Dự án BT của Tasco mất gần 10 năm mới thực hiện xong. (Ảnh: Di Linh).
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm của hàng loạt dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao). Tại kì họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, một số đại biểu cũng đưa ra nhiều bất cập.
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cơ chế đổi đất lấy hạ tầng được xem là sáng kiến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ những năm 90.
Vị này cho biết, đến năm 2009, Chính phủ ban hành nghị định thực hiện các dự án BT và Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục cơ chế đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng, chấp nhận cơ chế dự án BT.
"Đến nay, hàng loạt dự án BT được nhiều nhà đầu tư đề xuất ở Hà Nội, TP HCM", đại biểu Bình nói.
Cũng theo ông Bình, ưu điểm của loại hình này tạo điều kiện phát triển nhanh hệ thống hạ tầng cả về đời sống xã hội, môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức BT là thay vì trả cho nhà đầu tư bằng công trình hạ tầng, bằng tiền thì nhà nước trả bằng tài sản công.
"Trên thực tế, những dự án BT giao cho nhà đầu tư thực hiện nơi thì chậm tiến độ, nơi đội vốn.
Có dự án doanh nghiệp đã nhận quĩ đất đối ứng rồi mải mê tiến hành xây dựng, phân lô, bán nền bỏ quên phần hạ tầng giao cho nhà nước, điều này xuất phát từ khung pháp luật giao cho BT còn nhiều bất cập.
Đến nay, dự án BT qui định ở nhiều văn bản pháp luật nhưng còn nhiều khoảng trống và còn chồng chéo", ông Bình nêu quan điểm.
Cụ thể, vị này cho biết, Luật Đất đai 2013 qui định về việc nhà nước giao đất cho nhà đầu tư quản lí đất không có qui định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
Nghị định số 43/2014 cũng chỉ qui định về việc nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không có qui định về loại đất đem đổi và xác định giá trị đất đem đổi.
Theo đại biểu tỉnh Trà Vinh, việc giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi hoàn thành công trình hạ tầng là không phù hợp về cơ chế nhà nước quy hoạch hạ tầng, đấu giá khu đất để trả cho nhà đầu tư lấy tiền xây dựng hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
"Về nguyên tắc, đất đai cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng đã được hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập, lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể.
Tuy nhiên, Nghị định số 15 cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai công trình xây dựng hạ tầng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT. Qui định như vậy chứa đựng nguy cơ thất thoát tài sản đất đai", ông Bình phân tích.
Đường BT trục Nam Hà Nội. (Ảnh: Di Linh).
Còn theo đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận), báo cáo giám sát, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, đại biểu Hải cho biết qua nghiên cứu qui định của pháp luật hiện hành, vị này nhận thấy ngay cả việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu còn tồn tại những vấn đề pháp lí chồng chéo.
"Cụ thể, pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo dự án BT, theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 30 qui định ngoài yếu tố năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thì việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu dựa trên kết quả đấu thầu công trình chính", đại biểu Hải cho hay.
Về bất cập của hình thức BT, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng nêu ra nhiều bất cập như xác định giá quyền sử dụng đất của quĩ đất thanh toán cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định.
"Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà thầu theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì kêu gọi bằng hình thức BT là cần thiết nhưng hiện nay chưa có luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng chưa ban hanh được nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện BT.
Việc thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lí và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần nghiên cứu, hoàn thiện ngay", ông Hàm nói.
Nhiều dự án BT chậm tiến độ. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, với việc đầu tư theo hình thức BT cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm hoàn thiện các qui định của pháp luật về đầu tư.
"Nội dung của nghị định cần có qui định về điều kiện, phạm vi áp dụng, nội dung hợp đồng BT, qui trình đánh giá chất lượng hạ tầng và định giá hạ tầng, yêu cầu về thẩm định giá đất và tài sản gắn liền đem đổi lấy hạ tầng áp dụng cho trường hợp đấu thầu dự án BT không thành công.
Mặt khác, cần giới hạn phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư.
Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.
Tại các địa phương này không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ và sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng", ông Bình nói.
Cũng theo vị này, về điều kiện áp dụng, cần có qui định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT.
Với loại hình này, cần bổ sung cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất vào Luật Đất đai với phương thức chấm thầu vòng 1 về giải pháp công nghệ, chấm thầu vòng 2 về giấy phép đất đai cần sử dụng.
"Trường hợp đấu thầu thành công thì diện tích đất công hoặc tài sản công đem đổi được xác định theo kết quả thắng thầu và dự án BT được quản lí theo đúng qui định pháp luật", ông Bình nêu ý kiến.
Theo đại biểu tỉnh Trà Vinh, cần có qui định cụ thể về nội dung được đề cập trong hợp đồng thực hiện dự án BT giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
Đơn cử như không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị.
"Hơn nữa, mọi dự án công tư đối tác phải được công khai toàn bộ có sự giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có liên quan", đại biểu Bình nhấn mạnh.