Trước khó khăn của thị trường bất động sản, UBND tỉnh Đồng Nai đang phân loại để tháo gỡ vướng mắc các dự án địa ốc trên địa bàn.
Đây là những dự án được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn từ 1/7/2014 đến năm 2021. Phần lớn các dự án vướng mắc liên quan đến pháp lý giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, hạ tầng xã hội dự án...
Theo tỉnh này, do pháp luật đất đai trước đây không quy định cụ thể, nhiều dự án khu dân cư, nhà đầu tư đã ứng tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thành công tác này, nhà đầu tư mới nộp hồ sơ đề nghị giao đất. Khi được giao đất, UBND tỉnh tổ chức xác định giá đất cụ thể làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.
Tuy nhiên, các kết luận của Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng sau khi nhà đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì khu đó là đất sạch và việc giao đất phải thực hiện theo cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất. Từ các quan điểm áp dụng quy định pháp luật đất đai khác nhau nên nhiều dự án khu dân cư hiện tại không thể đầu tư và xây dựng.
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, phân loại, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ. Trong đó nhiều dự án lớn, lãnh đạo tỉnh đã gặp mặt trực tiếp để lắng nghe, tìm hướng tháo gỡ khó khăn.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có đơn kiến nghị xem xét tháo gỡ các vướng mắc để các công ty tiếp tục thực hiện dự án và có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai.
"Chúng tôi đang đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên cuối năm 2020 đến nay, trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, các dự án đều bị thông báo tạm ngưng với lý do chờ giải trình một số vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Vì lý do này, nhiều dự án bị chậm tiến độ, làm ảnh hưởng lớn đến họat động kinh doanh của doanh nghiệp", đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho biết.
Hai tháng trước, Thủ tướng có công điện yêu cầu các địa phương cần thống kê, phân loại các dự án gặp vướng mắc, chủ động tìm nguyên nhân để gỡ khó cho dự án bất động sản. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, công điện cho biết cần sớm gửi về Tổ công tác của Thủ tướng để giải quyết. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch; công khai danh mục dự án đấu thầu để doanh nghiệp tham gia.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.