Thông tin được ông Trần Nhân, Giám đốc quản lý dự án, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), cho biết ngày 3/3, sau gần hai tháng khởi động lại công trình. Dự án này trước đó bị dừng hơn một năm do nhà thầu cũ thi công ì ạch, phải tìm đơn vị mới tiếp tục triển khai.
Theo chủ đầu tư, toàn bộ công trình hiện đã hoàn thành hơn 70% khối lượng. Nhà thầu thi công mới là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thịnh Phát sau khi được chọn hồi tháng 1 năm nay có thời hạn 270 ngày để hoàn tất các phần việc còn lại.
"Tuy nhiên, chúng tôi vận động đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành trước dịp 30/4 giúp chống ngập cho khu vực trước khi mùa mưa bắt đầu", đại diện chủ đầu tư nói.
Đường Võ Văn Ngân là một trong tuyến giao thông chính ở TP Thủ Đức. Trong đó, đoạn dẫn vào chợ Thủ Đức có độ dốc lớn, hệ thống thoát nước lại xây dựng từ lâu, không đủ khả năng tiêu thoát khiến đường thường ngập nặng, nước chảy xiết ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt của người dân. Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mới được địa phương triển khai từ năm 2020, dài gần 2,5 km với kinh phí hơn 248 tỷ đồng nhưng quá trình thi công trình ì ạch. Nhà thầu xây lắp cũ của dự án này sau đó đã bị dừng hợp đồng thi công.
Ngoài công trình trên, dự án chống ngập khác ở khu vực đường ray xe lửa gần đó cũng được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho biết đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành cuối tháng 4. Công trình này làm hệ thống cống hộp trên đoạn dài 1,6 km gần đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, vốn đầu tư hơn 163 tỷ đồng. Đây là điểm thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn.
Theo chủ đầu tư, dự án này còn một số hạng mục nhỏ nhưng do thi công trong phạm vi đường sắt, chủ yếu làm thủ công nên thời gian lâu hơn so với một số phần việc sử dụng các thiết bị, phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, các đơn vị đang cố gắng hoàn thành trước khi thành phố bước vào mùa mưa để hạn chế ngập úng, ảnh hưởng đời sống người dân.
TP Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức cũ. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, sau ba năm thành lập, thành phố phía Đông TP HCM chưa có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM đề xuất triển khai dự án quản lý rủi ro ngập lụt ở địa bàn này, tổng vốn đầu tư ước tính 430 triệu USD (hơn 9.900 tỷ đồng) từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước. Khi được thông qua và hoàn tất công tác chuẩn bị, dự án sẽ triển khai giai đoạn 2026-2030, ngoài chống ngập sẽ góp cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống người dân ở khu vực.