Sau gần 6 tháng kinh doanh, anh Nguyễn Văn Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đóng quán phở. Lấy tiêu chí ngon và đảm bảo vệ sinh để thu hút khách hàng, nhưng giá thuê cao khiến anh Hải không thể giảm giá.
Mỗi bát phở anh bán thấp nhất cũng 35.000 đồng, so với mặt bằng chung của khu Linh Đàm là cao, theo đánh giá của anh Hải cũng như khách hàng. Biết là vậy, nhưng anh Hải không thể bán thấp hơn.
Theo anh Hải, kios một tầng rộng khoảng 45m2, được anh cơi nới thêm 1 gác lửng, có giá thuê 40 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ, điện nước,...
Với 12 toà chung cư, hàng nghìn hộ dân chưa kể các khu vực lân cận nên khu vực Linh Đàm, nơi anh mở quán phở được cho là hốt bạc.
Mức giá thuê ở đây luôn cao ngất ngưởng. Một kios nhỏ ở vị trí khuất cũng phải 30 triệu đồng/tháng. Những vị trí đẹp, căn góc có giá trên 45 triệu đồng/tháng.
Đông dân cư, các kios cho thuê luôn trong tình trạng khan hiếm. Song, thực tế, doanh thu của các cửa hàng lại trái ngược.
Anh Hải cho hay: “Phần lớn người dân ở đây có thu nhập trung bình nên họ cũng cân nhắc về giá cả ăn uống hàng ngày. Dù đồ ăn ngon mà giá cao thì cũng chỉ phục vụ một số ít đối tượng có điều kiện.
Giá thuê nhà cao đã đội chi phí một tô phở lên. Biết là rẻ sẽ đông khách nhưng mình cũng không dám mạo hiểm giảm giá”.
Ngoài phở, anh Hải bán thêm nhiều món ăn khác để cầm cự. Thậm chí, có thời điểm anh tìm thêm đối tác kinh doanh chung chia sẻ tiền thuê. Kết thúc hợp đồng 6 tháng, anh quyết định giải tán cửa hàng với khoản lỗ hơn 100 triệu.
Khảo sát giá thuê mặt bằng tại các toà chung cư HH Linh Đàm, mức giá thuê hiện nay vào khoảng 30 triệu đồng/tháng kios tầng 1, từ 15 - 20 triệu đồng/tháng tầng 2. So với trước Tết, mức giá thuê ở đây chỉ điều chỉnh rất ít, thậm chí không giảm.
Thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Chính vì thế, hiện tượng các cửa hàng mở lên một thời gian rồi âm thầm đóng cửa diễn ra thường xuyên tại khu vực này.
Anh Tuấn, chủ một cửa hàng bún cá, từng phải bỏ của chạy lấy người tại đây. Anh chia sẻ, năm ngoái anh thuê kios 30 triệu đồng mở quán.
Quán mở chưa được ba tháng, vẫn còn hợp đồng thuê nhưng anh đã phải thanh lý, sang nhượng.
Lí do, giá thuê cao trong khi đó giá mỗi bát bún cá cao nhất cũng chỉ 30.000 đồng, không thể tăng giá cao hơn. Thu không đủ chi, anh chấp nhận lỗ vốn.
“Giá thuê mặt bằng ở khu vực này khá cao, nhìn ngoài ai cũng nghĩ dễ làm ăn nhưng thực tế không phải vậy. Chỉ vài cửa hàng là có thể trụ được, còn hầu hết kinh doanh một thời gian là đóng cửa”, anh Tuấn nói.
Đầu năm 2020, Nghị định 100 xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe có hiệu lực, dịch Covid-19 giáng thêm một đòn mạnh lên ngành ẩm thực. Dù ở tình thế nào thì bên thuê vẫn là người chịu thiệt.
Do vậy, nhiều khách thuê đàm phán với chủ nhà nhưng họ nhận được cái lắc đầu.
Anh Nguyễn Minh Hải, chủ một quán cà phê ở Hà Đông, cho hay, anh đang thuê mặt bằng kinh doanh 20 triệu đồng/tháng.
Thời mở quán kinh doanh, để đảm bảo mặt bằng, anh đã ký hợp đồng 5 năm và nộp tiền trước 1 năm cho chủ nhà. Lộ trình tăng giá thuê nhà từ năm thứ hai trở đi.
Sau Tết, do ảnh hưởng của dịch, anh đã đàm phán với chủ nhà nhờ hỗ trợ một phần. Nhưng họ không đồng ý và chỉ hứa không tăng giá nhà vào năm thứ hai theo hợp đồng đã ký.
Tương tự như vậy, khảo sát nhiều tuyến phố trung tâm, dù treo biển cho thuê nhà nhưng giá thuê cũng không giảm. Một số chủ nhà miễn cưỡng giảm giá nhưng kèm theo điều kiện ràng buộc.
Khảo sát của Savills gần đây cho thấy, doanh thu một số nhà hàng đã giảm lên đến 50% trong tháng 2 so với các tháng trước đó.
Theo một khảo sát khác về Khách thuê bán lẻ của Savills trong quý 1/2020, 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40-50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê.
Việc giảm giá quá nhiều cũng tạo sức ép lên chủ nhà. Khảo sát cho hay có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn đưa ra các giải pháp hài hòa trong hỗ trợ về giá về thanh toán và áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định.
Tình trạng bỏ trống do không có khách thuê nguyên nhân từ chủ nhà giữ giá hoặc có những điều kiện đi kèm.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP HCM cho rằng, khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do yêu cầu thuê nguyên căn; thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ.
Việc giữ giá cho thuê trong thời điểm này đang là "cố đấm ăn xôi", khiến chủ nhà không có nguồn thu, khách thuê thì không tim được mặt bằng. Giải pháp hiện nay là cả hai bên cùng ngồi lại tìm ra một tiếng nói chung.
Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá, như một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất một tháng với khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30 - 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.