Duyệt giá đất bổ sung để bồi thường dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Giá đất bổ sung cao nhất hơn 3,3 triệu đồng/m2 đối với đất thương mại dịch vụ (vị trí 1) tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt giá đất bổ sung để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án thành phần xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, đoạn qua huyện Xuân Lộc.

Giá đất bồi thường mặt bằng cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Lễ khởi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 30/9. (Ảnh: VGP).

Theo đó, diện tích đất cần thu hồi là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp qui mô hơn 257 ha, thuộc địa bàn 9 xã của huyện Xuân Lộc gồm các xã Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Suối Cát, Bảo Hòa, Xuân Phú, Lang Minh và Xuân Định.

Theo quyết định, giá đất cao nhất là hơn 3,3 triệu đồng/m2 đối với đất thương mại dịch vụ vị trí 1 (xã Xuân Tâm). Giá đất thấp nhất là 173.000 đồng/m2 đối với đất nuôi trồng thủy sản vị trí 4 (xã Xuân Phú).

Giá đất bồi thường mặt bằng cho cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Giá đất bổ sung làm căn cứ tính tiền bồi thường. (Ảnh chụp màn hình: Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai).

Trước đó, tháng 3/2020, UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án trên.

Theo đó, diện tích đất cần thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, được định giá hơn 2,5 triệu m2. Các khu đất này thuộc 9 xã gồm: Xuân Hòa, Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Suối Cát, Bảo Hòa, Xuân Phú, Lang Minh và Xuân Định.

Theo tìm hiểu, giá đất cao nhất ở dự án này hơn 4,8 triệu đồng/m2, thuộc đất ở tại nông thôn vị trí 1 trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Tâm (từ giáp ranh với thị trấn Gia Ray đến hết Trường mầm non ấp 6).

Để thực hiện xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, huyện Xuân Lộc phải thực hiện thu hồi hơn 235 ha đất của 873 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. 

Tính đến ngày 11/9, UBND huyện Xuân Lộc đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền cho 763 trường hợp. Trong đó 590 trường hợp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng với tổng số tiền là 741 tỉ đồng.

Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được Quốc hội chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Dự án có chiều dài 99 km, trong đó đi qua địa bàn Đồng Nai là 51,5km. Giai đoạn phân kì qui mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là gần 12.600 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.201 tỉ đồng.

Tổng diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án là 761,26 ha (Bình Thuận: 365,89 ha; Đồng Nai: 395,37 ha), khoảng 1.906 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng (Bình Thuận: 654 hộ; Đồng Nai: 1.249 hộ).

Ngày 30/9/2020, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đồng loạt được khởi công.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.