Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (nhà đầu tư là Tasco) theo hình thức BT bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm. (Ảnh: Di Linh).
Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không qui định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các qui định hiện hành.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành kiểm toán 7 dự án BT và cho biết hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; đề xuất dự án không thông qua HĐND. Đơn cử như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Cũng theo đơn vị này, có dự án lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính như Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (nhà đầu tư là Tasco).
Có dự án thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Đơn cử là các dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; Dự án phân kì đầu tư giai đoạn 1 - Xây dựng công trình đường HCM đoạn La Sơn - Túy Loan; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Thậm chí dự án BT có điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ; đặc biệt có hợp đồng kí sai qui định gây thất thoát NSNN 282,92 tỉ đồng.
Cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng Nút giao thông trung tâm quận Long Biên. Dự án này chưa quy định cụ thể hình thức thưởng phạt khi vi phạm tiến độ, giá trị và phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất, lịch biểu giao đất của dự án khác.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, với 7 dự án BT được kiểm toán, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật đất đai.
Bên cạnh đó, việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT và có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa giao đất.
Đáng chú ý là việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát NSNN. Đơn cử như Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương.
Với dự án này, do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp NSNN khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lí, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.
"Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN", Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Ngoài ra, các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện; tính lãi vay trên phần vốn không phải đi vay vào quyết toán không theo quy định hợp đồng; xác định lãi vay chưa chính xác; sử dụng vốn dự án thanh toán một số chi phí chưa phù hợp quy định.
(Ảnh minh họa: Di Linh).
Liên quan đến quá trình xây dựng nghị định thanh toán BT, theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, phương thức đầu tư theo BT đã được thực hiện thực tế từ trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lí tài sản công.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lí hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý là theo ông Dũng, trong quá trình soạn thảo, có một số khó khăn vướng mắc.
Về vướng mắc thứ nhất, Bộ trưởng Tài chính cho biết phải bảo đảm nguyên tắc về ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
"Nguyên tắc ngang giá đã được qui định tại Luật Quản lí sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã kí trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi xử lí phù hợp để qui định vào nghị định", Bộ trưởng Tài chính nói.
Thứ hai là việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật.
Được biết, theo quy định của Luật Đầu tư, giá trị dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản và thực hiện đấu giá.
"Tuy nhiên, đối với quĩ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT, nhà nước đóng vai trò là bên mua, nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán.
Còn đấu giá tài sản công thì nhà nước đóng vai trò là bên bán, nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua.
Pháp luật hiện hành không có qui định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá bán đối với cùng một dự án", ông Dũng cho hay.
Thứ ba là về giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xác định theo giá thị trường.
Theo Bộ trưởng Tài chính, thực tế cho thấy, việc xác định giá đất cụ thể trong thời gian vừa qua chưa đạt được mục tiêu của nguyên tắc này, đa số thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng.
Điều này có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân về phương pháp xác định giá đất, cả nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và xác định giá đất còn bất cập.
Thứ tư là về thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất.
Với vấn đề này, ông Dũng cho biết theo qui định của pháp luật về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch, tức là đất đã giải phóng mặt bằng, trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT.
"Thực tế đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư, quỹ đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điền kiện đưa ra đấu giá", Bộ trưởng Tài chính cho hay.