Người Đà Nẵng sợ ngập vì cửa thoát nước bị che chắn để ngăn mùi hôi

Người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng phản ánh tình trạng một số người dùng các vật dụng che chắn cửa thoát nước là một trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng.

Nhiều người dân Đà Nẵng vẫn còn sửng sốt khi nhớ lại thời gian từ ngày 8 – 9/12/2018, Đà Nẵng đã đón trận mưa lịch sử với lượng mưa trong vòng 24 giờ đo được gần 800 mm. Mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng tại nhiều nơi.

Đường sắt Bắc – Nam đi qua Đà Nẵng tê liệt. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Các tuyến đường vào sân bay bị ngập úng nặng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, mặc dù Đà Nẵng gần sát biển nhưng tình trạng ngập úng do mưa lớn lại tập trung chủ yếu trong khu vực đô thị. Trong khi đó, việc thoát nước, chống ngập trong nội thành lại chỉ dựa vào hệ thống cống rãnh.

Điều này dẫn đến việc khi cường độ mưa quá lớn, kéo dài trong nhiều giờ sẽ khiến lượng nước tập trung tại các khu vực quá lớn, vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống cống.

ngap

Đường vào sân bay Đà Nẵng ngập tháng 12/2018. (Ảnh: Văn Luận).

Trong thời gian các tuyến đường ở Đà Nẵng ngập, khi cơ quan chức năng khơi thông cống thoát nước phát hiện nhiều người dùng bao ni lông, thậm chí dùng xi măng, đá che kín miệng cống khiến nước không thể rút đi.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng trời đổ mưa thời gian ngắn nhưng đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu), đường Lê Tấn Trung (quận Sơn Trà) nước ngập sâu khiến người dân đi lại khó khăn.

Theo người dân phản ánh, một số người đã dùng bao ni lông, tấm ván,.. chặn miệng ống cống lại để ngăn mùi hôi, làm nước không thể thoát được, gây ngập úng cục bộ.

Chị Vy Oanh cho biết: "Mưa có mấy tiếng đồng hồ mà nước ngập. Nước không thể thoát được vì bao ni lông đã bịt kín hết miệng cống nên hết cả con đường này bị ngập úng, gây khó khăn trong việc đi lại".

Anh2

Anh1

Cống bị hư hỏng, che lấp bởi bao ni lông. (Ảnh: Văn Luận).

Theo chúng tôi quan sát, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) có hơn chục miệng cống đã được che lại bằng những tấm ván, gỗ, bao ni lông, bạt phủ lên,… làm nước không thể thoát được.

Một số tuyến đường tại trung tâm TP Đà Nẵng thường ngập úng như tại quận Hải Châu: đường Quang Trung, Đống Đa, đường Lý Thường Kiệt... Tại quận Thanh Khê, đường Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, Lê Độ… mưa chưa đầy 1 tiếng đã ngập.

UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, trước tình trạng ngập trên đường Lê Tấn Trung, phường đã bố trí lực lượng xử lí khơi thông cống. Lí do đường ngập là vì các miệng cống bị nghẹt rác, cát, nước mưa không thoát kịp. Sau xử lí, không còn nước ứ đọng gây ngập úng. 

"UBND phường đã đề nghị người dân không để rác, vật dụng che lấp miệng cống, chủ động khơi thông cống rảnh góp phần hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ trong khu dân cư", UBND phường Thọ Quang thông tin.

Anh4

Khơi thông cống thoát nước đường Lê Tấn Trung. (UBND phường Thọ Quang).

Vận động người dân không che đậy miệng cống, hạn chế tình trạng ngập úng Đà Nẵng

Theo Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND TP Đà Nẵng, thành phố ban hành văn bản số 5864/UBND-ĐTĐT về triển khai thực hiện các giải pháp xử lí đảm bảo thoát nước trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão sắp đến.

Theo đó, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện, Công ty thoát nước và xử lí nước thải khẩn trương tiến hành việc nạo vét mương cống để đảm bảo thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng trên địa bàn.

Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện biện pháp xử lí đảm bảo thoát nước, chống ngập úng và vệ sinh môi trường, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu xảy ra tình trạng ngập úng, mất vệ sinh môi trường tại các khu vực. 

UBND các quận huyện kiểm tra, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó xử lí khi có mưa đảm bảo thoát nước, giảm thiểu ngập úng và vệ sinh môi trường tại các khu vực trong mùa mưa. UBND các phường xã kiểm tra thực tế, vận động người dân tháo bỏ các tấm che đậy tự phát trên các cửa thu nước, đồng thời khơi thông các cửa thu nước để đảm bảo thoát nước khi có mưa lớn.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành công văn về thực hiện 13 công trình xử lí ngập úng trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm 2019.

Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ làm những công trình chống ngập tại quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Hòa Vang. Thời hạn cuối năm 2019, hoặc sang quí I/2020.

UBND TP Đà Nẵng chi 3.300 tỉ đồng xử lí nước thải và chống ngập

Theo đó, số tiền trên sẽ dùng xây dựng thêm hệ thống xử lí thoát nước, trong đó chú trọng vấn đề giải quyết ngập úng đô thị và khu công nghiệp. Hoàn thành các công trình thoát nước, xử lí điểm ngập úng. Lên kế hoạch quản lí, thanh tra việc quản lý hạ tầng thoát nước đô thị, rà soát phương án thoát nước...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.