Đồng Nai: Đề xuất quy hoạch hai vị trí xây cầu nối Biên Hòa với TP HCM và Bình Dương

TP Biên Hoà đề xuất quy hoạch hai vị trí xây cầu kết nối với TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận 9,TP Thủ Đức (TP HCM) trong tương lai.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển, TP Biên Hoà đã kiến nghị đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm hai vị trí xây dựng các cầu đường bộ kết nối đô thị này với TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung quy hoạch, trong thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP HCM, hình thành 30 cảng hàng không.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai có hai cảng hàng không là Long Thành (Cảng hàng không quốc tế) và Biên Hoà (Cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch thành Cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng.

Cầu Nhơn Trạch đang xây dựng nối TP Thủ Đức, TP HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Việc sân bay Biên Hoà được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng sẽ tạo thêm động lực trong phát triển kinh tế, xã hội cho TP Biên Hoà nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung. Song điều này cũng đặt ra bài toán về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khi sân bay Biên Hoà được khai thác lưỡng dụng.

Hiện nay, đối với TP Biên Hoà, việc kết nối giao thông với Sân bay Biên Hoà gần như phụ thuộc phần lớn vào tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ. Do đó, khi sân bay Biên Hoà được khai thác lưỡng dụng, áp lực giao thông dồn lên tuyến đường này sẽ rất lớn.

Chính vì vậy, để sẵn sàng cho việc khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hoà, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP Biên Hoà cần có sự rà soát để đề xuất đầu tư thêm các tuyến giao thông kết nối mới phục vụ nhu cầu trong tương lai.

Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hoà cho biết, trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, TP Biên Hoà cũng đã có lưu ý và đề xuất đưa vào quy hoạch vị trí xây dựng cầu kết nối giữa TP Biên Hoà và TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương tại khu vực bến đò Xóm Lá, phường Bửu Long.

Việc xây dựng thêm cầu đường bộ tại vị trí này sẽ tạo thêm tuyến kết nối mới giữa TP Biên Hoà và tỉnh Bình Dương, từ đó, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ khi Sân bay Biên Hoà được đưa vào khai thác lưỡng dụng.

Cũng nằm trong chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối phục vụ phát triển, trong góp ý vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Biên Hoà cũng đề xuất bổ sung thêm vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực xã Long Hưng với quận 9, TP Thủ Đức (TP HCM).

Theo UBND TP Biên Hoà, đối với việc xây dựng thêm cầu đường bộ kết nối giữa TP Biên Hoà và TP HCM, Sở GTVT tỉnh cũng đã có các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng TP HCM. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất được thêm các vị trí kết nối mới.

Đối với khu vực xã Long Hưng, đây là khu vực đang phát triển mạnh các chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP Biên Hoà.

Để phục vụ phát triển, dự án đầu tư xây dựng Hương lộ 2 nối dài và cầu Vàm Cái Sứt hiện cũng đang được triển khai thực hiện. Song tuyến kết nối này cũng chưa đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP Biên Hoà với TP HCM mà vẫn phải thông qua tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Do đó, TP Biên Hoà vẫn đang mong muốn đưa vào quy hoạch một vị trí để phục vụ xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực Long Hưng với quận 9, TP Thủ Đức (TP HCM) trong tương lai.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch tỉnh lần này có tầm nhìn đến năm 2050, rất dài hạn. Có thể đến năm 2030 hoặc 2045 chưa thể đầu tư xây dựng được cầu đường bộ kết nối khu vực Long Hưng với quận 9 nhưng quy hoạch đến 2050 thì cần bổ sung, đưa thêm vào quy hoạch vị trí này.

"Quy hoạch tỉnh sẽ được trình các bộ, ngành trung ương xem xét thì cần bổ sung thêm vị trí này để các bộ, ngành thấy được sự cần thiết phải đầu tư trong tương lai. Từ đó, Đồng Nai có cơ hội để thực hiện sau này, bởi nếu không đưa vào quy hoạch tỉnh lần này thì 20 hay 30 năm sau chúng ta sẽ không có cơ sở để thực hiện”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Về phương án kết nối giao thông TP HCM với tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa qua đã đề xuất thời điểm đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau năm 2030, sau khi hoàn thành đường liên cảng tại khu vực này.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng đề xuất cầu kết nối khu nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch (cầu Phú Mỹ 2) có hướng tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi dọc đường Hoàng Quốc Việt (quận 7), kết nối Khu dân cư Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch). Quy mô đầu tư cầu Phú Mỹ 2 là 6 làn xe, xây dựng giai đoạn 2026 - 2030.

Với cầu Đồng Nai 2 kết nối TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai), Sở GTVT đề xuất hướng tuyến bắt đầu từ đường vành đai 3 tại vị trí nút giao Gò Công (giao với đường nhánh nối từ Vành đai 3 ra xa lộ Hà nội), kết nối với ĐT 777B theo quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành.

chọn
Nhóm Lã Vọng sẽ làm gì tại Khu đô thị Đại học Nam Cao vừa về tay?
Địa ốc Phát Đạt và Amazon River, những thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Lã Vọng vừa công bố những thông tin đầu tiên về dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam.