng trở thành điểm hẹn cho những người mê đồ cổ, giả cổ. Hàng quán ở đây mở ra đơn giản, đôi khi chỉ là tấm bạt trải ra, bày đồ lên để bán, nhưng khách không vì thế mà nề hà.
Mặt hàng bày bán tại đây đa dạng, phổ biến nhất là các loại đồ thờ, tượng Phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng..., ngoài ra còn có các đồ gốm sứ, giá từ vài trăm đến cả triệu đồng một món. Nhiều người giữ thói quen đi chợ đồ cổ vào dịp Tết và năm nào cũng mua vài món gọi là chơi Tết. Người không chơi cũng ghé qua, vừa để ngắm, vừa để cảm nhận bầu không khí cả năm mới có một lần...
Nhộn nhịp là vậy nhưng bắt đầu từ chiều muộn 30 tháng Chạp, đường phố Hà Nội bỗng trở nên vắng lặng. Đặc biệt, Hà Nội mùng 1 Tết là những giờ phút hiếm hoi trong năm Hà Nội trở về đúng với vẻ yên bình, tĩnh tại. Không còn dòng xe hối hả ngược xuôi, không còn tiếng động ồn ào, nhiều người dậy sớm để tận hưởng không khí trong lành, chụp ảnh làm kỷ niệm.
Những chiếc xe máy vội vã dường như đã nhường chỗ cho những vòng quay xe đạp chậm rãi, những bước chân đi bộ thong dong, vừa đi vừa hít hà bầu không khí năm mới. Thả lỏng người ngắm mặt Hồ Gươm phẳng lặng, trong xanh vào một buổi sáng mùa xuân. Thong dong tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám, ghé thăm các làng nghề truyền thống… để cảm nhận một vùng đất tuyệt đẹp đang vào xuân.
Với nhiều người nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ châu Âu, châu Mỹ, Tết âm lịch của người Việt vẫn là một điều xa lạ, bởi họ chủ yếu ăn mừng lễ Giáng sinh và năm mới theo Dương lịch. Không ít người từng phàn nàn gặp khó khăn trong dịp Tết ở Việt Nam khi các hàng quán và dịch vụ đều đóng cửa. Nhưng vài năm trở lại đây, chính không khí yên bình và những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn nhiều du khách.
Một số hãng lữ hành trên địa bàn Thủ đô không bỏ qua cơ hội xây dựng hình thức du lịch trải nghiệm trực tiếp dẫn khách quốc tế tới những gia đình giàu truyền thống tại Hà Nội để cùng tham gia các công đoạn đón Tết. Như Công ty du lịch Mai Việt với lịch trình tham quan Hà Nội dịp lễ ông Công - ông Táo, du khách được đến nhà các gia đình để tìm hiểu nét đẹp văn hóa tâm linh rất đặc sắc này.
Du khách cũng sẽ được chứng kiến các bước thực hiện một mâm cỗ cúng truyền thống với đủ các món canh, xào, xôi, giò chả, chè kho, thịt luộc…, sau đó cùng gia chủ thưởng thức mâm cỗ gia đình ấm cúng đúng chuẩn vị Tết truyền thống Việt Nam.
Tiếp đó, được tham gia trải nghiệm thả cá chép sống xuống sông để thêm hiểu về thuyết “cá chép hóa rồng” trong tín ngưỡng của người miền bắc, là phương tiện đưa ông Táo lên trời. Tiếp đó, buổi chiều hoặc sáng hôm sau, du khách lại được tham gia gói bánh chưng, được nghe kể về sự tích bánh chưng bánh dày.
Vào những ngày Tết Nguyên đán, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm đặc biệt vào đêm 30 Tết, sáng mồng một Tết. Sau khi tham gia chuẩn bị và thưởng thức mâm cỗ đón giao thừa trong không khí sum vầy của gia đình Việt, du khách sẽ được cùng gia chủ lên chùa đi lễ “hái lộc” đầu năm.
Các gia đình được lựa chọn thường là có nhiều thế hệ đang sinh sống ở phố cổ Hà Nội để du khách vừa thấy được nét cổ kính của kiến trúc Thủ đô, vừa cảm nhận được nếp nhà, gia phong của người Việt. Và đặc biệt, qua thời khắc giao thừa, du khách được trải nghiệm cảm giác của những người đi “xông đất” đầu năm, được chứng kiến con cái, cháu chắt chúc Tết ông bà và được nhận những lời chúc tốt đẹp, phong bao lì xì may mắn bằng tiền Việt Nam mang về nước làm kỷ niệm.
Hòa mình trong không khí đón Tết rộn ràng, ấm cúng của gia đình Việt, lại được tiếp xúc với những người Hà Nội thuộc nhiều thế hệ, nghe hướng dẫn viên giới thiệu các phong tục độc đáo trong ngày Tết của người Việt... Có lẽ với những tour du lịch này, nỗi lo phai dần Tết truyền thống của nhiều người Hà Nội ưa hoài niệm cũng vơi dần...
--
Xuýt xoa chợ đào rừng trong giá rét ở Sa Pa
Trong sương mù giá rét dưới 10 độ C, du khách lên thăm Sa Pa được chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ ... |
Đi chợ tết Lao Chải
Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; ... |