Không ít người phải bỏ về nước
Nguyễn Thị Liên, 25 tuổi, Vĩnh Phúc là một trong những người nuôi ước mơ được đi du học tại Nhật Bản khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, chị quyết định sang Nhật học và sinh sống.
"Để sang Nhật du học, ngoài việc chuẩn bị về kiến thức, thì bạn cũng phải có một khoản tài chính từ 200 đến 300 triệu tiền Việt. Số tiền ấy sẽ chi trả học phí, tiền nhà và chi tiêu tiết kiệm cho bạn trong 2 đến 3 tháng đầu tiên. Sau đó, bạn sẽ được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Thời gian đầu sẽ rất khó khăn, vốn ngoại ngữ bị hạn chế, mối quan hệ không có. Tôi đã chứng kiến cảnh không ít bạn trẻ đã phải bỏ về vì mệt mỏi, stress, không thể sống tự lập...
Để vượt qua giai đoạn này bạn cần phải học tính kiên trì, chịu khó trau dồi vốn từ tiếng Nhật qua việc đi làm thêm, giao tiếp với người Nhật hàng ngày", chị Liên chia sẻ.
Một nhóm du học sinh trong giờ giải lao khi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nguyễn Thị Liên sống ở thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa. Chị cho biết, Kawasaki cũng như nhiều nơi khác tại Nhật đều có nhiều công việc mà sinh viên rất dễ tìm như ở xưởng cơm, xưởng rau, xưởng thịt...
"Một ngày tôi học 4 tiếng buổi sáng, buổi chiều đi làm 4 tiếng, cuối tuấn được nghỉ thì làm từ sáng đến tối. Có nhiều bạn, vì muốn nhanh trả nợ khoản tiền ba mẹ đã chuẩn bị cho sang Nhật du học đã dành gần hết thời gian đi làm, ngoài 4 tiếng đến trường thì chỉ nghỉ ngơi từ 4 đến 5 tiếng. Cũng vì thế mà không ít du học sinh đã bị tụt lại lớp”, chị Liên nói
Theo chị Liên, giáo dục của Nhật Bản thiết thực hơn Việt Nam rất nhiều. “Không thạo ngôn ngữ, thầy cô người Nhật sẽ dạy chúng ta bằng hình ảnh minh họa để học sinh dễ hiểu, sau đó mới học chuyên môn. Người Nhật chú trọng dạy thực hành nhiều hơn lý thuyết. Thi cử nếu bạn không đạt đủ 60% điểm thì bạn sẽ phải ở lại học cho đến khi đủ điểm thì học lớp cao hơn”, du học sinh 25 tuổi cho hay.
Đến Nhật từ năm 19 tuổi, Nguyễn Văn Vũ (23 tuổi, Vĩnh Phúc) chia sẻ rằng, những ngày đầu đến Nhật, anh đã rất khó khăn.
"Chán nản, nhớ nhà là cảm xúc của hầu hết các bạn du học sinh. Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất với những ai không thành thạo tiếng Nhật. Bạn có cố gắng giải thích một điều gì thì cũng không ai hiểu, đừng nói đến việc, bạn đi xin việc mà không giao tiếp được.
Khi đó, gia đình là động lực để tôi vượt lên. Qua việc tiếp xúc với người Nhật, tích lũy vốn từ và giao tiếp được cơ bản, tôi dần ổn định được tinh thần và bắt đầu tập trung cho học tập và làm việc.
Ngoài ra, sự chênh lệch về mệnh giá tiền là điều khiến bạn phải cảm thấy xót xa. Quy ra tiền Việt, một căn phòng 20m2 có giá từ 15 đến 20 triệu đồng, một mớ rau có giá 40.000 đồng, 1kg thịt bò là 400.000 đồng, 1kg gạo là 80.000 đồng.... Bù lại, nếu bạn tìm được một công việc làm thêm, thì việc chi trả cho những chi phí này là hợp lý", Vũ cho biết.
Một lớp học tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Vũ chia sẻ thêm, điều khiến anh ấn tượng nhất về con người Nhật Bản là lối sống tự lập của họ. Vũ kể, có lần anh giúp đỡ một bà cụ 77 tuổi nhấc một thùng cơm, nhưng bà lại thể hiện thái độ cáu gắt, bực bội.
Anh đã rất ngạc nhiên cho đến khi có người nói với anh, việc giúp người Nhật là sự khinh bỉ và coi thường họ. "Khi hiểu được văn hóa của nước bạn, tôi cảm thấy họ rất thú vị, tính kỉ luật là điều tôi học hỏi được", Vũ nói.
Theo Nguyễn Vũ, chương trình học tập và giảng dạy tại Nhật Bản có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Người Nhật không tạo áp lực về thành tích cho học sinh.
“Bài học đầu tiên tôi được dạy là ý thức, mà không phải kiến thức. Tôi thấy thật buồn cười, khi đó tôi đã 20 tuổi, đâu còn là cậu bé 4 tuổi mà phải học ý thức? Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, ý thức tốt sẽ khiến con người trở nên văn minh và làm việc tích cực hơn", Vũ chia sẻ.
Cũng theo thanh niên 23 tuổi này, về thi cử, người Nhật không quan trọng thành tích trong học tập mà họ cần sự trung thực và cố gắng. Nếu có gian lận hay thảo luận trong thi cử, họ sẽ lập tức thu bài hoặc đình chỉ thi.
Hầu hết du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đều đi làm thêm để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Sau 3 năm học tại Nhật, Vũ đã có tấm bằng giỏi của một trường tiếng Nhật và thi đỗ Đại học Waseda nghành thiết kế thời trang.
Nhật Bản là quốc gia mơ ước của rất nhiều du học sinh Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, đã có hàng nghìn lượt học sinh Việt Nam sang Nhật du học với mong muốn học hỏi kiến thức và tìm cơ hội việc làm có thu nhập cao.
Tuy nhiên, không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng. Có không ít người khi đến Nhật đã phải quay về nước vì nhiều nguyên nhân, xa nhà, thiếu thốn vật chất, rào cản ngôn ngữ... Với du học sinh Việt Nam thì việc sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản là cả quá trình dài, biết kiên trì và phấn đấu.