Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội 'vướng' mặt bằng và vốn?

Với dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu cho biết khó khăn nhất là mặt bằng và nguồn vốn thanh toán.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vướng mặt bằng và vốn? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Nam Định).

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không lo thiếu vốn?

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mới đi kiểm tra tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long.

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Hùng đã kiểm tra tiến độ gói thầu CT3 liên quan đến các hạng mục hạ ngầm tại các ga S9, S10, S11 và S12.

Tại buổi kiểm tra, đại diện nhà thầu cho biết đến nay gói thầu CT3 (dốc hạ ngầm đường Kim Mã) cơ bản được triển khai đúng tiến độ và hiện hoàn thành 35% tường vây.

Ngoài ra, nhà thầu đã thi công được 60% tường vây của ga S9 và sẽ hoàn thành cơ bản trong vòng 1 tháng nữa.

Đối với ga S10 (trên đường Cát Linh), nhà thầu đang thi công tường vây phía Bắc sau đó sẽ thi công tới phía Nam của nhà ga, do phải phân luồng giao thông nên phải chia làm 2 giai đoạn để thi công.

Đối với ga S11 (Văn Miếu), S12 (Ga Hà Nội) đến nay nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng sạch nên mới chỉ lên được phương án phân luồng giao thông và chuẩn bị công tác rào công trường.

Đáng chú ý, đại diện nhà thầu cho biết vấn đề khó khăn nhất của gói thầu CT3 đó là mặt bằng để thi công ga S11, S12 và nguồn vốn để thanh toán cho nhà thầu các hạng mục đã ứng trước để thi công ga S9, S10.

Về phần khoan hầm, nhà thầu đã nộp thiết kế sơ bộ cho tư vấn, đồng thời sẽ sớm trình thiết kế chi tiết để tư vấn nhanh chóng quyết định lựa chọn máy khoan cho hợp lí.

Được biết, ga S9 là vị trí hạ máy khoan ngầm TBM nên có vai trò quan trọng. Trong khi đó, máy khoan ngầm cần 2 tháng để lựa chọn chi tiết và khoảng 1 năm để lắp ráp.

Về vấn đề vốn, Trưởng Ban Quản lí dự án Đường sắt Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh cho biết đây là dự án vay vốn của ngân hàng ADB, hiện nay Chính phủ đang thỏa thuận để gia hạn nguồn vốn.

Theo ông Minh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định bố trí nguồn vốn trung hạn cho dự án, nên khả năng đến năm 2020 sẽ không thiếu vốn.

Ngoài ra, Ban Quản lí dự án Đường sắt Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để trong tháng 4 sẽ giải ngân vốn cho nhà thầu.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đánh giá nhà thầu đã triển khai thi công 2 nhà ga S9 và S10 đạt khối lượng tương đối.

Ông Hùng cũng yêu cầu các quận Đống Đa, Ba Đình sớm bàn giao mặt bằng để thi công các nhà ga S1, S12.

Về phía nhà thầu, Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị khi có mặt bằng sạch cần xây dựng kế hoạch thi công cho hợp lí để hợp với tiến độ của toàn dự án.

Đối với vấn đề nguồn vốn của dự án, ông Hùng khẳng định TP hoàn toàn đáp ứng đủ nguồn vốn để thanh toán cho dự án.

Về việc chậm thanh toán, theo ông Hùng, đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA và tiến độ bị chậm nên phải gia hạn vốn vay.

Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn của Trung ương cho Thành phố liên quan đến dự án cũng bị chậm do Luật Ngân sách, tuy nhiên mọi vấn đề hiện nay đã được tháo gỡ và TP sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho cả dự án.

Ông Hùng cũng đề nghị nhà thầu không vì tiền thanh toán chậm mà làm chậm tiến độ, ảnh hưởng gói thầu khác.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vướng mặt bằng và vốn? - Ảnh 2.

Đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang thi công. (Ảnh: Nam Định).

Chưa xong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3

Liên quan đến dự án Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, đại diện BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết việc giải phóng mặt bằng đã đạt 86,6%,

Theo vị này, hiện toàn tuyến còn 172 hộ dân và 2 cơ quan phải giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.

Về công tác thi công xây lắp, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công đã thảm bê tông nhựa C19 cơ bản phần đường mở rộng được, chỉ còn lại 720m đoạn từ UBND phường Cổ Nhuế 1 đến Km2+650.

Ngoài ra, đơn vị thi công cũng đã hoàn thành vuốt nối các nút Mai Dịch; Doãn Kế Thiện; Trần Quốc Hoàn; Nút Nam Cường; Đỗ Nhuận; Đường số 3; Đường số 4,...

Công tác trồng cây xanh trên tuyến, lát hè, thi công hệ thống chiếu sáng cũng được thi công đáp ứng với tiến độ của toàn dự án.

Đối với dự án này, ông Hùng yêu cầu quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong tháng 4/2019.

Phó Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phấn đấu hoàn thành dự án đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2019.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.