20 năm chiến đấu với ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh

Bắc Kinh tuyên chiến với nạn ô nhiễm không khí từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2013, thủ đô Trung Quốc mới thực sự hành động với các biện pháp mạnh tay và đồng bộ.

Một "cuộc chiến tổng lực" với nạn ô nhiễm không khí được triển khai từ năm 2013, sau 15 năm tuyên chiến, đã giúp Bắc Kinh cải thiện chất lượng môi trường đáng kể, dù các chỉ số vẫn còn cách xa tiêu chuẩn thế giới.

Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, hàm lượng PM2.5 (bụi mịn có đường kính 2,5 micromet trở xuống) đã giảm 35%, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) hồi tháng 3.

Cũng theo báo cáo này, hàm lượng PM2.5 tại khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc (thường được gọi tắt là Kinh Tân Hà, vùng trọng điểm kinh tế của Trung Quốc) đã giảm 25% trong cùng giai đoạn.

Cuộc khủng hoảng khói mù

"Không thành phố hay khu vực nào khác trên thế giới đạt được thành tựu như vậy", bà Joyce Msuya, quyền Giám đốc điều hành UNEP, nhận xét trong báo cáo. "Hiểu được câu chuyện ô nhiễm không khí của Bắc Kinh là điều rất quan trọng đối với bất kỳ quốc gia, thành phố, địa phương nào muốn đi theo con đường tương tự".

Từ năm 1998, Bắc Kinh đã tuyên chiến với nạn ô nhiễm không khí, chủ yếu xuất phát từ việc đốt than và xe cộ xả thải. Trong vòng 15 năm, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt biện pháp tập trung vào tối ưu hóa hạ tầng năng lượng, kiểm soát ô nhiễm do đốt than và kiểm soát khí thải xe cộ.

20 năm chiến đấu với ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh - Ảnh 1.

Bầu trời xám xịt đầy do khói mù dày đặc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Đến năm 2013, tình trạng ô nhiễm tuy có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. Một vài thời điểm trong tháng 1, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Bắc Kinh vượt xa mức được xem là vô cùng nguy hiểm, theo bài viết của nhà nghiên cứu Yanzhong Huang cho Hội đồng Đối ngoại, tổ chức nghiên cứu cố vấn chính sách có trụ sở tại New York, Mỹ.

Tính trên toàn Trung Quốc, tình trạng khói mù dày đặc xuất hiện ở 25/31 tỉnh thành, bao phủ hơn 100 thành phố lớn hoặc cấp trung, lan rộng trên diện tích 1,4 triệu km2 và ảnh hưởng đến hơn 800 triệu người.

Cuộc "khủng hoảng" khói mù này buộc chính phủ Trung Quốc khởi động "cuộc chiến tổng lực" với các biện pháp mạnh tay hơn và mang tính hệ thống, thông qua Kế hoạch hành động phòng chống ô nhiễm không khí giai đoạn 2013-2017, được ban hành vào tháng 9/2013.

Cụ thể, kế hoạch này đặt ra mục tiêu hàm lượng PM10 (bụi mịn đường kính 10 micromet trở xuống) tại các thành phố từ cấp địa khu trở lên phải giảm ít nhất 10% so với năm 2012, hàm lượng PM2.5 tại khu vực Kinh Tân Hà phải giảm khoảng 25%. Riêng đối với Bắc Kinh, hàm lượng PM2.5 phải giảm từ mức gần 90 xuống còn khoảng 60 microgram/m3 sau 5 năm theo kế hoạch.

Đây không phải những mục tiêu dễ đạt được. Thực tế, cho đến giữa năm 2017, một số chuyên gia môi trường Trung Quốc vẫn không dám chắc liệu Bắc Kinh có đạt được mục tiêu về PM2.5 hay không. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng phải mất thêm 2 hoặc 3 năm nữa.

Tuy nhiên, theo số liệu chính thức được công bố cuối năm 2017, Bắc Kinh dường như đã đạt được mọi mục tiêu lớn được đề ra trong kế hoạch hành động năm 2013. Ngoài việc hàm lượng PM2.5 giảm xuống còn 58 microgram/m3 (tương đương giảm 35,6% so với năm 2013), hàm lượng lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ điôxit (NO2), PM10 trong không khí cũng lần lượt giảm 70%, 18% và 22%.

Bắc Kinh đã làm điều đó như thế nào?

Kiểm soát tích hợp nguồn gây ô nhiễm

Theo báo cáo Nhìn lại 20 năm kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh của UNEP, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Bắc Kinh là: đốt than, khí thải xe cộ, khí thải công nghiệp và bụi từ đất (fugitive dust). 

Trong 20 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2013-2017, hàng trăm biện pháp cụ thể đã được thực hiện, với phương thức tiếp cận chuyển dần từ kiểm soát riêng lẻ nguồn gây ô nhiễm ở đầu cuối sang kiểm soát tích hợp các nguồn gây ô nhiễm.

Để kiểm soát ô nhiễm do đốt than, các biện pháp từ sử dụng than có hàm lượng lưu huỳnh thấp và trang bị thêm nồi hơi than có chức năng kiểm soát quá trình khử lưu huỳnh, cho đến từ bỏ than chuyển sang sử dụng khí tự nhiên, điện và các loại năng lượng sạch, chất lượng cao thay thế. Trong giai đoạn 2013-2017, mục tiêu đặt ra cho Bắc Kinh là cắt giảm 50% lượng tiêu thụ than đá.

20 năm chiến đấu với ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh - Ảnh 2.

Một người dân mang khẩu trang trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Đối với khí thải xe cộ, Bắc Kinh bắt đầu với việc thắt chặt tiêu chuẩn xả thải và tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, loại bỏ phương tiện đời cũ gây ô nhiễm, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng toàn diện. Sau đó, Bắc Kinh kêu gọi chuyển sang sử dụng phương tiện chạy bằng năng lượng mới (NEV) và trọng tâm trong việc kiểm soát ô nhiễm do xe cộ dần chuyển từ khí thải xe chạy xăng sang khí thải xe chạy diesel.

Đối với các nguồn xả thải công nghiệp, các biện pháp bao gồm cải thiện kiểm soát ô nhiễm đầu cuối, siết chặt tiêu chuẩn xả thải địa phương và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp đã được triển khai.

Để kiểm soát bụi từ đất, các công nghệ, quá trình kiểm soát bụi, luật lệ quản lý đã được thúc đẩy để giảm thiểu bụi từ các công trường, đường giao thông và đất hoang. Trong những năm gần đây, các chất hữu cơ dễ bay hơi liên quan đến cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như từ nhà hàng và garage sửa chữa ôtô, cũng đã được đưa vào diện kiểm soát ô nhiễm không khí.

Từ năm 2013, Trung Quốc cũng triển khai hệ thống theo dõi chất lượng không khí toàn quốc, công bố chỉ số AQI dựa trên PM2.5 theo thời gian thực ở 74 thành phố. Bằng việc biến ô nhiễm không khí trở thành vấn đề có thể định lượng, có thể quan sát và không thể phủ nhận, hệ thống mới có thể giúp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ hiệu quả của các chính quyền địa phương trong việc triển khai chính sách.

Tuy nhiên, theo ông Dự Kiến Hoa, Phó cục trưởng Cục Sinh thái và Môi trường Đô thị Bắc Kinh, dù thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, vẫn còn nhiều việc phải làm.

"Hiện tại, hàm lượng PM2.5 tại Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia và còn cách khá xa mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những đợt ô nhiễm nặng vẫn xảy ra trong mùa thu và mùa đông", ông nói.

Theo tiêu chuẩn của WHO về cải thiện chất lượng không khí, hàm lượng PM2.5 trong giai đoạn một là 35 microgram/m3 và trong giai đoạn 2 là 25 microgram/m3 (ngang các nước Liên minh Châu Âu).

"Giải quyết tất cả vấn đề về chất lượng không khí sẽ là một quá trình lâu dài", ông Dự nói.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.