'Đừng bắt triết lý giáo dục phải ôm tất cả'

Các số liệu cho thấy không phải cứ cần cù là sẽ phát triển. Muốn phát triển thì điều quan trọng là phải có tư duy sáng tạo. Mà muốn sáng tạo thì phải có bản lĩnh thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu.

Triết lý giáo dục? Đừng bắt nó phải ôm tất cả!

dung bat triet ly giao duc phai om tat ca
"Muốn sáng tạo thì phải có bản lĩnh thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu..."

Có bình luận cho rằng thời nào, ở đâu thì người ta cũng hướng đến đào tạo “con ngoan, trò giỏi”, và lập luận: Nếu con không ngoan mà trở thành "hư" thì gia đình và xã hội sẽ ra sao? Nếu trò không giỏi (mà “dốt”?) thì làm gì có nhân tài cho đất nước?

Việc đầu tiên cần bàn ở đây là cách lập luận. Việc bác bỏ triết lý giáo dục “con ngoan, trò giỏi” hoàn toàn không có nghĩa là sẽ dẫn đến cực đoan ngược lại là “con hư trò dốt”. Cần phân biệt triết lý giáo dục với mục tiêu của giáo dục, tức là yêu cầu về sản phẩm đầu ra.

Mục tiêu có thể diễn giải dài dòng chứ triết lý phải rất ngắn gọn. Mục tiêu của giáo dục bao giờ cũng phải là đào tạo con người phát triển toàn diện với đủ các yêu cầu cần thiết về phẩm chất và năng lực. Còn triết lý giáo dục do phải ngắn gọn nên đừng bắt nó phải ôm tất cả. Nó không nhất thiết phải bao quát hết mục tiêu của cả một giai đoạn dài mà có thể chỉ tập trung vào một vài mục tiêu cần nhấn mạnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của giai đoạn đang xét.

Chẳng hạn, trong 5 mục tiêu mà cải cách giáo dục ở Nhật Bản sau Thế chiến II đặt ra là: “Loại trừ chủ nghĩa quân phiệt”, “Giáo dục tư duy khoa học”, “Làm sâu sắc văn hóa quốc dân”, “Xây dựng quốc gia hòa bình” và “Đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới” (Theo Nguyễn Quốc Vương 2015: Cải cách giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản thời hậu chiến (1945-1950) và những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam), thì ba mục tiêu sau là dài hạn, còn hai mục tiêu đầu chính là thể hiện cái triết lý rất cụ thể mà giáo dục Nhật Bản phải tập trung vào trong giai đoạn này, và chính nhờ quyết liệt tập trung vào mà Nhật Bản đã nhanh chóng vượt lên được.

Từ đây suy ra rằng trong mục tiêu chung vẫn có thể có “con ngoan, trò giỏi”, nhưng vấn đề là hiểu ngoan và giỏi như thế nào; và tiếp theo thì cái trọng tâm mà giáo dục Việt Nam cần quyết liệt tập trung vào trong giai đoạn hiện nay là gì.

Giáo dục Việt Nam hôm nay cần tập trung vào mục đích gì?

Mục tiêu của giáo dục có hai phần quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực. “Ngoan” chính là thuộc về phẩm chất, còn “giỏi” chính là thuộc về năng lực.

Về phẩm chất, nếu hiểu ngoan là “lễ phép” thì được, nhưng đây không phải là phẩm chất cần ưu tiên. Vì “lễ phép” có nguồn gốc từ chữ “Lễ” của Nho giáo (Tiên học lễ, hậu học văn); “lễ phép” là thái độ được coi là đúng mực, tỏ ra kính trọng người trên. Nó bao gồm nét nghĩa nền nếp, tôn ty, nhưng cũng có cả vâng lời. Còn nếu hiểu ngoan là “dễ bảo, vâng lời” thì chắc chắn là không một quốc gia phát triển nào trên thế giới đặt ra mục tiêu này.

dung bat triet ly giao duc phai om tat ca
"“Ngoan” chính là thuộc về phẩm chất, còn “giỏi” chính là thuộc về năng lực". Ảnh Đinh Quang Tuấn

Về năng lực, “giỏi” được từ điển tiếng Việt định nghĩa là “có trình độ cao, đáng được khâm phục, khen ngợi”. Nhưng trình độ cao về cái gì? Lâu nay trong giáo dục năng lực, người Việt Nam thường chỉ chú ý hai thứ: một là kiến thức, hai là sự tinh khôn. Các thần đồng Việt Nam thường là những người có trí nhớ siêu phàm, gì cũng nhớ, cũng biết. Các truyện cổ trong sách giáo khoa thường khuyến khích sự tinh khôn (truyện Trí khôn, các truyện trạng ứng xử với sứ thần Trung Quốc hoặc khi đi sứ ở Trung Quốc, chuỗi truyện Trạng Quỳnh...).

Kết quả là người Việt Nam (truyền thống) và Đông Nam Á có thể “ngoan” hơn người Đông Bắc Á; người Đông Bắc Á có thể “ngoan” hơn người châu Âu; người châu Âu có thể “ngoan” hơn người Mỹ. Về “giỏi” cũng thế: chúng ta đã và đang tự hào về những giải thi học sinh giỏi toán, lý quốc tế, về thứ hạng PISA “cao hơn nhiều nước phát triển”. Nhưng sự thật là cái “ngoan” và “giỏi” ấy ít giúp cho đất nước phát triển, lại càng ít hơn (nếu không nói là zero) trong việc đóng góp vào thành tựu trí tuệ nhân loại.

Sự thật là, ngay một người trong cuộc như ông Nguyễn Tuấn Hải cũng cho rằng nhận định người Việt giỏi Toán hay ít nhất là có năng lực và tiềm năng học Toán “không chỉ là một định kiến mà còn là một sự huyễn hoặc nguy hiểm”.

Số liệu cho thấy trong 116 năm, giải Nobel Vật lý đã được trao cho 202 người, Việt Nam và Đông Nam Á tất nhiên là không có ai. Cả châu Á chỉ có 18 người (10 người Nhật Bản, 5 người Trung Quốc, 2 người Ấn Độ, 1 người Pakistan), trong đó có tới 8 người mang quốc tịch Mỹ. Ở châu Âu thì Đức có 31 người (trong đó 6 người mang quốc tịch Mỹ); Anh có 24 người (trong đó 4 người mang quốc tịch Mỹ)... Trong khi riêng Mỹ đã có 85 người, chiếm 42% (trong đó có 22 người gốc châu Á).

Với các số liệu này, hiệu quả của nền giáo dục Mỹ là không thể phủ nhận được: Hình như mức độ “ngoan” tỷ lệ nghịch với năng lực sáng tạo (nhiều người châu Á, châu Âu thành công là nhờ được hoàn thiện giáo dục và làm việc trong môi trường Mỹ). Các số liệu này còn cho thấy không phải cứ cần cù là sẽ phát triển. Muốn phát triển thì điều quan trọng là phải có tư duy sáng tạo. Mà muốn sáng tạo thì phải có bản lĩnh thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu. Mà ngoan, dù hiểu theo nghĩa ‘vâng lời’ hay ‘lễ phép’ thì cũng đều phải lấy các khuôn mẫu làm chuẩn.

dung bat triet ly giao duc phai om tat ca

Xây dựng một triết lý giáo dục thiết thực, cụ thể cho giai đoạn trước mắt mới chỉ là bước khởi đầu (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Ấy vậy mà chính người Mỹ vẫn còn chưa hài lòng về nền giáo dục của mình. Trong video-clip gây chấn động thế giới "Phiên tòa xử ngành giáo dục", Prince Ea đã buộc tội sự lỗi thời của hệ thống giáo dục, cho rằng học sinh Mỹ đang bị ép vào khuôn mẫu, bị đánh giá không đúng về năng lực theo kiểu "phán xét một con cá bằng khả năng leo cây".

Tất nhiên, chúng ta sẽ không sao phỏng nền giáo dục của các quốc gia khác. Cái chúng ta cần là xây dựng một triết lý giáo dục thiết thực, cụ thể cho giai đoạn trước mắt, xuất phát từ nhu cầu khắc phục những hạn chế mang tính triết lý ở tầng sâu của nền giáo dục hiện thời.

Mà để thấy được những hạn chế ở tầng sâu này thì chúng ta cần từ bỏ tư duy “ưa nịnh, thích khen”, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” rất điển hình cho một nền văn hóa âm tính nặng như Việt Nam. Nếu vẫn còn “ưa nịnh, thích khen”, còn tự vỗ ngực rằng mình luôn hay, luôn đúng thì sẽ không thể nào tự trả lời được câu hỏi: Nếu ta thực sự luôn hay, luôn đúng thì sao kết quả ta lại thua xa thiên hạ về nhiều mặt đến như vậy?

Chừng nào chưa có được cái dũng để tiếp nhận hai câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã hạ bút viết cách đây gần một thế kỷ: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (bài “Mậu Thìn xuân cảm”, 1932) thì chúng ta sẽ khó thoát ra được khỏi tình cảnh mà nhà thơ Chế Lan Viên đã miêu tả: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Người đi tìm hình của nước, 1960).

Tất nhiên, xây dựng một triết lý giáo dục thiết thực, cụ thể cho giai đoạn trước mắt mới chỉ là bước khởi đầu. Cái khó hơn, gian nan hơn, là triển khai thực hiện triết lý đó. Mà việc này thì liên quan đến quản lý giáo dục và nhiều thứ khác ở tầm vĩ mô.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.