Dự án 'tỷ đô' của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế

Những người nông dân xã Long Hưng, dù 10 năm nay đã là “nông dân không ruộng”, vẫn giữ nguyên đặc trưng nông dân Nam bộ: Hiền hậu, nhưng khi đã bị áp bức đẩy vào tình cảnh “con giun xéo mãi cũng quằn” thì sẽ phản kháng đến “còn cái lai quần cũng đánh”. Bà Lê Thị Sáng (SN 1954, ngụ ấp Phước Hội), một người bị dự án của Dona.Coop lấy đất, là trường hợp điển hình như vậy.
du an ty do cua donacoop day hang ngan dan vao canh dieu tan buoc duong cung cua ba lao day lui ba cuoc cuong che 92363

Diện tích hơn 2.000m2 đất và năm căn nhà của bà Sáng chỉ được áp giá bồi thường 816 triệu

Trong các cuộc gặp với đoàn nhà báo về Long Hưng tìm hiểu, ghi nhận sự việc, khác với những nông dân mất đất khác người bật khóc, người lạc giọng bức xúc, người gay gắt chen ngang đòi nói, có một bà lão mái tóc bạc cắt ngắn thường hiền lành ngồi một góc, dường như từ tốn chờ đến lượt mình trình bày. Phải đến khi có người giới thiệu: “Bả là “bà già gân”, một mình đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế”, ai nấy mới bất ngờ.

Đền bù nhà với giá… xà bần

Bà Sáng vốn “con nhà nòi” cách mạng. Mẹ chồng, mẹ đẻ bà đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân vợ chồng bà cũng tham gia kháng chiến. Chồng bà thời chống Mỹ là đặc công rừng Sác (Cần Giờ, TP HCM), được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Bản thân mình, bà cho hay hoạt động bí mật từ thời thiếu nữ, được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Bà bảo đánh với Mỹ, súng thật, đạn thật, sống chết mong manh, bà không ngán. Nay “đánh” với “dự án bẩn”, bà thà ở tù, chứ không giao một tấc đất.

Chiến tranh kết thúc, năm 1976, vợ chồng bà trở về Long Hưng khai phá được thửa đất hơn 2.000m2, sau này xây nên căn nhà khang trang 200m2, cùng bốn căn nhà khác của gia đình các con. Thửa đất hai mặt tiền, một mặt nằm sát con đường đang xây nối xã với dự án sân bay Long Thành.

Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) ra đời. Cũng như hàng ngàn hộ dân xã Long Hưng, gia đình bị thu hồi hết đất. Thông báo “bồi thường đền bù hỗ trợ” cho hay công sức, mồ hôi, nước mắt gom góp cả nhà cả đời tạo dựng, được bồi thường 816 triệu đồng.

Bà cho biết có nhiều lý do không chấp nhận giao đất. Thứ nhất, giá bồi thường rẻ mạt. Chỉ riêng một căn nhà lớn, trước gia đình xây dựng đã tốn 30 lượng vàng (tương đương 1 tỷ đồng hiện nay), nhưng được định giá chỉ 150 triệu. Đền bù vậy khác gì coi nhà bà như đống xà bần.

Thứ hai, chính sách tái định cư vô cùng bất hợp lý: “Họ cấp cho gia đình má một lô đất tái định cư. Trong khi má có năm đứa con lớn đều đã lấy vợ, lấy chồng, khu đất nhà má có năm căn nhà. Bắt hàng chục người ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chui rúc trong một căn tái định cư 100m2, ai chịu nổi”. Chưa hết: “Họ phát cho cái nền đất mà có cho má tự xây đâu. Má muốn xây phải nộp tiền lên đất thổ cư. Sau đó, nộp thêm từ 150 triệu đến 650 triệu. Nộp đủ, không thiếu một đồng thì họ mới xây nhà cho. Như vậy má thiệt đơn, thiệt kép, bị làm tiền từ khâu đầu đến khâu cuối”. Ở căn nhà bà đang giữ được, vườn rộng, nuôi gà, nuôi cá, trồng cây ăn trái trang trải tiền sinh hoạt hàng ngày. Bà còn xây cái quán nhỏ cho thuê bán hàng. Vào khu tái định cư rồi làm gì ăn?

Thứ ba, bà tố cáo có sự nhập nhèm, sai quy định, thiếu căn cứ pháp lý trong dự án hương lộ 2 lấy đất nhà bà (là một dự án thành phần trong dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”). Mọi giấy tờ liên quan đến thu hồi nhà đất, bà không ký nhận.

Hôm chính quyền và chủ đầu tư đến nhà đo đạc, kiểm đếm tài sản, bà đang đi ghe ở sông Đồng Nai bán hàng. Về nhà, nghe con gái kể lại dù không mở cổng, đoàn người vẫn xô rào vào kiểm kê, bà lặng người, biết bi kịch như gia đình ông Phan Văn Hoa (PLVN đã phản ánh trong kỳ 1 loạt bài) sẽ đến với nhà mình.

Làm gì đây? Những ngày sau đó bà nghỉ bán hàng, chiều chiều ngồi bắc ghế nơi hiên nhà trầm ngâm bên người chồng bị bệnh nằm liệt. Căn nhà thân thương bà thuộc đến từng vết sứt mỗi viên gạch nền. Mỗi cây trong vườn bà còn nhớ trồng dịp nào, năm nào. Rồi cả gia đình, con cháu sẽ đi đâu về đâu? Mỗi lần nghĩ đến tương lai là nghẹt thở. Bà âm thầm lên một kế hoạch.

du an ty do cua donacoop day hang ngan dan vao canh dieu tan buoc duong cung cua ba lao day lui ba cuoc cuong che 92363

Bà Sáng 64 tuổi từng đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế

“Thà đi tù còn hơn bị cướp đất”

Chiều vắng lặng. Gió từ bờ sông thổi lên mơn man, xao xác lá cây vườn. Hàng dừa trĩu quả đổ bóng trước sân theo nắng chiều. Căn nhà đồ đạc ngăn nắp, từng cái ly uống nước đều được cẩn thận cọ rửa sạch bong. Bà lão tóc bạc gương mặt hiền hậu ngồi bên thềm. Ai dám nghĩ bao nhiêu giông bão mang tên “cưỡng chế” đã đi qua đây.

Giọng bà nhẹ tênh: “Chiến tranh hết rồi, mà có những lúc căng thẳng quá chiến tranh. Đường cùng má mới làm vậy thôi. Tính đến nay, nhà má bị ba lần cưỡng chế. Ba lần má đều đẩy lùi. Má quánh (đánh) theo kiểu du kích nên tụi nó không xông vào được. Má biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng đường cùng rồi. Má chấp nhận ở tù. Má phải bảo vệ nhà, bảo vệ tài sản, bảo vệ mồ hôi, nước mắt cả đời. Dự án là sai nên má mới bảo vệ tài sản của má. Má không chống đối chính quyền, má chỉ bảo vệ nhà mình. Má chấp nhận đánh chết bỏ, một là mình chết, hai là “nó” chết”.

“Lần thứ nhất vào ngày 5/8/2012. Trước ngày cưỡng chế, má lặng lẽ như không có chuyện gì. Chính quyền cho người theo dõi nhà má gắt gao. Căn nhà phía đối diện nhà má kia kìa, là nhà một người hàng xóm sợ bị cưỡng chế nên đã giao đất rời đi. Tụi nó lấy nhà đó làm trụ sở văn phòng ấp để tiện theo dõi má đêm ngày”.

“Đề phòng bị cắt điện, má mua sẵn mấy chiếc ná thun, bẻ dây sắt làm “đạn”. Má sang văn phòng ấp, chỉ mặt từng đứa: “Má có ký hợp đồng mua bán điện với Nhà nước. Hợp đồng còn đây. Tụi bay chắc biết tài bắn ná thun của má, đứa nào dám trèo lên cột cắt điện, má bắn gãy giò”.

“Má rào lưới B40 xung quanh vườn. Cứ đêm đêm cặm cụi chuẩn bị các thứ trong nhà. Đêm trước khi đoàn cưỡng chế đến, má thức trắng, mang củi, chà, lá dừa, vật liệu dễ cháy, chất từng ụ xung quanh nhà. Má trữ sẵn 100 lít xăng, ngoài sân 30 lít, trong nhà 40 lít, sau vườn 30 lít.

Mấy căn nhà, má đã chuẩn bị sẵn nhiều bình gas lớn nhỏ vùi trong củi. Tụi nó vào là má phát hỏa. Quánh (đánh) xong bỏ. Cháy sạch nhà cũng được. Má chết cũng được, đi tù cũng được. Còn đỡ khổ hơn bị cướp đất, bị đẩy vào khu tái định cư”.

“Sáng sớm hôm ấy, má bảo các con khiêng cha tụi nó nằm liệt giường đi gửi nhà người thân. Mấy đứa con, má phân công đứa lên nóc nhà, đứa bên hông, đứa sau vườn. Mỗi đứa một góc. Má ôm can xăng ngồi sân chờ sẵn”.

“Lần thứ nhất, lực lượng cưỡng chế hung hăng lắm. Xe cộ rầm trời, cả trăm người bao vây. Má không mở cổng. Tụi nó xếp thành hàng hô lớn “1, 2, 3” định phá cổng nhào vô. Tụi nó hô thì má cũng hô “xông ra”, vừa tưới xăng lên các ụ củi, tay giơ hộp quẹt: “Tụi bay vào thì đừng trách”.

“Tụi nó điều xe múc phá rào. Cái xe lừ lừ tiến đến, má xách gậy tầm vông lao ra. Cậu lái xe còn trẻ lắm, cỡ hăm mấy tuổi. Má la lên: “Con ơi, đây là dự án cướp đất dân. Nếu bị lấy đất, chắc cả nhà má chết. Vậy hoặc má chết, hoặc con chết. Con làm thuê cho chúng được mấy trăm ngàn, đáng mất mạng không”. Má phóng gậy tầm vông đánh vù, cố ý phóng vào phần sắt trên xe. Cậu lái xe nhảy xuống chạy mất”.

“Thấy má làm dữ, tụi nó rút lui”.

“Lần thứ hai, ngày 5/6/2013, má vót thêm nhiều gậy tầm vông. Bí thư xã đứng ngoài cổng gọi với vào: “Chị Sáng cho tụi em vào nhà thương lượng”. Cô này ngày hoạt động cách mạng, chính má dắt vào thành. Má trả lời: “Tụi bay kéo cả bầy cả lũ trăm người đến áp chế bà già mà nói thương lượng cái gì. Tụi bay tình nghĩa đã không làm thế. Tao xin thương lượng bao nhiêu lần có cho đâu. Giờ kéo quân đến rồi nói thương lượng là sao?”. Chúng kéo nhau về”.

“Lần thứ ba sau đó hai tháng, vào tháng 8/2013. Má ôm can xăng, tuyên bố: “Hoặc tao chết, hoặc tụi bay chết”. Ai chết thì dự án của nó cũng ngưng. Dự án vừa trái pháp luật, vừa tai tiếng nếu có người chết. Lần này má còn chuẩn bị thêm “đồ chơi” khác. Đồ chơi ấy là gì hả? Bí mật! Má không nói được. Ba lần đem quân đến cưỡng chế, tụi nó đều không vào được nhà má”.

“Dự án thì sai, vậy mà địa phương cố tình bao che tiếp tay. Từ sau lần thứ ba tới giờ, không thấy nói gì chuyện cưỡng chế nhà má nữa. Chắc tụi nó cũng ngán”.

“Các con sợ chuyện này đưa lên báo thì má bị bắt hả? Các con cứ giúp má đưa chuyện này lên. Làm thế là giúp má. Mất đất, mất nhà mới là mất tất cả. Trước khi quánh (đánh) tụi nó, má đã chấp nhận có thể ở tù rồi”.

“Các con sợ chuyện của má lên báo sẽ kích động mọi người hả? Trời ơi phải đưa lên báo mới là giúp dân con ơi. Chuyện này cả xã Long Hưng ai cũng biết, có khi nhiều nhà đã chuẩn bị “đồ chơi” như má. Má chỉ sợ Trung ương không biết chuyện, dân sẽ “tự xử”, càng thêm điêu tàn”.

Mười năm Dona.Coop thực hiện Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, tại địa phương này không chỉ có những thực tế đau lòng đã xảy ra như loạt bài PLVN đã phản ánh. Khi lòng dân oán thán, sức chịu đựng đã cạn kiệt, sự việc như đám lá khô nếu có mồi lửa sẽ bùng lên. “Mồi lửa” ấy cũng đã đến từ hành động gây hấn kích động của một nhóm người lạ, dẫn đến cuộc bắt bớ oan nghiệt quy mô lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam: Một đêm bắt 680 nông dân, tuyên án 46 người, trong đó không ít người đến bây giờ vẫn thảm thiết kêu oan.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.