FLC Faros cung cấp thông tin về các quyết định cưỡng chế thuế, hé lộ con số hơn trăm tỉ đồng

Tổng số tiền doanh nghiệp FLC Faros bị cưỡng chế thuế trong 2,5 năm qua khoảng 116 tỉ đồng. Tổng Giám đốc FLC Faros cho biết đã nộp đầy đủ vào Ngân sách Nhà nước sau khi nhận quyết định cưỡng chế.

Mới đây, ngày 6/4, Công ty CP Xây dựng FLC Faros (MCK: ROS) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) để cung cấp thông tin theo yêu cầu về các quyết định cưỡng chế thuế mà công ty nhận được từ năm 2016 đến nay.

Theo văn bản này, trong thời gian từ 14/9/2016 - 6/3/2019, FLC Faros đã nhận được tổng cộng 31 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng và cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

FLC Faros cung cấp thông tin về các quyết định cưỡng chế thuế, hé lộ con số hơn trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Tổng số tiền FLC Faros bị cưỡng chế trong 2,5 năm qua khoảng 116 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo qui định.

Tổng số tiền FLC Faros bị cưỡng chế từ các quyết định trên là khoảng 116 tỉ đồng.

2018 là năm doanh nghiệp này nhận nhiều quyết định cưỡng chế thuế nhiều nhất, lên đến 15 quyết định với tổng số tiền gần 103 tỉ đồng. Trong đó, quyết định ngày 17/5/2018 có tổng số tiền bị cưỡng chế nhiều nhất, lên đến gần 40 tỉ đồng.

Mới đây nhất, ngày 6/3, cơ quan thuế đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản Công ty CP Xây dựng FLC Faros tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam TP HCM - chi nhánh Ba Đình, PGD Tây Hồ với số tiền 50 triệu đồng.

Trong văn bản gửi HOSE, ông Đỗ Quang Lâm - Tổng Giám đốc FLC Faros, cho biết: "Toàn bộ nghĩa vụ thuế theo các quyết định cưỡng chế này đã được công ty chúng tôi thực hiện nộp đầy đủ vào Ngân sách Nhà nước, ngay sau thời điểm nhận được các quyết định cưỡng chế".

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của FLC Faros cho biết lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sụt giảm hơn 78% so với năm 2017, tương đương với hơn 663 tỉ đồng, chỉ còn gần 185 tỉ đồng.

Theo giải trình, doanh nghiệp này cho rằng tổng doanh thu suy giảm do công ty đã triển khai thực hiện các dự án do công ty làm chủ đầu tư nhưng chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định, dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm.

Kết thúc năm tài chính 2018, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC Faros, đang nắm 67,34% tổng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp này. Đồng thời, ông cũng là người sở hữu đa số cổ phần tại Tập đoàn FLC.

Tháng trước, Tập đoàn FLC cũng vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) để cung cấp thông tin theo yêu cầu về các quyết định cưỡng chế thuế mà công ty nhận được từ năm 2015 đến đầu năm nay. Nguyên nhân bị cưỡng chế tương tự với FLC Faros.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã nhận tổng cộng 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế với tổng số tiền bị cưỡng chế khoảng 161 tỉ đồng.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho hay đã nộp đầy đủ toàn bộ số tiền trên ngay sau khi nhận được các quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.