Eximbank sẽ là nhà băng có kì Đại hội đồng cổ đông nóng nhất năm 2019?

Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ diễn ra hôm nay, ngày 26/4/2019. Với những lùm xùm về “ghế nóng”, kết quả kinh doanh, thu hồi thù lao trả dư cho HĐQT và Ban kiểm soát… Eximbank được dự đoán là nhà băng có kì đại hội nóng nhất năm nay.

Eximbank có kết quả kinh doanh 2018 thấp nhưng đặt mục tiêu cao

Báo cáo của Ban kiểm soát về hoạt động năm 2018 khẳng định dù các chỉ tiêu kinh doanh có tăng hơn so với năm 2017, nhưng mức tăng còn khá thấp, chưa đạt, chưa hoàn thành kế hoạch.

Nhà băng này có tổng tài sản đến cuối 2018 đạt 152.652 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2017 và chỉ thực hiện được 86% kế hoạch năm. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 118.000 tỉ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2017, thực hiện được 80% kế hoạch. Kế hoạch huy động vốn Eximbank đặt ra trong năm 2018 là 148.000 tỉ đồng.

Eximbank sẽ là nhà băng có kì Đại hội đồng cổ đông nóng nhất năm 2019? - Ảnh 1.

Năm 2018, Eximbank vướng liên tiếp một loạt lùm xùm "bốc hơi" tiền tiết kiệm của khách, trong đó có vụ đại gia Chu Thị Bình bị cựu lãnh đạo chi nhánh Eximbank TP HCM lợi dụng rút hơn 245 tỉ đồng từ tiền gửi tiết kiệm. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Tổng dư nợ tín dụng đạt 104.118 tỉ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), cũng chỉ thực hiện được 92%.

Đặc biệt, quý IV/2018, Eximbank báo lỗ gần 310 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ hoàn thành 52% kế hoạch trong năm 2018, với số tiền 801 tỉ đồng.

Ban kiểm soát Eximbank cho biết nguyên nhân lợi nhuận thấp và không đạt mục tiêu đề ra là do ngân hàng đã trích bổ sung dự phòng 904 tỉ đồng, gồm 514 tỉ đồng bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định, 390 tỉ đồng còn lại bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan hai vụ tiền gửi của bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lan.

Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1.731 tỉ đồng.

Trong tình hình kinh doanh không khả quan của năm 2018, Eximbank đặt mục tiêu năm 2019 với tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 181.000 tỉ và 1.077 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 18,6% và 30%. 

Như vậy, so với kết quả kinh doanh năm 2018, mục tiêu mà Eximbank đặt ra là rất cao.

Eximbank tiếp tục câu chuyện lùm xùm ghế nóng Chủ tịch HĐQT

Ngoài kết quả kinh doanh không như mong đợi, hầu hết chỉ đạt 1/2 kế hoạch, chuyện "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng là vấn đề nổi cộm gần đây.

Sự việc bắt đầu vào cuối ngày 22/3, tức trước thời điểm Đại hội đồng cổ đông ngân hàng khoảng 1 tháng, Eximbank bất ngờ đưa ra Nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc, bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Eximbank sẽ là nhà băng có kì Đại hội đồng cổ đông nóng nhất năm 2019? - Ảnh 2.

Lùm xùm về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT kéo dài chưa dứt. (Đồ họa: Kinh tế tiêu dùng).

Bà Tú thay ông Quốc giữ chức vụ cao nhất tại nhà băng này trong nhiệm kì 2015-2020, ngay ngày 22/3. Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) và vừa vào HĐQT Eximbank được 9 tháng.

Hiện bà Tú đang nắm giữ gần 14 triệu cổ phiếu của Eximbank, tương đương tỉ lệ sở hữu 1,12%.

Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc tố cuộc họp ngày 22/3 bầu Chủ tịch HĐQT mới, tức bà Lương Thị Cẩm Tú, là trái quy định.

Ngày 27/3, Toà án nhân dân TP HCM đã quyết định "Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời", quy định tại điều 127 của Bộ luật tố tụng Dân sự, buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Tối cùng ngày, Eximbank tiếp tục phát đi thông cáo, khẳng định việc HĐQT ngân hàng đã tổ chức phiên họp ngày 22/3/2019 để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Eximbank.

Đồng thời, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị tham dự (tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 2 thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - Cổ đông chiến lược của Eximbank.

Ngân hàng sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm: quyền khiếu nại, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, ngay khi Ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu. Ngân hàng đồng thời, yêu cầu các cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", thông cáo của Eximbank khẳng định.

Trước đó, ngay khi có thông tin ông Quốc tố cuộc họp ngày 22/3 bầu Chủ tịch HĐQT mới, tức bà Lương Thị Cẩm Tú là trái quy định, tối 25/3, Eximbank cũng phát đi thông báo khẳng định Nghị quyết ngày 22/3, bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kì 2015 - 2020, thay cho ông Lê Minh Quốc, là đúng quy định của Luật doanh nghiệp và theo điều lệ của ngân hàng.

Eximbank sẽ là nhà băng có kì Đại hội đồng cổ đông nóng nhất năm 2019? - Ảnh 3.

tại đại hội cổ đông năm 2018, Tổng giám đốc Lê Văn Quyết bị cổ đông chất vấn, yêu cầu từ chức vì Eximbank liên tục xảy ra hàng loạt vụ mất tiền của khách hàng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Eximbank khẳng định HĐQT cũng đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới.

Tuy nhiên đến nay, đã đến ngày ĐHĐCĐ, lùm xùm kiện cáo về vị trí Chủ tịch HĐQT ông Quốc hay bà Tú vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Ông Lê Văn Quyết không còn kí tên dưới chức danh Tổng Giám đốc?

Không chỉ lùm xùm quanh vị trí Chủ tịch HĐQT, ghế Tổng Giám đốc Eximbank cũng là vấn đề nóng sốt tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của nhà băng này. Đáng chú ý là trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank trình ĐHĐCĐ không có chữ kí của Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết.

Các tờ trình còn lại về kinh phí hoạt động, thù lao của ban kiểm soát và HĐQT có chữ kí của Trưởng ban kiểm soát Trần Ngọc Dũng và Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc. Nhiều thông tin cho rằng ngày 5/4/2019 là thời hạn hợp đồng lao động của Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết với Eximbank đã hết, trong khi đó Eximbank vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm người mới.

Ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm là thành viên HĐQT Eximbank tháng 12/2015 và được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Eximbank từ năm 2016.

Được biết vào ngày 4/4, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc đã triệu tập họp HĐQT liên quan đến việc bổ sung nội dung bầu mới Chủ tịch HĐQT và gia hạn hợp đồng với Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết.

Tuy nhiên, cuộc họp đã không thể diễn ra theo kế hoạch, do không đủ thành viên tham dự, do vậy việc bổ nhiệm với Tổng Giám đốc Lê Văn Quyết chưa thể thực hiện.

Eximbank sẽ là nhà băng có kì Đại hội đồng cổ đông nóng nhất năm 2019? - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Quyết (người thứ hai từ phải qua) được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Eximbank từ năm 2016. (Ảnh: Eximbank ).

Mới đây, Eximbank đã công bố dự thảo trình đại hội về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ về người đại diện theo pháp luật cho ngân hàng.

Cụ thể, Eximbank muốn sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 2 Điều lệ từ "Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng" thành "Người đại diện theo pháp luật của ngân hàng là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc bổ nhiệm người khác thay thế".

Eximbank cho hay sửa đổi điều lệ người đại diện theo pháp luật nhằm đảm bảo tính liên tục và phù hợp với qui định của pháp luật.

Theo ngân hàng này, nếu để điều lệ cũ, trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc, nhà băng sẽ không có người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của ngân hàng.

Đền bù hàng trăm tỉ đồng cho bà Chu Thị Bình

Liên quan vụ bà Chu Thị Bình bị nguyên lãnh đạo Eximbank chi nhánh TP HCM chiếm đoạt 245 tỉ đồng tiền gửi tại ngân hàng, mới đây, Tòa án Nhân dân cấp cao TP HCM đã tuyên Eximbank có trách nhiệm thanh toán thêm cho bà Bình tổng cộng 115 tỉ đồng, trong đó gồm hơn 99 tỉ đồng là phần lãi suất ngân hàng của 3 sổ tiết kiệm và phần lãi phạt hơn 16 tỉ đồng.

Trước đó, ở phiên tòa sơ thẩm, ngân hàng đã tất toán cho bà Bình 3 sổ tiết kiệm trị giá 245 tỉ đồng, tương đương số tiền thất thoát nhưng giữ lại phần lãi phát sinh.

Loay hoay thu hàng chục tỉ thù lao HĐQT và BKS do trả dư từ nhiều năm trước

Eximbank dự định năm 2019 sẽ chi thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát ít nhất là 22 tỉ đồng. Nếu tình hình kinh doanh hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra, thì thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát sẽ đạt gần 30 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhà băng này vẫn đang loay hoay thu hồi khoảng 60 tỉ đồng thù lao do trả dư trong các năm trước đó.

Cụ thể, tại kết luận Thanh tra số 22, ngày 24/10/2016, Eximbank sẽ tiến hành thu hồi thù lao đã trả dư cho HĐQT và Ban kiểm soát, từ giai đoạn các năm 2013-2015.

Theo kiến nghị của Thanh tra, Eximbank phải thu hồi số tiền hơn 80 tỉ đồng, đến nay mới thu hồi được hơn 20 tỉ đồng. Như vậy, số tiền thù lao mà nhà băng này trả thừa cho HĐQT và BKS chưa thu hồi được là hơn 60 tỉ đồng.

HĐQT Eximbank cho biết đã kí hợp đồng tư vấn với luật sư để tiếp tục thực hiện thu hồi số tiền hơn 60 tỉ mà HĐQT và Ban kiểm soát còn nợ trên.

Đồng thời, ngân hàng cho biết đã báo cáo các trường hợp này đến cơ quan chức năng để xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.