Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào?

Mảng bán lẻ của Vingroup đang áp đảo các doanh nghiệp khác với hàng nghìn cửa hàng chỉ vài năm bước chân vào thị trường. Ông lớn này còn đứng sau hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám và đi đầu nhiều xu hướng trong ngành bán lẻ.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có mức hấp dẫn hàng đầu thế giới, tổng giá trị ước đạt lớn hơn 120 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng luôn hơn hai con số, thế nhưng nhiều tay chơi đã chấp nhận bỏ cuộc.

Đầu tháng 3, thương hiệu bán lẻ Shop&Go quyết định rút lui, nhường lại chuỗi 87 cửa hàng đang kinh doanh cho Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào? - Ảnh 1.

Shop&Go nhượng lại 87 cửa hàng cho Vingroup với giá chỉ 1 USD. (Ảnh: Phúc Huy).

Mới đây, "ông lớn" bán lẻ Auchan, vốn được mệnh danh là Walmart của nước Pháp, cũng buộc phải tháo chạy về nước sau 5 năm kinh doanh. Nhiều đồn đoán cho rằng một doanh nghiệp bán lẻ nội với tiềm lực tài chính lớn đã bỏ tiền thâu tóm 18 siêu thị Auchan.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Tập đoàn Vingroup cho biết muốn hệ sinh thái của mình, trong đó có mảng bán lẻ, sẽ nhanh chóng phủ sóng mạnh mẽ, gia tăng ảnh hưởng và đứng ở vị trí số 1 của ngành hàng.

Gần chục cửa hàng Vinmart+ vây quanh một chợ truyền thống

Kể từ khi Vingroup mở cửa hàng tiện lợi ngay tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), bà Thu Hương, một người sống tại khu vực này bắt đầu có thói quen mua sắm cùng lúc tại chợ và cửa hàng của Vingroup.

Trước đây, bà Hương là khách quen của cửa hàng Vinmart+ nằm cuối đường Bùi Hữu Nghĩa, hướng về khu vực chợ Bà Chiểu. Sau khi mua thịt cá tại quầy thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của chợ, bà nội trợ này chỉ cần đi bộ thêm chưa đầy 100 m nữa là đến cửa hàng tiện lợi để mua nước mắm, nước tương và một số mặt hàng tiêu dùng khác.

"Hiện tôi có nhiều lựa chọn hơn, bởi bên kia đường Lê Quang Định vừa cùng lúc có 2-3 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ mở cách đây không lâu. Nghĩa là giờ dù đi hướng nào tôi cũng có thể đụng cửa hàng và vào mua ngay", bà Hương nói.

Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào? - Ảnh 2.

Vinmart+ đang bành trướng cửa hàng tại nhiều khu vực ở TP HCM. (Ảnh: P.H).

Chiến lược bành trướng lấy số lượng để áp đảo các chuỗi kinh doanh khác đã và đang được Vingroup thực hiện thời gian qua. Hiện tại nhiều khu vực, các cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Vinmart+ xuất hiện với tần suất dày đặc, nhiều cửa hàng chỉ cách nhau vài trăm mét.

Riêng quanh chợ Bà Chiểu, nơi bà Hương thường mua con cá, bó rau hàng ngày đã có cùng lúc có 3 cửa hàng. Nếu tính khu vực vệ tinh, tức cự li khoảng 1 km xung quanh chợ, số cửa hàng Vinmart+ lên đến khoảng 10, chiếm 1/4 tổng số lượng điểm kinh doanh mà "ông lớn" bán lẻ này có mặt tại quận Bình Thạnh.

Tương tự, tại nhiều khu vực khác từ nội thành đến ngoại thành TP HCM, sự xuất hiện của các cửa hàng thuộc tập đoàn Vingroup cũng trở nên dày đặc và phổ biến, sau hơn 4 năm có mặt trên thị trường.

5 năm xuất hiện trên thị trường, Vingroup đã có bao nhiêu điểm bán lẻ?

Cuối năm 2014, hai thương hiệu bán lẻ của Vingroup là Vinmart và Vinmart+ chính thức có mặt trên thị trường. Vinmart kinh doanh theo mô hình siêu thị có diện tích từ 3.000-15.000 m2, trong khi đó, cửa hàng tiện Vinmart+ có diện tích từ 150-300 m2. Hướng đi của Vingroup là đặt hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại các khu dân cư, để tận dụng nguồn khách hàng dồi dào tại các khu vực này.

Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào? - Ảnh 3.

Số lượng điểm kinh doanh Vinmart và Vinmart+ gia tăng nhanh chóng qua các năm. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Cuối năm 2014, Vingroup sở hữu 4 siêu thị Vinmart và 10 cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Với mong muốn thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã không ngừng nhân rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ của mình với tốc độ thần tốc.

Chỉ sau một năm, số điểm kinh doanh Vinmart và Vinmart+ lần lượt đạt 50 và 500 cửa hàng, tức trung bình mỗi tháng có khoảng 4 siêu thị Vinmart, 40 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ ra đời.

Tuy nhiên, đây chưa phải là thời kì phát triển nhanh nhất mảng bán lẻ Vingroup. Chỉ trong vòng một năm, đến cuối 2018, số lượng cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đã tăng thêm 666 điểm kinh doanh, thậm chí có ngày, Vingroup đã mở mới 117 cửa hàng. Đây là tốc độ tăng kỉ lục của chuỗi này từ trước đến nay. 

Dù là một tay chơi mới trên thị trường bán lẻ, nhưng Vingroup đã nhanh chóng áp đảo các "đàn anh" khác về số lượng. Cuối năm 2018, Vingroup sở hữu 107 siêu thị Vinmart và 1.721 cửa hàng tiện lợi. Hiện tổng số lượng siêu thị Vinmart và Vinmart+ đã vượt mốc 2.000.

Tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang tiếp tục nhân rộng chuỗi bán lẻ của mình, mục tiêu đạt 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi vào năm sau.

Vingroup và hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám

Đi kèm với việc mở rộng chuỗi, Vingroup cũng là "ông lớn" đứng sau hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám khác trên thị trường bán lẻ Việt thời gian qua.

Mới đây nhất, tháng 3/2019, Vingroup đã mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go thuộc sở hữu của Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống. Thương vụ chỉ có giá trị… 1 USD gây ngạc nhiên trên thị trường. Với mức giá này, nhưng đại diện Shop&Go lại thừa nhận: "Chúng tôi quyết định tặng lại Shop&Go để họ tiếp tục đầu tư, phát triển". 

Hiện một số cửa hàng Shop&Go đã "lên đồ" thành Vinmart+ chỉ sau một thời gian ngắn về tay Vingroup. 

Tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng thâu tóm một thương hiệu bán lẻ khác, là Fivimart, khi mua lại 100% cổ phần. Thời điểm bị thâu tóm, Fivimart có 23 siêu thị trên toàn quốc.

Trước khi về tay Vingroup, thương hiệu bán lẻ này khá hẩm hiu khi bắt tay với các đối tác Nhật Bản Aeon. Hai bên ngưng hợp tác, Fivimart về tay Vingroup. Sau sáp nhập, các siêu thị này đã được được đổi tên và cơ cấu lại theo hệ thống Vinmart.

Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào? - Ảnh 4.

Với tiềm lực tài chính mạnh, ngay từ khi có mặt trên thị trường, Vingroup đã thâu tóm chuỗi Maximart và Ocean Mart. (Ảnh tư liệu).

Đáng chú ý, ngay từ khi có mặt trên thị trường bán lẻ năm 2014, Vingroup đã nhanh chóng thâu tóm hai tên tuổi bán lẻ nổi như cồn, là Maximart và Ocean Mart.

Thời điểm đó, chuỗi siêu thị Maximart có 4 điểm kinh doanh tại TP HCM và 5 địa điểm kinh doanh khác tại Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa. Với 20 năm kinh nghiệm bán lẻ, các điểm kinh doanh này đều nằm tại các vị trí đắc địa và có diện tích rộng, nhưng đã nhanh chóng về tay Vingroup khi nhượng lại toàn bộ 100% cổ phần. 

Thương vụ chuyển nhượng đình đám hoàn tất chỉ sau 2 tuần.

Điều tương tự cũng xảy ra với Ocean Mart, đơn vị bán lẻ thuộc sở hữu của Công ty Ocean Retail. Vingroup đã "xoá" thương hiệu này trên thị trường từ khi thâu tóm 13 siêu thị Ocean Mart.

Ngoài việc mở mới, một phần các điểm kinh doanh Vinmart và Vinmart+ còn đến từ các mặt bằng do Ocean Mart, Maximart, Fivimart và Shop&Go để lại sau khi bị Vingroup thâu tóm.

Vingroup đang có chiến thuật mới gì?

Không chỉ toan tính áp đảo các thương hiệu bán lẻ khác về số lượng điểm kinh doanh, Vingroup còn đang cố gắng tạo ra sự khác biệt, khi gần đây liên tiếp công bố các mô hình cửa hàng mới theo xu hướng mua sắm thời kì 4.0. 

Dồn dập thương vụ thâu tóm, Vingroup sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt thế nào? - Ảnh 5.

Vinmart+ đang tiến tới thay thế các cửa hàng kinh doanh truyền thống như thế này sang mô hình Scan&Go. (Ảnh: Phúc Huy).

Tháng 3/2019, Vingroup đã công bố mô hình siêu thị Scan&Go, tức khách chỉ cần sử dụng điện thoại để quét mã QR trên các sản phẩm trong siêu thị rồi thanh toán, mà không cần phải khệ nệ với giỏ hàng hay xe đẩy chứa đầy đồ dùng, thực phẩm. Giỏ hàng của khách sẽ được vận chuyển về tận nhà.

Mới đây, mô hình này lại có bước cải tiến mới khi Vingroup tung ra siêu thị ảo, tức hàng hoá chỉ thể hiện bằng hình ảnh tương tự như sản phẩm thật. Việc này được xem tiết kiệm không gian cửa hàng và thời gian mua sắm của khách. 

Mô hình mới này là sự phát triển thêm một bước nữa của mô hình cũ, khi khách hàng không phải trực tiếp cầm trên tay sản phẩm rồi mới quét mã vạch và có thể mua sắm bất cứ đâu với cẩm nang mua hàng từ xa.

Doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng dường như đang "bắt trend" ứng dụng trong cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0" để tiên phong, tạo ra những xu hướng mua sắm mới, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ khác vẫn đi theo mô hình truyền thống, hoặc nâng tầm sang một bước cao hơn là mua hàng online dựa trên nền tảng phát triển của mình.