Sợ khuyết Tổng Giám đốc, Eximbank bất ngờ muốn thay đổi điều lệ người đại diện pháp luật

Trước đại hội cổ đông diễn ra vào ngày mai (26/4), Eximbank đã đưa ra dự thảo thay đổi điều lệ về người đại diện theo pháp luật. Nhà băng lo sợ việc khuyết chức danh Tổng giám đốc sẽ ảnh hưởng hoạt động.

Eximbank sợ khuyết chức danh Tổng giám đốc

Trước Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào sáng mai (ngày 26/4), HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã bất ngờ đưa ra dự thảo trình cổ đông về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank.

Cụ thể, theo Khoản 4, Điều 2 Điều lệ Eximbank được ĐHĐCĐ thông qua và Ngân hàng Nhà nước chuẩn y vào năm 2011, quy định Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng.

Sợ khuyết Tổng Giám đốc, Eximbank bất ngờ muốn thay đổi điều lệ người đại diện pháp luật - Ảnh 1.

Trước ĐHĐCĐ diễn ra vào ngày mai, Eximbank đã đưa ra dự thảo thay đổi điều lệ về người đại diện theo pháp luật. (Ảnh minh họa: Zing).

"Tuy nhiên, thực tế hoạt động đã xảy ra trường hợp Tổng giám đốc bị miễn nhiệm, và Ngân hàng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật để bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Tổng giám đốc thay thế", đại diện HĐQT Eximbank cho biết trong tờ trình dự thảo.

Theo quy định hiện hành, chức danh Tổng giám đốc ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm.

Eximbank cho rằng trong thời gian khuyết chức danh này, nhà băng không có người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của ngân hàng, đại diện cho Eximbank với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án, các quyền và nghĩa vụ khác.

Vì vậy, HĐQT Eximbank đã trình đại hội cổ đông điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 2 Điều lệ nhà băng từ "Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng" thành "Người đại diện theo pháp luật của ngân hàng là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất việc bổ nhiệm người khác thay thế".

Ngân hàng cho hay kiến nghị sửa đổi Điều lệ này nhằm đảm bảo tính liên tục và phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng trình đại hội cổ đông sửa quy định tại Điều 33, có nội dung: "Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% trong tổng số cổ phần có quyền biểu quyết", thành đại hội cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Eximbank sẽ nóng chuyện "ghế nóng"

Ông Lê Văn Quyết gia nhập HĐQT Eximbank vào năm 2015 với vai trò thành viên và ngồi ghế Tổng giám đốc từ ngày 5/4/2016 cho đến nay, và chưa có quyết định thôi vị trí này.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Eximbank.

Tuy nhiên, gần đây, có thông tin cho rằng ông Quyết đã có ý kiến về việc Eximbank nên tìm tổng giám đốc mới, để đảm bảo hoạt động liên tục ngân hàng.

Trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ kí của Tổng giám đốc ngân hàng.

Sợ khuyết Tổng Giám đốc, Eximbank bất ngờ muốn thay đổi điều lệ người đại diện pháp luật - Ảnh 2.

Tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank không có chữ kí của Tổng giám đốc ngân hàng.

Các tờ trình còn lại như báo cáo của Ban kiểm soát, kinh phí hoạt động và thù lao của ban kiểm soát do ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng ban kiểm soát kí. Trong khi đó, các tờ trình thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, phân phối lợi nhuận 2018 của Eximbank, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc kí.

Ghế nóng Eximbank luôn gây sốt. Vào ngày 22/3/2019, nhà băng này bất ngờ đưa ra Nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT với ông Lê Minh Quốc, bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.

Bà Tú thay ông Quốc giữ chức vụ cao nhất tại nhà băng này trong nhiệm kì 2015-2020, ngay trong ngày 22/3/2019. Ông Quốc có 5 ngày để hoàn tất bàn giao. Bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Tại ĐHĐCĐ của Eximbank tháng 4/2018, bà Tú được bầu vào HĐQT Eximbank. Hiện bà Tú nắm giữ gần 14 triệu cổ phiếu của Eximbank, tương đương tỉ lệ sở hữu 1,12%.

Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Minh Quốc tố cuộc họp ngày 22/3 bầu Chủ tịch HĐQT mới, tức bà Lương Thị Cẩm Tú, là trái quy định. Do đó, Nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp ngày 22/3 quyết định Chủ tịch HĐQT mới đã không có hiệu lực pháp luật.

Tối 25/3, Eximbank phát đi thông báo khẳng định Nghị quyết bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kì 2015 - 2020, thay cho ông Lê Minh Quốc, ngày 22/3, là đúng qui định của Luật doanh nghiệp và theo điều lệ của ngân hàng.

Eximbank khẳng định HĐQT cũng đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới.

Đại hội đổng cổ đông của Eximbank diễn ra vào ngày mai, 26/4, dự kiến sẽ nóng chuyện "ghế nóng" của nhà băng này về những lùm xùm thời gian qua.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.