BƯỚC NGOẶT Làm thế nào để anh có thời gian đi nhiều như vậy? Bước ngoặt nào đã thay đổi cuộc sống của anh? Mình làm 4 tháng sẽ được nghỉ 2 tháng. Thế nên mình luôn tranh thủ kỳ nghỉ để tiếp tục đặt chân đến các vùng đất mới, cũng đã được 52 nước. Bước ngoặt lớn nhất có lẽ là khoảnh khắc quyết định bỏ công việc cũ lương cao bổng hậu cách đây nửa năm mà mình sẽ không bao giờ quên được. Lúc đó chỉ mới là buổi sáng ngày thứ hai vừa lên tàu, mình đang đi làm công việc kiểm tra bảo dưỡng máy móc như thường lệ. Bỗng dưng một cảm giác chán nản ùa đến (có thể nói là quen thuộc vì nó đã từng xuất hiện trước đây không ít khi mình làm các công việc thường nhật hằng ngày), chỉ khác là lần này nó đến với sức mạnh chưa bao giờ có. Vẫn là các câu hỏi thường nhật: “Mày đang làm gì ở đây thế này? Tại sao lại chán chường như vậy? Niềm yêu thích công việc của mày đâu hết rồi? Mày có thật sự nghĩ nơi này là đam mê, là cuộc sống của mày? Nếu thật sự có, tại sao mày lại cảm thấy chán như vậy?” Những câu hỏi này thật ra vẫn đeo đuổi trong tâm trí của mình suốt từ trước đến nay, nhưng mọi lần mình đều tìm cách dập tắt nó xuống. Nhưng lần đó thì thật sự không hiểu sao không có tác dụng, mình bỏ các dụng cụ đồ nghề đang cầm trên tay xuống đất, cởi bộ đồ bảo hộ đang mặc trên người ra rồi đi thẳng lên phòng Thuyền trưởng và nói: “Tôi muốn nghỉ việc. Và tôi sẵn lòng đền hợp đồng. Hãy tìm người thay thế!” Sau khi sốc, lắng nghe câu chuyện và cố gắng can giải không thành, ông Thuyền trưởng lớn tuổi đáng kính người Hà Lan buộc phải gửi email giải trình sự việc về công ty. Sau gần một tuần trao đổi email cố gắng thuyết phục không thành bởi sự kiên quyết của mình, công ty mẹ ở Hà Lan đồng ý tìm người thay thế và chấp nhận đơn nghỉ việc với lý do hết sức “ngớ ngẩn củ chuối” của mình:“Không thể tìm thấy đam mê công việc sau gần 7 năm cố gắng!” Buổi trưa đó rời tàu mẹ đang neo ngoài vịnh ở Lian Yungan, Trung Quốc, để xuống tàu con bồng bềnh vào bờ bay về nước là một ngày gió mạnh rất lạnh, mình đứng một mình trên đuôi tàu nhìn ngược lại con tàu mẹ xa dần, lòng vừa hồi hộp vừa bâng khuâng về tương lai vô định chưa biết sẽ làm gì phía trước, nhưng lại rất lạ là cảm thấy hết sức nhẹ nhõm, kiểu cảm giác như vừa trút được gánh nặng từ rất lâu nay, chứ chẳng mấy lo lắng về khoản tiền đền hợp đồng phải thanh toán sắp tới. Đó là một ngày có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được. Thật là một quyết định không đơn giản. Nhưng bù lại, anh cũng đã sống đúng với những gì mình thích đấy chứ? Cũng không đơn giản đâu. Phải mất một thời gian sau khi bỏ việc, mình mới thật sự nghiệm ra một điều: Chính niềm đam mê đi du lịch khám phá là cái đã và vẫn luôn ở cạnh mình trước nay, và hiểu được việc mình cần phải xây dựng một công việc mới dựa trên nó, xoay quanh nó và lồng niềm đam mê vào nó là cần thiết như thế nào. Gần 1 tháng sau mình mới hồi phục tâm lý! ------------ |
HAI LẦN TỚI MÔNG CỔ Nếu kể về các chuyến đi của anh là quá dài và quá nhiều. Tôi thấy anh đã quay lại Mông Cổ lần thứ hai. Điều gì đã quyến rũ anh tới vậy? Cách đây gần 3 năm mình có tổ chức một chuyến đi vòng quanh Mông Cổ bằng xe cào cào, có xe hậu cần đi theo. Vào thời điểm đó, đoàn của mình là đoàn Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh Mông Cổ một cách có tổ chức như thế này. Lúc đó là vào mùa hè bầu trời rất trong xanh (tên gọi khác của đất nước này là The Blue Sky Nation – Đất nước của bầu trời xanh), khí hậu ấm áp và cỏ trên thảo nguyên rất đẹp. Khi đó mình đã nung nấu dự định sẽ quay lại nơi này vào mùa đông để xem đất trời vạn vật thay đổi như thế nào. Đây là nơi có khí hậu vùng cực khắc nghiệt nhất thế giới sát với vùng Siberia. Ulaanbatar cũng là thủ đô lạnh nhất thế giới (đỉnh điểm mùa đông có thể xuống đến -30, -40 độ C). Phải mãi đến năm nay 2017 thì dự định đó mới được thực hiện. Ý tưởng chuyến đi mùa đông này của mình thật ra bắt nguồn từ các series phim tài liệu của BBC Human Planet, khi biết đến những bộ lạc du mục người Kazakh sống về phía Tây xa xôi của Mông Cổ, sống di cư nay đây mai đó trên đại thảo nguyên, theo bước chân bản năng của đàn gia súc đến những vùng đất có cỏ tươi mới, săn lượm đại bàng con ngay từ trong tổ trứng trên những vách núi, bịt mắt đem về thuần hóa và huấn luyện cùng họ đi săn cáo và thú nhỏ. Khi tìm hiểu kỹ, mình biết được vào mỗi tháng 2 - tháng 4 mùa đông hàng năm, người Kazakh có truyền thống di cư đàn gia súc của mình vượt dãy núi Altai sang phía Tây về Spring camp ở Tavan Bogd National Park nơi có những đồng cỏ xanh tươi và hầu như hiếm có người từ thế giới bên ngoài đặt chân đến vào thời gian này trong năm. Và sau một thời gian tìm kiếm, mình và vài người bạn ở Mông Cổ đã tìm và liên lạc được với 1 guide người địa phương sống ở Ulgii (thủ phủ và là thành phố lớn nhất của vùng Bayan-Olgii) am hiểu vùng Altai và một gia đình người Kazakh có tên là Bekish đồng ý cho bọn mình đi cùng trong chuyến di mùa đông cư sắp tới của họ. Suốt chuyến đi vừa rồi mình và các bạn đồng hành Việt Nam đã đi bộ cạnh các gia đình người Kazakh này cùng đàn gia súc ngựa, cừu, dê, bò, lạc đà, đại bàng… lên tới hàng ngàn con cùng chó săn (phải mất vài ngày thì cả đoàn mới làm quen mùi được với đám chó săn thông minh nhưng hung dữ này và được chúng cho phép đi bộ vào gần bầy gia súc), và cả… mèo, suốt hơn 150km từ Trại mùa đông ở phía Tây dải Altai vượt các đèo, sông hồ đóng băng sang Trại mùa xuân, là nơi họ và bầy gia súc sẽ ở trong các tháng mùa xuân và hè. Được tận mắt chứng kiến tất cả những điều tuyệt vời mà mình mới chỉ được xem trên các chuyên mục phim tài liệu của BBC. Anh đã trải nghiệm đại bàng săn thú ở thảo nguyên Mông Cổ như thế nào? Đây thật sự là một chuyến đi đặc biệt. Người ta cho rằng các bộ lạc Kazakh là những thợ săn thuần thục trên lưng ngựa đã di cư từ vùng đất tổ tiên của họ ở phía Bắc của vùng Trung Á xuống phía Tây của Trung Quốc vào đầu thế kỷ 12. Bên cạnh Trung Quốc, một cộng đồng lớn người Kazakh hiện cũng đang sinh sống tại phía Tây Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan và Nga. Phần lớn của dân số 1,5 triệu người của cộng đồng Kazakh ở Trung Quốc sống ở Xinjiang, vùng sa mạc đồi núi rộng lớn ở phía Tây Bắc, là một phần của cung đường tơ lụa đã từng kết nối Trung Quốc với vùng Trung Đông. Những người Kazakh có cùng cận huyết thống tạo thành một bộ tộc gọi là awul, và những già làng hay tộc trưởng gọi là awulbas. Cộng đồng Kazakh được cai trị bởi nam giới, vì vậy tài sản sẽ chỉ được truyền lại cho con trai, là những người đứng đầu và toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề trong gia đình. Người Kazakh có truyền thống 1 vợ 1 chồng mặc dù đôi khi các tộc trưởng vẫn có quyền được đa thê thiếp. Những người lớn tuổi thường rất được kính trọng, họ luôn được mời ngồi đầu tiên, được phục vụ những thức ăn nước uống ngon nhất trong các lễ hội. Mỗi chuyến đi săn thường có thể kéo dài 1 tuần đến 10 ngày, vượt qua nhiều đỉnh núi xa và đi bằng ngựa. Nền văn hóa sống cùng đại bàng của người du mục Kazakh thiểu số này ở Mông Cổ thực sự không còn nhiều, theo ước tính chỉ còn lại khoảng vài chục gia đình hiện còn duy trì lối sống này. Vì sức ép của sự phát triển kinh tế, các thế hệ trẻ sau khi sinh ra được gửi lên thị trấn Ulgii hoặc lên tận thủ đô Ulaanbaatar xa xôi đi học, sau khi được tiếp cận với nền văn minh hiện đại thì chỉ số ít vẫn quyết định quay về phụ giúp gia đình hoặc tiếp tục sống lối sống du mục của cha mẹ mình. Ngựa là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Kazakh. Đua ngựa cũng là môn thể thao yêu thích của họ. Ngoài đại bàng ra thì diều hâu và chim ưng cũng có thể được dùng vào mục đích đi săn tuy không phổ biến bằng. Người Kazakh sống trong những chiếc lều dã chiến được làm từ da thú hoặc nỉ gọi là yurts. Họ cũng nổi tiếng về tài khâu vá may mặc của mình. Không phải mọi người Kazakh đều có thể trở thành thợ săn, và không phải con đại bàng nào cũng có thể đi săn. Có hai cách để người thợ săn có được một con đại bàng đồng hành và truyền lại nghề bắt đại bàng cho con trai mình. ó thể có 3-4 thợ săn, có thể chỉ có 1 thợ săn nhưng ít nhất phải có 3 người, 1 thợ săn thường sẽ phi ngựa lên các đỉnh núi cao để có tầm quan sát tốt nhất và đứng sẵn với đại bàng của mình. Những người còn lại có nhiệm vụ đi đánh động các bụi rậm dưới chân núi để thú nhỏ thấy sợ chạy ra ngoài. Khi có thú chạy ra, đại bàng được mở bịt mắt, phát hiện thấy chuyển động, nghe hiệu lệnh và sẽ bay xuống bắt mồi. Thú nhỏ thường là cáo, thỏ… Đại bàng rất hiếm khi săn sói. Có một câu chuyện nhỏ thú vị mà chính bản thân mình xác thực được là không hẳn tất cả những gì những kênh truyền hình nổi tiếng đưa tin đều là chính xác. Ví dụ ở đây là chi tiết khi đại bàng bắt được thú, theo BBC thì người Kazakh sẽ móc cho nó quả phổi của con thú như một phần thưởng cho chiến công. Mình đã xác thực lại với rất nhiều các thợ săn điều này là không đúng. Truyền thống của họ là sẽ cắt 1 chân trước của con thú thưởng cho con đại bàng vồ được mồi, chân còn lại sẽ thưởng cho con đại bàng bay lên cùng trong chuyến săn nhưng không vồ được mồi. Tất cả những con đại bàng thấy mồi nhưng không chịu bay thì sẽ bị bỏ đói không được chia phần ăn trong chiến công đó. Người Kazakh không ăn thịt cáo, họ chỉ lột nguyên bộ da tại chỗ để lấy lông làm áo và mũ, phần thịt và tất cả bộ lòng thì các đại bàng sẽ xử gọn tại chỗ, dư thì đem về để dành cho hôm sau. --------- |