Kịch bản của nhóm “siêu lừa”!
Nạn nhân H. bị lừa 800 triệu đồng trình báo tại cơ quan công an - Ảnh : Đại Việt |
Tại cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM, chị H.T.P.H. (ngụ P.9, Q.4) vẫn chưa hết bần thần sau cú lừa ngoạn mục của bọn tội phạm.
Tháng 7 vừa qua, chị H. nhận được cú điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên thu cước điện thoại ở Hà Nội. Mặc dù chị H. đã khẳng định gia đình mình ở TP.HCM và không liên quan gì đến việc nợ cước điện thoại ở Hà Nội. Sau đó, nhân viên này thông báo chuyển cuộc gọi cho một cán bộ công an Tp.Hà Nội để làm việc.
Một người đàn ông tự xưng là cán bộ công an TP.Hà Nội tiếp tục nói chuyện điện thoại với chị H. và dò hỏi số tiền có trong tài khoản của chị H. Người này thông báo tài khoản của chị H. liên quan đến đại án của “bầu Kiên” ở ngân hàng ACB. Khi chị H. tỏ ra nghi ngờ thì người tự xưng “công an TP.Hà Nội” bảo chị cứ gọi đến số +04113 để xác minh.
Khi chị H. gọi đến số điện thoại trên thì đầu dây bên kia xác nhận là công an đang điều tra vụ việc của chị H. Nếu không chuyển tiền để công an kiểm tra thì sẽ có người đến bắt chị H. ngay. Nếu số tiền chị H. trong sạch thì công an sẽ trả lại. Những người này luôn yêu cầu chị H. không được tắt điện thoại và phải cầm máy liên tục.
Chính vì hoang mang và áp lực quá lớn, chị H. đã chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản của Lục Minh Hải mở tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Bà Hom (TP.HCM).
Sau khi chuyển tiền, chị H. mới tỉnh táo và biết mình bị lừa. Các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu chị H. chuyển tiếp 500 triệu nhưng chị H. đã cảnh giác hơn và báo công an.
Tương tự chị H., bà N.T.N. (ngụ phường 10, Q.Tân Bình) cũng bị nhóm đối tượng trên lừa gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, bà N. chuyển 90 triệu vào tài khoản của Lục Minh Hải.
Đối tượng Lục Minh Hải trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh : Đại Việt |
Qua truy xét, lực lượng chức năng đã bắt đối tượng Lục Minh Hải (SN 1986, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, tạm trú tại Q.Bình Tân).
Hải khai nhận, Hải đứng tên các tài khoản ngân hàng để bán lại cho Li Mingjun hay thường gọi là Hoàng Quân (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc). Mỗi tài khoản lập ra Hải bán với giá 1,5 triệu đồng.
Hải và Li Mingjun quen biết nhau khi buôn bán các loại vòng đeo tay. Khi Hải than vãn về cuộc sống khó khăn thì Li Mingjun đã gợi ý Hải việc mở tài khoản rồi bán lại. Nếu rủ rê được nhiều bạn bè, người thân cung cấp thẻ thì càng tốt. Hải biết việc mở tài khoản và bán lại để chuyển tiền phi pháp nhưng Hải vẫn làm. Li Mingjun đã trốn về Trung Quốc vào tháng 6/2016.
Tang vật vụ án được thu giữ - Ảnh : Đại Việt |
Được biết, nhóm của Hải đã lừa nhiều người với số tiền chiếm đoạt ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
Công an không làm việc qua điện thoại
Các cơ quan như công an, viện kiểm soát hay tòa án khi làm việc với người dân đều có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Tuyệt đối không có chuyện làm việc qua điện thoại. |
Đó là khẳng định của trung tá Trương Văn Thanh, điều tra viên Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) công an TP.HCM.
Theo ông Thanh, các cơ quan như công an, viện kiểm soát hay tòa án khi làm việc với người dân đều có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Tuyệt đối không có chuyện làm việc qua điện thoại. Những người xưng là công an và làm việc qua điện thoại đều là lừa đảo, người dân cần cảnh giác.
Người dân không nên dùng tài khoản cá nhân để cho mượn hay bán lại cho những người không rõ lai lịch. Bởi nếu mục đích của những người mượn hay mua thẻ không tốt, sử dụng vào việc xấu thì người cung cấp thẻ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Giả sử, vụ án lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ đồng thì người cung cấp thẻ sẽ chịu xử lý ở mức án 1 tỷ đồng. Nhiều trường hợp cung cấp tài khoản ngân hàng cho các băng nhóm, tổ chức lừa đảo đã lãnh mức án 16, 17 năm tù.
Lãnh đạo cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM cho biết, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xảy ra tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phố khác gây thiệt hại rất lớn tiền của trong nhân dân. Cầm đầu các đường dây này nằm ở Đài Loan – Trung Quốc, các đối tượng này cấu kết với các đối tượng trong nước tạo thành đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, số tài khoản…Các đối tượng này sẽ dùng công nghệ viễn thông để “con mồi” ngỡ rằng mình đang gọi đến số điện thoại bàn của cơ quan chức năng trong nước, nhưng thực chất các số điện thoại đó xuất phát từ nước ngoài và các “vai diễn” đã được sắp đặt rất tinh vi để lừa đảo.
Đại Việt