(Ảnh minh họa).
Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo thông tin từ Bộ GTVT, định hướng phát triển loại hình này đã được xác định trong qui hoạch phát triển GTVT đường sắt từ năm 2000.
Bộ GTVT cũng cho biết từ năm 2005 đến nay đã có nhiều nghiên cứu về đường sắt tốc độ cao.
Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức thuê Liên danh tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía JICA rà soát các nghiên cứu trước đây, tiến hành nghiên cứu, cập nhật bổ sung để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Ngoài việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, Bộ GTVT cũng đã làm việc và thống nhất bằng văn bản với 20/20 địa phương có dự án đi qua về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ngày 14/02/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT trình TTgCP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
"Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2019 và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019", Bộ GTVT thông tin.
Về sự cần thiết đầu tư, Bộ GTVT cho biết hành lang Bắc - Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước (chiếm tới 49% về dân số và 61% về GDP của cả nước).
Tuy nhiên, thị phần vận tải trên hành lang này chưa cân đối giữa các phương thức, chi phí logistic cao (gấp 2 lần mức trung bình trên thế giới); tai nạn giao thông và phát sinh khí thải môi trường rất lớn...
"Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu chỉ đầu tư các phương thức (đường bộ, hàng không và đường biển) theo qui hoạch và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, cần phải có một loại hình vận tải mới, sức chuyên chở lớn để bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên", Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo Bộ này, với các ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn, thân thiện với môi trường..., việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc - Nam là phù hợp.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP TP).
Dự án đi qua địa bàn 20 tỉnh/TP với chiều dài toàn tuyến khoảng 1559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa; bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
Theo Bộ GTVT, việc nghiên cứu đã rà soát 6 phương án đầu tư và tổng hợp đề xuất thành 3 kịch bản.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phía tư vấn đã đề xuất đối với đường sắt hiện có cần nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương.
Ngoài ra, tư vấn đề xuất xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).
Về công nghệ, tàu tốc độ cao Bắc - Nam dùng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán (EMU). Công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến, phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.
Trong đó, nhu cầu sử dụng đất cho dự án khoảng 9.834 ha. Nhu cầu về điện năng dự kiến đến 2030 là 0,165 tỉ KWh; năm 2050 là 2,3 tỉ KWh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,71 tỉ USD (suất đầu tư 38 triệu USD/km).
"Tư vấn đã nghiên cứu và đề xuất phương án phân kì đầu tư theo chiều ngang.
Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh (dài 295km với tổng mức đầu tư khoảng 12,022 tỉ USD) và TP HCM - Nha Trang (dài 370km với tổng mức đầu tư khoảng 12,691 tỉ USD).
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (dài 894km với TMĐT khoảng 33,998 tỉ USD) để nối thông toàn tuyến. Hình thức đầu tư là PPP", Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%.
Nghiên cứu cũng dự tính với giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP.
Trong nghiên cứu khả thi, tư vấn cũng kiến nghị xem xét thành lập Viện nghiên cứu đường sắt tốc độ cao (trên cơ sở các Viện, cơ sở đào tạo hiện có hoặc thành lập mới) để kết hợp các đơn vị trong và ngoài nước đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt hiện có.