Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến để tạo sự đồng thuận cao?

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để tạo đồng thuận.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến để tạo sự đồng thuận cao? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa).

Cần tiếp tục lấy ý kiến về đường sắt tốc độc cao để tạo đồng thuận

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có kết luận tại cuộc họp về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đánh gia hành lang Bắc - Nam kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và TP HCM, đi qua 20 tỉnh/thành phố (chiếm 61% GDP cả nước), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, thể hiện ý nguyện dân tộc về sự thống nhất của đất nước.

"Việc kết nối đồng bộ trên hành lang Bắc - Nam, đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng", kết luận của Phó Thủ tướng nêu.

Tuy nhiên, trong những năm qua, các phương thức vận tải tên hành lang Bắc - Nam chưa được khai thác và kết nối một cách cân đối, đồng bộ (vận tải đường bộ, hàng không quá tải, vận tải đường thủy chưa phát huy được hiệu quả vốn có, vận tải đường sắt lạc hậu...) dẫn đến chi phí vận tải tăng cao.

Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn nếu chỉ đầu tư vào vận tải đường bộ, hàng không và đường biển theo quy hoạch.

"Để phân bố lại nhu câu vận tải trên toàn tuyến và bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên cần có một phương thức vận tải mới với độ an toàn tin cậy cao, sức chuyên chở hành khách lớn, tốc độ nhanh, thân thiện với môi trường.

Phương thức vận tải này phải đáp ứng yêu cầu về khả năng kết nói hài hòa giữa các loại hình vận tải; thúc đẩy quá trình tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Băc - Nam; mang lại cơ hội đầu tư, phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và góp phần giải quyết nhu cầu việc làm; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết", kết luận nêu.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà kinh tế và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cơ băn hoàn thành quá trình nghiên cứu Dự án.

Tuy nhiên, kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên quá trình chuẩn bị đầu tư cần phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng.

Dự án phải được trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Dó đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông lớn (như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác) hoặc đề xuất đầu tư Dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp.

Ngoài ra, Bộ GTVT cần tải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư Dự án.

Đường sắt tốc độ cao cần khoảng 58,71 tỉ USD

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP TP).

Dự án đi qua địa bàn 20 tỉnh/TP với chiều dài toàn tuyến khoảng 1559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa; bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Ngoài ra, tư vấn đề xuất xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).

Về công nghệ, tàu tốc độ cao Bắc - Nam dùng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến, phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.

Trong đó, nhu cầu sử dụng đất cho dự án khoảng 9.834 ha. Nhu cầu về điện năng dự kiến đến 2030 là 0,165 tỉ KWh; năm 2050 là 2,3 tỉ KWh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,71 tỉ USD (suất đầu tư 38 triệu USD/km).

"Tư vấn đã nghiên cứu và đề xuất phương án phân kì đầu tư theo chiều ngang. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh (dài 295km với tổng mức đầu tư khoảng 12,022 tỉ USD) và TP HCM - Nha Trang (dài 370km với tổng mức đầu tư khoảng 12,691 tỉ USD).

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (dài 894km với TMĐT khoảng 33,998 tỉ USD) để nối thông toàn tuyến. Hình thức đầu tư là PPP", Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Nghiên cứu cũng dự tính với giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Ban Kinh tế Trung ương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao nêu trên, đại diện các đơn vị liên quan cũng đã yêu cầu giải trình nhiều vấn đề như sự cấn thiết đầu tư, phù hợp qui hoạch phát triển ngành...

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến công tác đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Tổng mức đầu tư; Chi phí vận hành bảo dưỡng; Tiến độ, thời hạn thực hiện hợp đồng…cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ liên quan, trong đó lưu ý tập trung 4 dự án đường sắt quan trọng đã được Quốc hội thông qua phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời triển khai thực hiện đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt trong các giai đoạn tới theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Được biết, mục tiêu của Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao.

Bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả; tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.