Vụ 14 tấn cá chết trong hồ điều tiết Đà Nẵng: Làm đài phun nước để... cải tạo môi trường

Trước tình trạng cá chết tại 2 hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Sở TM&MT Đà Nẵng đề xuất đầu tư hai cụm thiết bị cấp khí và phương án đài phun nước nhưng Sở Xây dựng không thống nhất.

Theo báo cáo số 747 ngày 11/9 của Sở TN&MT TP Đà Nẵng, từ ngày 12 -17/6 tại hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung xảy ra tình trạng cá chết, chủ yếu là cá rô phi với tổng khối lượng 14 tấn.

Sở TN&MT đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lí nước thải kịp thời vớt cá chết và vận chuyển xử lí, thực hiện các giải pháp giảm thiểu mồ hôi bằng cách phun phế phẩm sinh học xung quanh 2 hồ với tần suất 2/lần/ngày, rải 50 kg phế phẩm, 100 kg vôi mỗi hồ vào mỗi ngày để tránh làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

ca chet ho trung tam da nang

Hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung xảy ra tình trạng cá chết, chủ yếu là cá rô phi ngày 17/6. (Ảnh: Văn Luận).

Kết quả kiểm tra thực tế của Sở TN&MT cho thấy còn tình trạng nước thải từ cống bao xung quanh rò rỉ vào hồ tại 4 cửa phay; lượng bùn tích tụ trong lòng hồ rất lớn, chưa được nạo vét trong nhiều năm; có tình trạng phát triển tảo quá mức, làm hồ bị phú dưỡng hóa; khi tảo chết lắng xuống tầng đáy và được vi sinh vật chuyển hóa chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí nhờ oxi tầng đáy và thải khí H2S, nên có mùi hôi.

Sở TN&MT đề xuất ngành xây dựng có giải pháp ngăn không để nước thải rò rỉ vào hồ; nạo vét hồ. Ngoài ra, để cải thiện môi trường lâu dài kết hợp mĩ quan đô thị, Sở đề xuất 2 phương án cải tạo môi trường nước hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung là đầu tư 2 cụm thiết bị cấp khí và phương án đài phun nước, ước tính chi phí khoảng 4 tỉ đồng/phương án.

Đồng thời, ngày 8/7, Sở TN&MT đã có Công văn đề nghị UBND quận Thanh Khê đảm bảo vệ sinh, quản lí rác thải phía trên bờ hồ.

Tuy nhiên, ngày 19/7, Sở Xây dựng có Công văn báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng về việc xử lí môi trường tại hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung. Trong đó, hai phương án đầu tư 2 cụm thiết bị cấp khí và đài phun nước không được Sở Xây dựng thống nhất.

Trước tình hình trên, Sở TN&MT đề xuất phương án trước mắt sẽ giao đơn vị nước thực hiện các giải pháp tạm thời xử lí ô nhiễm; Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị khắc phục, nâng cáo trình các tấm đan hố ga bằng cáo trình vỉa hè và các tuyến đường xung quanh hồ; khắc phục những tồn tại tại cửa phay; Ban Quản lí dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để triển khai thi công công trình nạo vét lòng hồ.

Về phương án lâu dài, UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì việc khảo sát hệ thống thu gom nước thải xung quanh, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống, đề xuất phương án xử lí lâu dài bảo vệ môi trường và thoát nước, Ban Quản lí các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương hoàn thành các dự án cải tạo hạ tầng, cảnh quan khu vực xung quanh hồ…

Hồ nước xảy ra cá chết từng được ông Dũng "lò vôi" muốn tài trợ công nghệ xử lí ô nhiễm

Hồ Thạc Gián nằm trên đường Hàm Nghi, địa bàn quận Thanh Khê. Những năm trước, do qui hoạch, thiết kế hệ thống nước thải đô thị chưa đảm bảo nên các hồ nước ô nhiễm nặng.

Sau đó, bằng nhiều biện pháp xử lí, hai hồ này đã dần đảm bảo một số tiêu chuẩn nhưng còn ô nhiễm.

Hồ Thạc Gián từng được ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi Dũng "lò vôi") mong muốn được tự đầu tư, lắp đặt một công nghệ xử lí tình trạng ô nhiễm.

Sau khi thành công, ông Dũng "lò vôi" sẽ trao tặng lại cho chính quyền Đà Nẵng hồ sạch đẹp, một điểm đến tham quan sinh thái với điểm nhấn là đàn cá Koi được nuôi bằng nước đã xử lí trong hồ.

Tuy nhiên giữa ông Dũng "lò vôi" và chính quyền Đà Nẵng không đi đến ý kiến thống nhất triển khai nên ông Dũng hoãn ý định.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.