Không ở tâm dịch, cuộc sống của người Việt ở Hàn Quốc không nhiều xáo trộn
Duy Lộc (24 tuổi, quê Nghệ An), hiện đang là nghiên cứu sinh ở thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc, cách tâm dịch Covid-19 Daegu 100km về hướng Đông Nam.
"Theo tôi được biết Chungcheongbuk hiện có gần 7.000 người Việt Nam đang cư trú. Ở Daegu và một số khu vực lân cận đã "nội bất xuất ngoại bất nhập" rồi. Nơi tôi ở không phải tâm dịch nên nhìn chung ổn hơn một chút", Lộc nói.
Lộc cho biết, ở Việt Nam, trước khi xảy ra dịch, việc đeo khẩu trang là một thói quen hàng ngày với nhiều người, nhưng ở Hàn Quốc người dân rất hiếm khi đeo khẩu trang ra đường.
"Dù môi trường ở Hàn Quốc khá sạch, tuy nhiên người dân không ý thức được rằng, việc đeo khẩu trang còn có tác dụng ngăn ngừa những căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Virus Covid-19 lại có đặc điểm lây lan chéo với tốc độ rất nhanh, đến lúc dịch bệnh bùng phát mới tìm mua khẩu trang thì rất khan hiếm", Lộc bày tỏ quan điểm.
Theo Lộc, không chỉ khẩu trang y tế mà khẩu trang vải cũng rất khó để tìm mua. Mặt khác, mặt hàng khẩu trang ít được bày bán ở các hàng quán thông thường, mà phần lớn người mua phải đặt hàng qua mạng.
Vì không phải vùng tâm dịch nên hiện tại, Lộc vẫn đến nơi làm việc hàng ngày: "Phòng nghiên cứu của tôi ít người, vệ sinh sạch sẽ, nguy cơ lây nhiễm là không cao nên hiện tại mọi công việc vẫn hoạt động như bình thường."
Văn Sáng (24 tuổi), du học sinh ở Incheon cho biết, chính phủ có cập nhật tình hình, cảnh báo dịch hàng giờ và gửi về điện thoại, tuy nhiên chỉ áp dụng với những ai sử dụng điện thoại của Hàn Quốc sản xuất. Ứng dụng bản đồ các vùng dịch cũng được cung cấp để mọi người cập nhật.
"Tôi được biết thậm chí có trường hợp ở nhà tự cách li thay vì đến bệnh viện khám và chữa trị. Nhiều bệnh viện thời điểm này cũng đang quá tải do sự bùng phát dịch chóng mặt. Ở khu tôi đã có 4 người nhiễm bệnh", Sáng cho hay.
Hiện tại, Sáng đang trải qua kì nghỉ đông của học sinh, sinh viên ở Hàn Quốc và trở lại trường vào đầu tháng 3. Tuy nhiên với tình hình dịch hiện nay, khả năng cao thời điểm nhập học sẽ bị lùi lại đáng kể.
Đường phố Hàn Quốc những ngày qua. (Ảnh: Hoàng Huy).
"Cả tuần nay tôi chỉ mới ra ngoài một lần để mua thực phẩm trong những ngày tới. Đường phố vắng vẻ và thưa thớt đi rất nhiều, giá cả tăng nhưng không đáng kể, nhiều người cũng có xu hướng giống tôi mua nhu yếu phẩm tích trữ vì lo sợ dịch bệnh kéo dài", Sáng cho hay.
Khánh Linh (20 tuổi), sinh viên trường Đại học Quốc gia Changwon hiện cũng đang trong kì nghỉ đông nên cuộc sống không có quá nhiều xáo trộn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Linh cùng những người bạn Việt Nam của mình đều hạn chế ra ngoài và không tránh khỏi tâm lí hoang mang, lo lắng.
"Những ngày qua, tôi cập nhật tin tức rất thường xuyên. Khi gọi thử cho đường dây nóng của đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, họ bảo tôi yên tâm và sẵn sàng hỗ trợ trong bất cứ trường hợp nào. Không chỉ đối với tôi mà với rất nhiều người Việt đang ở Hàn Quốc, đại sứ quán là cầu nối đáng tin cậy nhất ở thời điểm này," Linh chia sẻ.
Hiện có khoảng 200.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Riêng ở hai vùng tâm dịch Daegu và Gyeongbuk lần lượt là 8.285 và 18.502 người.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt Nam tại Hàn Quốc không nên di chuyển đến hoặc đi qua các vùng dịch, đồng thời đề nghị chính phủ nước này có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người Việt Nam, đặc biệt ở các khu vực có dịch.
Đường dây nóng cũng đã được mở để công dân Việt Nam tại Hàn Quốc có thể liên lạc trong trường hợp cần thiết:
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: +82 106 315 6618.
Tổng đài Bảo hộ công dân: +84 981 84 84 84.
Tính đến 9h30 sáng nay, Hàn Quốc đã có 1.595 người bị nhiễm bệnh, trong đó 13 người tử vong, chỉ mới 24 người hồi phục.