Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội): Thí sinh thêm cơ hội
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT là thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Rõ ràng, quy định này tạo thêm cơ hội cho học sinh. Ngoài việc thí sinh được lấy điểm cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp, tổ hợp môn các trường ĐH dùng để xét tuyển có thể có những tổ hợp mới, có môn thi ở cả 2 bài thi Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vậy việc được chọn 2 bài thi còn giúp thí sinh thuận lợi hơn trong xét tuyển ĐH, CĐ.
Tại Trường THPT Phan Huy Chú, ngay từ lớp 10 đã có phân ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Tất cả học sinh đều phải đảm bảo nền kiến thức theo chương trình của Bộ, nhưng học sinh ban nào sẽ được tăng cường thêm môn thuộc ban đó. Ví dụ ban Khoa học tự nhiên, các con được học nhiều hơn về các môn khoa học tự nhiên. Tương tự như vậy với ban Khoa học xã hội.
Một điều đặc biệt trong chương trình học của trường là phần tự chọn của học sinh rất nhiều, các em được ôn luyện từ cách thức làm bài đến phương pháp cũng như được rèn nhiều hình thức làm bài khác nhau, từ tự luận đến trắc nghiệm. Do đó, học sinh của trường không ngỡ ngàng với cách thi mới.
Điều quan trọng là, nhà trường luôn dạy học sinh theo hướng: Thi cử chỉ là hình thức, còn nội dung liên quan đến quá trình học. Học sinh học tốt thì thi theo hình thức nào, tự luận hay trắc nghiệm cũng đều làm được.
Tới đây, thi học kỳ, riêng khối 12, Trường THPT Phan Huy Chú sẽ thiết kế riêng giống như hình thức thi THPT quốc gia. Chỉ có khác đề thi sẽ giới hạn trong kiến thức của học kỳ I vì các con chưa được học hết chương trình.
Thầy Hà Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang): Quản lí thí sinh tự do thuận lợi hơn cho điểm thi
Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, việc thí sinh được thi 2 bài thi tự chọn và được lấy điểm bài thi cao hơn để xét tốt nghiệp làm tăng thêm cơ hội và tăng thêm sự lựa chọn xét vào các trường ĐH ở nhiều khối khác nhau cho thí sinh. Có nhiều thí sinh sẽ rất thuận lợi nếu học đều các môn học.
Tuy nhiên, các thầy cô cần lưu ý, giúp đỡ những học sinh chưa biết đưa ra lựa chọn như thế nào cho hợp lý khi tiếp cận với quy định mới.
Cũng theo dự thảo quy chế, những thí sinh đã tốt nghiệp THPT thì xếp riêng phòng tại một số điểm thi nhất định, điều đó là hợp lí. Có thể một số thí sinh phải đi xa hơn một chút nhưng tránh gây ảnh hưởng đến tâm lí cho những thí sinh thi THPT quốc gia lần đầu. Việc quản lí thí sinh tự do cũng thuận lợi hơn cho điểm thi.
Ngoài ra, tôi đồng tình với một số điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo như: Sử dụng phần mềm quản lý thi thống nhất - điều này quá tốt, chỉ có điểm cần lưu ý đến quá tải hệ thống vào những thời điểm quan trọng. Việc chấm bài thi trắc nghiệm với cùng một phần mềm của Bộ GD&ĐT là khoa học và hợp lí, thuận lợi cho các Hội đồng thi.
Thầy Lê Đình Khương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang): Các thí sinh bình đẳng như nhau, từ xét tốt nghiệp đến xét tuyển vào ĐH
Tôi đã nghiên cứu dự thảo lần 2 quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, về cơ bản các khâu, bước không có nhiều thay đổi.
Điểm mới trong dự thảo quy chế THPT quốc gia là thí sinh được thi cả 2 bài thi tổ hợp môn tự chọn và bài thi nào điểm cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp. Điều này làm giảm sự căng thẳng cho thí sinh, sẽ có nhiều thí sinh đăng kí chọn thi cả 2 bài thi tự chọn.
Ngoài ra, tôi cho rằng, việc không tách thành hai cụm thi (Cụm thi đại học và cụm thi chỉ xét tốt nghiệp) là điều hợp lí nhất bởi lẽ:
Về cơ bản học sinh được thi tại trường mình học tạo tâm lí thỏa mái, tự tin hơn. Học sinh các trường miền núi muốn thi đại học cũng không phải di chuyển về các trung tâm giảm được gánh nặng cho phụ huynh việc phải lo chỗ ăn, nghỉ, người đưa con đi thi, giảm nỗi lo về kinh tế…
Khâu coi thi không còn ảnh hưởng quá nhiều tới kết quả của kì thi vì việc ra đề có sự đổi mới nhất là các môn trắc nghiệm trong một phòng thi mỗi thí sinh có 1 mã đề riêng hơn nữa giảm số thi sinh trong mỗi phòng thi từ tối đa 30 thí sinh xuống tối đa 24 sẽ giảm được gian lận trong thi cử.
Năm 2016 phải lựa chọn một trong 2 cụm thi: thi đại học hay thi chỉ xét tốt nghiệp cũng là một vấn đề gây căng thẳng lo lắng cho học sinh. Nhiều học sinh có lực học khá cũng không dám chọn cụm thi đại học vì áp lực.
Hơn nữa, nhiều trường cũng vì thành tích nên tập chung tư vấn cho học sinh chọn cụm thi xét tốt nghiệp. Năm 2016, nhiều trường tỉ lệ học sinh thi đại học giảm đáng kể (một số tỉnh 40 đến 50%). Năm nay các thí sinh bình đẳng như nhau từ xét tốt nghiệp đến xét đại học.