Đồng bằng sông Cửu Long đang 'chìm'

Triều cường dâng cao kỉ lục gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều đô thị hạ nguồn miền Tây làm bộc lộ rõ hơn một thực trạng nguy cấp khác. Đó là tình trạng sụt lún nghiêm trọng đang kéo chìm ĐBSCL.

Chứng kiến đợt triều cường dâng cao những ngày qua, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ nhớ lại, năm 2011, mực triều cường lên đỉnh cao nhất là 2,15 m. Khi đó, nước vẫn thấp hơn nền nhà ông ở P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ chừng 10 - 15 cm. 

Nhưng ngày 29/9, khi mức triều cường được ghi nhận là 2,14 m, căn nhà ông đã bị nước tràn vào lênh láng. “Rõ ràng, ngoài triều cường chỉ có thể giải mặt đất đang sụt lún trông thấy”, ông Vinh nói.

Dân Cần Thơ không kịp trở tay vì đường phố ngập nặng do triều cường bất ngờ

Phố phường “chìm” trong nước

Theo quan sát của PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), đợt triều dâng sáng 30.9, mực nước trên sông Hậu tại Cần Thơ đã lên đến mức 2,25 m, tức là vượt kỉ lục 2,23 m của năm 2018 và là mức triều cường cao nhất trong vài chục năm qua.

Sụt lún chính là vấn đề cấp bách đáng lo ngại nhất của ĐBSCL và nguyên nhân do con người gây ra. Chính cái cách mà chúng ta đối xử thô bạo với thiên nhiên dẫn đến việc này

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông

Chưa bao giờ người dân TP Cần Thơ lại chứng kiến cảnh ngập lụt trên diện rộng như năm nay. Nước bủa vây đã làm đảo lộn của hàng ngàn hộ dân ở các quận trung tâm Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy
.

Đồng bằng sông Cửu Long đang 'chìm' - Ảnh 3.

Đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ ngập toàn tuyến. (Ảnh: Đình Tuyển)

Hàng loạt tuyến đường từ trung tâm như Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Cương, Nguyễn Văn Cừ cho tới những nơi hoa lệ nhất Tây Đô như đại lộ Hòa Bình, đường Hai Bà Trưng, Bến Ninh Kiều đều ngập chưa từng thấy.

“Công trình hồ Bún Xáng (diện tích khoảng 18 ha - PV) đang xây dựng với mục tiêu chống ngập cho nội ô TP Cần Thơ nhưng cũng không có tác dụng, đường vòng quanh bờ hồ vừa làm xong cũng bị ngập mênh mông, không còn thấy bờ kè”, PGS Lê Anh Tuấn nói và cho rằng, ngập lụt ở miền Tây là “không thể chống lại” mà chỉ có thể thích nghi thụ động, giảm nhẹ thiệt hại.

Phòng Quản đô thị Q.Ninh Kiều cho biết, hiện quy hoạch cao trình đường tại trung tâm TP Cần Thơ dao động từ 2,3 - 2,5 m, nhưng chỉ có một số tuyến đường mới mở, mới nâng cấp sau này mới đạt cao trình này. Còn rất nhiều tuyến đường cũ có cao trình chỉ từ 1,6 - 2 m nên khi triều cường dâng cao 2,25 m đã gây ngập có nơi 50 - 60 cm.

Nước dâng không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống sinh hoạt, buôn bán kinh doanh của người dân. “Ở ngay tuyến đường chính nhưng mấy năm nay rồi, cứ ngập là phải chịu trận, phải đóng cửa không buôn bán được”, bà Ngô Thị Thanh Trúc, ngụ đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, cho biết.

Cũng như Cần Thơ, nội ô các đô thị khác ở vùng giữa của ĐBSCL như TP.Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng bị nước triều bủa vây...

Nhận định về triều cường lịch sử ở ĐBSCL, PGS-TS Hoàng Minh Tuyển, Viện Khoa học - Tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết: “Chắc chắn ngập lụt ở miền Tây mấy hôm nay không phải do nước lũ đổ về bởi mực nước đo được ở đầu nguồn đều đang ở mức thấp. Chính biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho mực triều dâng cao bất thường. Kể cả chân triều và đỉnh triều đều cao hơn mức trung bình trước đây từ 15 - 16 cm”.

Đê bao đưa nước về thành thị

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông, nhận định triều cường và sụt lún là 2 tác động “kép” khiến cho ngập lụt ở các đô thị ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. 

“Sụt lún chính là vấn đề cấp bách đáng lo ngại nhất của ĐBSCL và nguyên nhân do con người gây ra. Chính cái cách mà chúng ta đối xử thô bạo với thiên nhiên dẫn đến việc này”, ông Thiện nói và cho rằng, có 3 nguyên nhân cơ bản gây sụt lún, ngập lụt là: đê bao ngăn dòng; khai thác nước ngầm; lún tự nhiên (không đáng kể).

“Bây giờ phù sa đã bị thủy điện chặn lại. Các địa phương thì tự đưa vào thế kẹt bởi những đê bao khắp nơi. Ở vùng đầu nguồn là hệ thống đê bao lớn trồng lúa vụ 3, đẩy lũ về hạ nguồn. Tới vùng giữa đồng bằng như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang... cũng đua nhau đắp đê bao để ngăn nước vào các vườn tược. Nhà này đắp đê bao thì nhà kế bên cũng đắp theo. Sông rạch trở thành những cái máng xối với đê bao hai bên. Khi không gian trữ nước ở nông thôn bị thu hẹp thì nước sẽ đổ dồn về vùng đô thị chưa có đê bao gánh lượng nước đó”, ông Thiện nói.

Ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng phòng Quản đô thị Q.Ninh Kiều, mô tả: “Giả sử ở nông thôn có 1 ha đất cho ngập 10 cm thì chứa được 1.000 m3 nước. Nhưng khi diện tích đó đắp đê bao, nước có thể dồn về vùng thành thị và gây ngập sâu gấp 3 lần. do là ở đô thị, diện tích nhà ở thường được người dân tôn cao, chỉ có 30 - 40% là diện tích mặt đường giao thông là dễ bị ngập. Từ đây, để chống ngập sẽ phải nâng đường, xong rồi lại phải nâng nhà. Không biết bao nhiêu ngàn tỉ mới giải quyết được tình hình”.

Sụt lún tới mức nguy cấp

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định, có một mối liên quan không tách rời giữa ô nhiễm nước mặt - khai thác nước ngầm - ngập lụt - sụt lún. “Dù biết khai thác nước ngầm là tác nhân chính gây sụt lún nhưng hiện nay, ngay ở những vùng nông thôn sông ngòi dày đặc nhưng người dân vẫn không thể sử dụng nước sông mà phải khoan giếng dùng nước ngầm. Đó là hậu quả của việc sông ngòi nhận một lượng lớn dư lượng phân bón, chất hóa học từ sản xuất thâm canh, sông ngòi không được chảy thông thoáng mất khả năng tự làm sạch” - ông Thiện nói.

Dự án “Chiến lược thích ứng với sụt lún và đô thị hóa ở ĐBSCL, nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng” - một dự án hợp tác giữa Trường ĐH Cần Thơ với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ĐH Utrecht (Hà Lan) từng thông tin: Hơn một triệu giếng khoan nước ngầm được khai thác từ những năm 1980 cũng là nguyên nhân chính làm sụt lún ở ĐBSCL ngày càng trầm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu từ ĐH Utrecht (Hà Lan) cho rằng, với tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL liên quan đến khai thác nước ngầm là khoảng 1,1 cm/năm, cá biệt có nơi hơn 2,5 cm/năm, nếu tiếp tục khai thác với tốc độ hiện tại, đất ở miền Tây sẽ lún khoảng từ 35 - 140 cm vào năm 2050. Khi đó, cùng với nước biển dâng khoảng 10 cm/năm, ngập lụt chắc chắn sẽ gây ra những tổn thương không thể lường cho ĐBSCL.

Theo ông Kỷ Quang Vinh, nước ngầm không phân bổ như địa giới hành chính nên việc khai thác quá mức ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau có thể ảnh hưởng đến sụt lún ở các địa phương khác như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang... Sự suy giảm của nước ngầm cũng có thể thấy rõ khi càng ngày người ta càng phải khoan sâu hơn. Có những trạm cấp nước nông thôn khoan lấy nước sâu tới 300 m. Để ứng phó với sụt lún, ngập lụt, cần phải có lộ trình giảm, hạn chế và dần dần cấm việc sử dụng nước ngầm, tiến tới bơm bù nước ngầm vào lòng đất, cho dù đây là thách thức quá lớn.

Bỏ mạng vì triều cường

Khoảng 18 giờ 30 ngày 1/10, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu vực hồ Bún Xáng (P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khiến một người tử vong.

Nạn nhân là bà L. T. K. T (50 tuổi, ngụ P.An Lạc, Q.Ninh Kiều). Người dân chứng kiến vụ việc cho biết thời điểm trên, do triều cường dâng cao, mực nước ngập sâu khu hồ Bún Xáng (đang thi công hoàn thiện).

Khi điều khiển xe máy BS 65B1-011.76 đến đoạn đường trên, bà T. không xác định được ranh giới giữa con đường và hồ nước nên cả người và xe rơi xuống hồ. Phát hiện vụ việc, người dân xung quanh lập tức ứng cứu, nhưng do nước dưới hồ rất sâu nên chỉ trục vớt được xe. Đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy.

7 tuyến QL: 31 điểm ngập nặng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lí đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ VN), cho biết ở ĐBSCL hiện có 7 tuyến QL với 31 điểm bị ngập.

Trong đợt triều cường này, Cục đã khảo sát, điều tra và đánh giá thực trạng ngập và tổng hợp báo cáo đề xuất để phân kỳ đầu tư, ưu tiên xử lí những đoạn ngập nặng nhất trước.

Trước mắt, ưu tiên đoạn QL1 ở đoạn Tam Bình (Vĩnh Long), đây là đoạn đường dài khoảng 1 km ngập sâu 50 - 60 cm. Sau đó, qua đầu năm 2020 sẽ khắc phục tiếp điểm ngập ở ranh giới Hậu Giang - Sóc Trăng cũng ngập sâu 50 - 60 cm. Tiếp đến là điểm ngập ở Bạc Liêu, rồi điểm ngập ở TP.Long Xuyên.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.