Riêng tại Việt Nam, khách quốc tế trong quí 1 năm nay chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái khiến các doanh nghiệp du lịch lao đao tìm hướng đi mới để phục hồi. Thị trường đã nhiều cạnh tranh, nay còn khốc liệt và khó khăn hơn.
Có lẽ ai cũng lo lắng khi nghe đến con số dự đoán 50 triệu việc làm trên thế giới của ngành du lịch toàn cầu có thể bị bốc hơi theo Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo. Nếu điều này xảy ra, ngành du lịch sẽ mất đi 12-14% tổng lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Từng được may mắn gặp gỡ và trao đổi với nhiều doanh nghiệp du lịch và lữ hành trong và ngoài nước, tôi nhận thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng số hóa để đón đầu hành vi tiêu dùng mới trong giai đoạn này. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ít doanh nghiệp nhận ra được giá trị cốt lõi của mình để tập trung phát triển.
Đáng lẽ ra, đây phải là điều đầu tiên nghĩ đến trước khi thực hiện số hóa vì chi phí đầu tư, nghiên cứu, phát triển, vận hành sản phẩm công nghệ không hề nhỏ. Thực tế cũng đã cho thấy, không phải sản phẩm nào có yếu tố công nghệ cũng sẽ thành công?
Những ngách nào chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ?
Với nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp và di sản hàng đầu thế giới, sự đa dạng và phong phú này khiến du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế không khói mũi nhọn của Việt Nam trong những năm vừa qua.
Lượng khách quốc tế tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt trong giai đoạn từ 2015 - 2019, tương đương với 22,7% tăng trưởng mỗi năm. Chúng ta được xếp trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới.
Dù tăng trưởng ở mức hai con số, du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế như tỷ lệ khách quay trở lại thấp, chỉ từ 10-40%, và chi tiêu trung bình không cao, với chỉ hơn 1.000 đô la cho 9 ngày du lịch. Đây là những con số được nhắc đến trong các phiên thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 diễn ra tại Hà Nội sáng 9/12/2019. Chúng ta chưa vui mừng được bao lâu thì khủng hoảng do Covid-19 xảy ra.
Hãy bỏ qua quá khứ và nói về cơ hội. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thế giới thấy rằng Việt Nam đã làm rất tốt trong câu chuyện kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp y tế phù hợp. Chưa bao giờ cả thế giới nhìn Việt Nam mới một ánh mắt ngưỡng mộ như quãng thời gian vừa qua.
Với đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm, khả năng tự sản xuất các thiết bị hỗ trợ như máy thở, một trong những nước đầu tiên chế tạo thành công bộ test nhanh virus corona... cá nhân tôi thấy rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm nóng về du lịch y khoa tại Đông Nam Á trong thời gian sắp tới nếu chúng ta làm đúng. Đây sẽ là một điểm xuất phát mới của du lịch Việt Nam trong thời kỳ “bình thường mới”, điều mà các nước xung quanh khó mà bì kịp.
Đã có những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tìm được những hướng đi riêng, kết hợp nhiều yếu tố để tạo ra giá trị cho du lịch Việt Nam. Một trong những ví dụ điển hình là du lịch nha khoa (Dental Tourism) với tham vọng “vượt mặt” các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines để giành vị trí vàng trong khu vực Đông Nam Á.
Các dự án du lịch ẩm thực cũng đã được tổ chức để đưa món ngon Việt Nam ra thế giới và hấp dẫn du khách. Nhưng rõ ràng, khách quan mà nói chúng ta vẫn chưa thành công trong việc tạo dấu ấn nếu so sánh với các nước láng giềng.
Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề dưới góc độ vừa là một người tiêu dùng, vừa là một người lãnh đạo thì bức tranh mới trọn vẹn. Người chơi nào học đủ nhanh, quan sát đủ kĩ để tìm ra những hướng đi ngách thì những cuộc chơi mới sẽ ra đời.
Đổi mới hoàn toàn hay cải thiện?
Khi thị trường được làm ấm lại giai đoạn hậu Covid, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để tăng cường trải nghiệm của du khách nhằm nâng cao tỷ lệ quay lại và tạo ra ấn tượng mới.
Các tình trạng như mất vệ sinh, chèo kéo, lừa đảo, ép khách ở các điểm du lịch nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ khiến trải nghiệm của du khách bị ảnh hưởng. Du khách cũng vì thế mà không quay lại. Tuy nhiên cũng đã có không ít những chia sẻ tích cực từ du khách nước ngoài đi đến Việt Nam.
Về quản lý, nhiều nguồn tài nguyên vẫn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để được quản lý hiệu quả khiến nhiều tài nguyên chưa được phát huy hết giá trị, sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng sai mục đích tác động tiêu cực đến phát triển du lịch bền vững.
Nhìn xa hơn, dù chúng ta đã có những tiến triển trông thấy trong việc quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới nhưng việc xúc tiến du lịch còn bị hạn chế. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, và các giá trị đang bị trùng lặp lẫn nhau dẫn đến thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Dù đây là ngành mũi nhọn, ngân sách nhà nước cấp cho xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu đô la mỗi năm, rất thấp so với yêu cầu thực tế.
Nhân lực cũng là một trong những điểm yếu của quốc gia, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực đủ chuyên môn và trình độ để đẩy mọi thứ tiến về phía trước. Sự kết hợp còn rời rạc và phân mảnh khiến chúng ta mất đi sự đồng bộ giữa cấp trên và cấp dưới trong công việc triển khai.
Rõ ràng, chúng ta còn quá nhiều việc phải cải thiện trước khi nghĩ đến việc đổi mới hoàn toàn cả nền kinh tế này. Đến khi nào thành công trong việc tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch thì chúng ta hãy nghĩ đến việc tập trung tạo ra những giá trị mới khác. Đây là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp chứng tỏ mình.
(*)Thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global); Giám đốc điều hành & đồng sáng lập GoEat GmbH, Thụy Sĩ; Phó chủ tịch Hiệp hội Du học sinh Việt Nam tại Thụy Sĩ (SAAV)