Hà Nội đang quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận với mục tiêu đưa nơi này thành cửa ngõ mới của Thủ đô, gồm ba chức năng "đầu mối giao thông", "trung tâm thương mại - văn phòng" và "đầu mối giao lưu cấp vùng".
Theo phân loại sử dụng đất, trong diện tích tổng cộng 98 ha của quy hoạch, sẽ có 27 ha làm văn phòng, nhà ở; 30 ha thương mại; 3,6 ha công viên; 21 ha cho giao thông...
Ga Hà Nội được bảo tồn nguyên trạng
Trong quy hoạch do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd-Nhật Bản lập, ga Hà Nội được đề xuất trở thành điểm trung chuyển đa phương thức; quảng trường trước ga là đầu mối giao thông đảm nhiệm chức năng khớp nối tổng hợp nhiều phương tiện, nơi hội tụ các hoạt động của người dân thành phố.
Nhà ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo, do đây là công trình lịch sử quan trọng trong ký ức người Hà Nội. Thậm chí, theo đề nghị của tư vấn, bề ngoài nhà ga cần được khôi phục theo đúng nguyên mẫu kiến trúc từ thời Pháp.
Phối cảnh khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. |
Tại khu vực ga sẽ tạo dựng hệ thống mạng lưới đỗ xe ngầm, cầu đi bộ trên cao, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ và kết nối với tàu điện ngầm.
Tư vấn đưa ra ba phương án quy hoạch ga Hà Nội và đường Trần Hưng Đạo, trong đó có hai phương án giữ nguyên nhà ga ở vị trí hiện tại, không kéo dài đường Trần Hưng Đạo về phía Tây. Tuy nhiên, xây dựng đường trục Đông Tây ở phía bắc nhà ga hoặc kéo dài đường Quốc Tử Giám về phía Đông để liên kết với đường Lý Thường Kiệt.
Phương án khác là nhà ga di chuyển về phía nam và bảo tồn; đường Trần Hưng Đạo kéo dài về phía Tây để kết nối với đường Quốc tử Giám.
Quy hoạch tầng ngầm trong ga Hà Nội. |
Đề xuất tòa nhà cao 70 tầng khu vực lân cận ga Hà Nội
Theo quy hoạch chung Hà Nội đã được Chính phủ phê duyêt, khu vực phố cũ gần ga Hà Nội, Văn Miếu sẽ được bảo tồn, giới hạn các tòa nhà cao tầng. Khu vực phía tây ga Hà Nội được định hướng cải tạo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Do vậy, đơn vị tư vấn đề nghị sử dụng đất mật độ cao ở xung quanh ga, triển khai phát triển một cách phức hợp công trình giao thông với công trình kiến trúc cao tầng. Phần thấp tầng sẽ tiến hành bảo tồn và phát huy yếu tố văn hóa lịch sử.
Đơn vị tư vấn dẫn theo mô hình của trung tâm đô thị của New York, Osaka, Bangkok, nhiều khối nhà cao tầng thương mại, dịch vụ hình thành xung quanh ga trung tâm, đường giao thông được bố trí thành kiểu lưới ô vuông.
Quy hoạch do tư vấn Nhật Bản xây dựng chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...
Khu nghỉ dưỡng đô thị lấy hồ Linh Quang làm trung tâm, biến hồ thành không gian mở mới của đô thị. Khu lối sống mới là khu nhà ở nơi những người trẻ tuổi; khu thương mại quốc tế tập trung các doanh nghiệp với quy mô đa dạng; khu tài chính được xây dựng cao tầng, hiện đại liên kết trực tiếp với ga tàu điện ngầm bằng tuyến đường ngầm dành cho người đi bộ.
9 phân khu chức năng được xác định trong quy hoạch. |
Theo tờ trình của Hà Nội đang được gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành, trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.
UBND TP Hà Nội đề xuất ba phương án thiết kế chiều cao các công trình điểm nhấn, từ 100 đến 200 m, xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có phương án xây dựng công trình 70 tầng tại phía tây bắc hồ.
Cũng theo tờ trình này, hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
Khu vực hồ Linh Quang và ga Hà Nội. |
Cần 23.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng theo quy hoạch
UBND Hà Nội đề xuất giai đoạn một đến năm 2020 sẽ xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và khu tập thể văn Chương, tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang, đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản, mạng lưới đỗ xe ngầm.
Giai đoạn hai đến năm 2030 sẽ xây dựng đường giao thông, đường ngầm cho người đi bộ, các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt; đến năm 2035 xây dựng các trung tâm tài chính, nhà ở để đảm bảo tái định cư.
Theo đề xuất của Hà Nội, nguồn vốn xây dựng các công trình theo quy hoạch khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó, vốn cho hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm do nhà nước đầu tư khoảng 700 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số một đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 đầu tư 100 tỷ đồng; các dự án phát triển đô thị đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Còn theo nghiên cứu của tư vấn Nhật Bản, các công trình xây dựng theo quy hoạch cần
13.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư các công trình kiến trúc do các chủ đầu tư bỏ ra là 12.000 tỷ đồng.
Ga Hà Nội đang thông qua 3,5 triệu hành khách mỗi năm, trong tương lai khi đường sắt được nâng cấp về dịch vụ cũng như thuận tiện hơn trong việc kết nối các phương thức vận tải, lưu lượng hành khách sử dụng loại hình này sẽ tăng lên. Ngoài ra, khu vực đầu mối ga Hà Nội sẽ có thêm đường sắt đô thị số 1 và số 3; đường sắt quốc gia, liên vận, cao tốc, nên sẽ tập trung lượng hành khách rất lớn. |
Xây nhà 70 tầng ở khu vực ga Hà Nội: Đừng biến công trình văn hóa khác thành nhà cấp 4 Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng nếu xây nhà 70 tầng ở khu vực ga Hà Nội thì nhiều công trình văn hóa khác ... |