Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải TPHCM và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước thì vé xe Tết của các tuyến đường dài xuất phát từ TPHCM có cự ly trên 400km đến Phú Yên và các tỉnh miền Bắc không được phụ thu quá 60% giá vé. Tuy nhiên, nhiều hãng xe đã tranh thủ cơ hội béo bở này để... kiếm chác.
Nhiều nhà xe đang “kê” giá vé bình thường lên cao, để khi nhân với 60% giá phụ thu sẽ đạt mức giá “trên trời” như họ mong muốn |
Chị Duyên (23 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cho biết, chị đang làm việc tại một công ty xây dựng ở quận Thủ Đức, TPHCM. Chị Duyên có đặt 4 vé xe Tết của Công ty TNHH Thương mại Vận tải H.V ở thành phố Hà Tĩnh đi vào ngày 9/2 (tức 24/12 âm lịch). Giá mỗi vé là 1,4 triệu đồng. Chị Duyên đã đặt cọc trước 2 triệu đồng cho 4 vé xe Tết của mình. Số tiền còn sẽ được trả khi lên xe.
“Ngày bình thường, tôi đi nhà xe H.V chỉ có 600.000 đồng/vé, vậy mà ngày Tết tăng hơn gấp đôi, như vậy là quá cao. Giá vé của nhiều nhà xe khác ở thành phố Hà Tĩnh cũng như vậy nên tôi đành bấm bụng chịu thôi”, chị Duyên nói.
Trong vai hành khách, chúng tôi cũng liên lạc với nhà xe H.V để đặt vé về Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhà xe này thông báo đã hết vé đến ngày 27/12 Âm lịch, chỉ còn vé từ ngày 28/12 Âm lịch trở đi. Giá vé là 1,4 triệu đồng, đặt cọc trước mỗi vé là 500.000 đồng.
Như vậy, giá vé dịp cao điểm Tết mà nhà xe H.V đang bán ra cao hơn 130% so với ngày bình thường. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chỉ cho phép tăng 60%.
Người dân đặt vé đi từ TPHCM ra Hà Tĩnh ngày 24 tháng Chạp (9/2) với giá 1,4 triệu đồng/vé, đặt cọc trước 2 triệu đồng cho 4 vé |
Cũng như nhà xe H.V, nhà xe C.T chạy tuyến TPHCM – Quảng Bình cũng đang bán vé xe Tết giá 1,4 triệu đồng/vé. Trong khi đó, giá vé ngày thường mà nhà xe C.T bán ra chỉ 550.000 đồng/vé. Giá vé Tết mà nhà xe C.T đưa ra đã vượt hơn gần 150% so với ngày thường. Đây có thể nói là giá vé “chặt chém” khiến nhiều người dân bức xúc.
Anh Hùng (quê Quảng Bình) chia sẻ, anh làm thuê ở TPHCM nên thu nhập không được là bao. Mỗi dịp Tết đến là anh lại lo lắng vì giá vé xe tăng cao.
“Cả năm làm thuê mới tiết kiệm được khoảng hơn chục triệu, vậy mà hai vợ chồng với một đứa con chỉ đủ tiền mua vé về quê và vào lại Sài Gòn sau Tết. Năm nay chắc không biếu bố mẹ được đồng nào” anh Hùng than thở.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại bến xe Miền Đông, TPHCM, giá vé cơ bản ngày thường đã được các nhà xe nhanh chóng nâng lên, để khi cộng thêm giá phụ thu sẽ bằng giá vé “trên trời” mà họ mong muốn.
Cụ thể, giá vé đi từ TPHCM ra Hà Tĩnh ngày thường khoảng 600.000 đồng nhưng đã được “kê” lên là 873.000 đồng để sau khi nhân với 60% phụ thu thì giá vé sẽ đạt mức gần 1,4 triệu đồng.
Tương tự, vé xe từ TPHCM ra Quảng Bình ngày thường giá 550.000 đồng cũng đã được “thổi” lên là 873.000 đồng để sau khi nhân với số phần trăm được phép phụ thu sẽ thành 1,4 triệu đồng/vé.
Vé xe Tết đi nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc được nâng lên “vô tội vạ”, khác xa với giá vé ngày bình thường mà người dân vẫn đi, ảnh chụp tại bến xe Miền Đông ngày 25/1. |
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, nhận được thông tin phản ánh từ Dân trí, Sở GTVT Quảng Bình sẽ cử ngay cán bộ “nhập vai” để kiểm tra ngay hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh không đúng quy định.
“Chúng tôi sẽ chấn chỉnh, xử lý nếu phát hiện vi phạm bởi các cơ quan chức năng chỉ cho phép tăng tối đa 60% giá vé trong dịp cao điểm Tết. Việc các nhà xe tăng giá tùy tiện, cạnh tranh không lành mạnh và "chặt chém" hành khách sẽ bị xử lý nghiêm ”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, rất có thể các nhà xe chỉ mới thỏa thuận với hành khách bằng miệng và chưa có giấy tờ hay bằng chứng nào. Nếu người dân có chứng cứ về việc nhà xe “thổi giá” thì hãy cung cấp cho Sở GTVT để xử lý.
Trước đó, vào tháng 12/2017, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải thành phố và các đơn vị liên quan về nhiều vấn đề, trong đó có xe Tết.
Ông Khoa chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thành lập tổ kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá vé có phụ thu của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định trên địa bàn.
Ông Khoa đề nghị công tác kiểm tra phải nhắm vào việc kê khai phụ thu hợp lý, không để vé xe Tết là “gánh nặng đối với công nhân”.